Mở đường đón thị trường kinh tế chia sẻ

Theo Thanh Hoa/thoibaokinhdoanh.vn

Việt Nam sẽ chính thức thực hiện mô hình kinh tế chia sẻ và khẳng định không thể “chậm chân” trong việc chiếm lĩnh thị phần “miếng bánh” 335 tỷ USD.

Ở Việt Nam, dù mới phát triển nhưng kinh tế chia sẻ đang phát triển nhanh chóng cùng với sự phổ biến của smartphone.
Ở Việt Nam, dù mới phát triển nhưng kinh tế chia sẻ đang phát triển nhanh chóng cùng với sự phổ biến của smartphone.

Theo nghiên cứu của công ty kiểm toán Pricewaterhouse Coopers Việt Nam (PwC), chỉ riêng 5 lĩnh vực là du lịch, vận tải, tài chính, nhân lực và dịch vụ video trực tuyến ca nhạc, khi ứng dụng mô hình này làm tăng doanh thu toàn cầu từ 15 tỷ USD năm 2014 và dự báo lên 335 tỷ USD năm 2025.

Phát triển bùng nổ

Giá trị lớn nhất của mô hìnhkinh tế chia sẻ là tác động lên hầu hết các lĩnh vực kinh doanh truyền thống, buộc thay đổi và cạnh tranh, tiết giảm chi phí và tận dụng tối đa các nguồn lực.

Ở Việt Nam, dù mới phát triển nhưng kinh tế chia sẻ đang phát triển nhanh chóng cùng với sự phổ biến của smartphone tại một số đô thị những năm gần đây. Nổi bật là 3 loại hình dịch vụ là vận tải trực tuyến; dịch vụ chia sẻ phòng nghỉ và cho vay ngang hàng (P2P lending). Một số dịch vụ khác cũng bắt đầu xuất hiện như chia sẻ chỗ làm, gửi xe, chia sẻ nhân lực…

Điều này có thể nhìn thấy khi hàng loạt mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực vận chuyển xuất hiện tại Việt Nam gần đây như: GoViet, Bee hay Grab… đang bành trướng và dần chiếm lĩnh thị trường, khiến các mô hình taxi truyền thống khó cạnh tranh nhờ sức mạnh công nghệ và internet.

Trong lĩnh vực du lịch, mô hình chia sẻ phòng lưu trú cũng đang thu hút được sự tham gia của nhiều startup với dịch vụ cho thuê phòng trực tuyến tại Việt Nam như Luxstay, Homestay…

Theo số liệu của Grant Thomton, năm 2016, dịch vụ này chỉ có 6.500 căn hộ nhưng tới năm 2017 đã tăng lên 16.000 căn, gấp 2,5 lần, chủ yếu ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Khảo sát gần đây của công ty Nielsen cho thấy cứ 4 người Việt Nam được hỏi thì có 3 người cho biết họ thích ý tưởng về mô hình kinh doanh này; 76% cho biết sẵn sàng tận dụng các sản phẩm và dịch vụ chia sẻ…

Kết quả khảo sát của Facebook và Morning Consult cũng ghi nhận 77% doanh nghiệp nhỏ trên Facebook cho biết sử dụng ứng dụng nền tảng này để tăng doanh số bán hàng và khoảng 76% doanh nghiệp nhỏ có thể tuyển dụng nhân viên thông qua ứng dụng Facebook. Hiện có khoảng 78 triệu người dùng Facebook trên thế giới có kết nối với doanh nghiệp Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, cho rằng kinh tế chia sẻ sẽ giúp thị trường cạnh tranh hơn và loại hình dịch vụ đa dạng hơn, mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, đồng thời mở ra cơ hội đầu tư, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động. Kinh tế chia sẻ cũng sẽ giúp tiết kiệm tài nguyên, tận dụng tối đa công suất tài sản dư thừa, cũng như thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Việt Nam…

Hoàn thiện khung pháp lý

Dù chứng tỏ được sự ưu việt, tính hấp dẫn, nhưng sự nở rộ của các mô hình kinh tế chia sẻ đang cho thấy mối lo ngại về cạnh tranh không bình đẳng.

Ông Vũ Vinh Phú cảnh báo bên cạnh mặt tích cực, mô hình kinh tế chia sẻ cũng tạo ra nhiều thách thức lớn, chứa đựng rủi ro và các hệ lụy xã hội không mong muốn. Đơn cử như trong dịch vụ chia sẻ phương tiện giao thông, thách thức dễ nhận thấy nhất là áp lực cạnh tranh rất lớn giữa taxi công nghệvới các hãng taxi truyền thống.

Phân tích thêm về mặt trái của nền kinh tế chia sẻ, ông Phú cho rằng nhiều người vẫn chưa có tư duy về chia sẻ, vẫn vì lợi ích cá nhân và cục bộ, chưa lo cho lợi ích lâu dài. Các doanh nghiệp cho đến nay đều chưa được trang bị kiến thức cơ bản về nền kinh tế đặc thù để nhận thức một cách tự giác theo tư duy tiên tiến.

Nếu xuất phát từ tính cấu kết cộng đồng yếu và kỷ luật thị trường kém bền vững sẽ làm cho sự phát triển kinh tế chia sẻ ở Việt Nam khó phát triển nhanh và bền vững. Đơn cử như việc kết nối giữa khách hàng và tài xế Grab, khi hệ thống vận