Mờ dần khái niệm “sân nhà” khi Việt Nam thực hiện cam kết FTA

Theo Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Khái niệm “sân nhà” vốn là lợi thế của doanh nghiệp nội địa sẽ mờ dần và biến mất khi Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết FTA.

 Chế biến sản phẩm cá mực xuất khẩu tại nhà máy của Công ty TNHH Huy Nam (Kiên Giang).
Chế biến sản phẩm cá mực xuất khẩu tại nhà máy của Công ty TNHH Huy Nam (Kiên Giang).

Với quá trình mở cửa, đổi mới toàn diện nền kinh tế và thực hiện chủ trương hội nhập chủ động, tích cực, Việt Nam đã khai thác tốt các thị trường truyền thống và tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới cho hàng hoá xuất khẩu.

Đặc biệt, kể từ khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), Việt Nam đã mở rộng cả về quy mô và cơ cấu mặt hàng, góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và giữ thứ hạng cao trên bản đồ xuất, nhập khẩu thế giới.

Tận dụng hiệu quả

Tính từ thời điểm Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007 đến nay Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 Hiệp định FTA.

Cùng đó, các FTA này đã và đang mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đó là cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Hiện tại, trong số 16 FTA có tới 12 FTA đã ký kết và có hiệu lực; 1 FTA đã kết thúc đàm phán và rà soát pháp lý phục vụ phê chuẩn (FTA Việt Nam - EU) và 3 FTA khác đang trong quá trình đàm phán.

Đó là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do là Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand; Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội thương mại tự do châu Âu (Việt Nam - EFTA) gồm các nước Thụy Sĩ, Na Uy, Liechtenstein và Iceland và FTA Việt Nam – Israel.

Theo các chuyên gia thương mại, tất cả các thị trường có FTA của Việt Nam đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao so với thời điểm trước khi có FTA; trong đó, nhiều thị trường đạt mức tăng trưởng rất cao sau khi thực thi hiệp định.

Chẳng hạn như thị trường Chile tăng 3,6 lần sau 5 năm, tốc độ tăng bình quân 28,9%/năm; Ấn Độ tăng 15,6 lần sau 9 năm, tốc độ tăng bình quân 35,6%/năm; Hàn Quốc tăng 21,6 lần sau 12 năm, tốc độ tăng bình quân là 29,2%/năm và Trung Quốc tăng 14,3 lần sau 14 năm, tốc độ tăng bình quân là 20,9%/năm…

Bên cạnh đó, cơ cấu thị trường xuất khẩu cũng có sự chuyển dịch sang các nước có FTA và có cơ cấu hàng hóa bổ sung với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Liên minh Kinh tế Á Âu.

Không những thế, tăng trưởng xuất khẩu trên nhiều thị trường đạt mức hai con số tại các thị trường Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Đặc biệt, tổng kim ngạch sử dụng các loại chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi trong năm 2018 đạt 46,2 tỷ USD, chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường Việt Nam ký FTA.

Điều này cho thấy, doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đang dần nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan tại các thị trường có FTA với Việt Nam.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, mặc dù xuất khẩu của Việt Nam vào các nước ký FTA vẫn duy trì xu hướng tăng, nhưng mức độ thâm hụt cán cân thương mại cũng đang ngày càng lớn do nhu cầu nhập khẩu của Việt Nam từ các thị trường này ngày một nhiều hơn.

Chính vì vậy, theo nhận định từ các chuyên gia, việc thực thi FTA là đòn bẩy đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng cũng là thách thức khi phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu với giá cả, chất lượng, mẫu mã và dịch vụ hậu mãi nổi trội. 

Bởi vậy, khái niệm “sân nhà” vốn là lợi thế của doanh nghiệp nội địa sẽ mờ dần và biến mất khi Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết FTA.

Do đó, không còn cách nào khác ngoài việc doanh nghiệp Việt Nam phải đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh thì hàng hóa Việt Nam cũng phải đáp ứng tốt các điều kiện về xuất xứ, rào cản kỹ thuật để tạo đà cho xuất khẩu và giữ vững niềm tin với người tiêu dùng trong nước.

Phát huy giá trị

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ, với các FTA cũ, tỷ lệ tận dụng còn thấp thì với các FTA mới với những điều khoản phức tạp và chặt hơn nhiều.

Mờ dần khái niệm “sân nhà” khi Việt Nam thực hiện cam kết FTA - Ảnh 1

Dây chuyền chế biến, sơ chế hoa quả xuất khẩu tại Tổ hợp sản xuất và chế biến hoa quả xuất khẩu của Nafoods (Long An). 

Bởi vậy, nếu không có các chương trình tập huấn kịp thời và thường xuyên thì doanh nghiệp không chủ động cập nhật thông tin và trang bị kiến thức.

Việc cải thiện tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA, nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ không khả thi như kỳ vọng.

Cũng theo ông Trần Thanh Hải, việc mở rộng thị trường xuất khẩu sẽ được coi như là một chiến lược dài hạn nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực; nâng cao năng lực sản xuất xuất khẩu và cạnh tranh, giúp tồn tại và đứng vững tại thị trường nội địa.

Hơn nữa, mở rộng thị trường còn giúp doanh nghiệp Việt Nam cọ xát hơn nữa với thế giới bên ngoài; đồng thời, thêm điều kiện để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh và khẳng định vị thế mới của mình trên trường quốc tế.

Về phía doanh nghiệp, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp cần nắm rõ về khung pháp lý của thị trường và các rào cản kỹ thuật để chủ động hơn trong xuất khẩu; đặc biệt khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang được thực thi.

Cùng quan điểm này, bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) khẳng định: Mặc dù các điều khoản trong các FTA có lợi cho Việt Nam, nhưng nếu không biết cách tận dụng thì các doanh nghiệp vẫn không thể mở rộng thị trường và gia tăng giá trị xuất khẩu.

Vì thế, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp cần nhanh chóng thay đổi tư duy, nhận diện đúng vai trò của mình trong việc thực thi các FTA qua việc chủ động tiếp cận, tìm hiểu thông tin, nội dung mà hai bên đã cam kết. Từ đó, vận dụng quy tắc xuất xứ một cách có hệ thống và hiệu quả.

Mặt khác, doanh nghiệp phải không ngừng cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và kỹ thuật đã cam kết.

Nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp Việt nên lấy sức ép cạnh tranh làm động lực để đổi mới, phát triển và liên kết chặt chẽ theo ngành; chia sẻ đơn hàng cùng nhau và tận dụng cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo cơ quan chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh thông qua việc định hướng nguồn cung nguyên liệu.

Bên cạnh đó, hướng dẫn thực hiện các quy tắc nguồn gốc xuất xứ đáp ứng yêu cầu FTA, đơn giản hóa các thủ tục cấp giấy chứng nhận, kiểm tra chuyên ngành…

Hơn nữa, các cơ quan xúc tiến thương mại, hiệp hội ngành hàng tại Việt Nam cần tích cực hơn nữa trong việc cập nhật, hướng dẫn doanh nghiệp nắm bắt các thông tin hội nhập. Bởi, chỉ có như vậy các FTA mới phát huy được giá trị trong việc thúc đẩy trao đổi hàng hóa và nâng cao giá trị xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, Bộ Công Thương đang tập trung triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp; trong đó, ưu tiên đẩy mạnh đàm phán, ký kết và triển khai thực hiện các điều ước quốc tế song phương và đa phương.

Bộ cũng ưu tiên rà soát tình hình thực hiện để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ký mới cho phù hợp với tình hình thực tế và những cam kết quốc tế mới của Việt Nam.

Đáng lưu ý, Bộ Công Thương đẩy mạnh việc yêu cầu các nước xóa bỏ tối đa thuế nhập khẩu và các rào cản phi thuế đối với hàng hóa của Việt Nam trong quá trình đàm phán Hiệp định RCEP.

Đặc biệt, chú trọng hoạt động tuyên truyền, phổ biến nhằm các doanh nghiệp tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi về tiếp cận thị trường và cắt giảm thuế quan của các đối tác để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA.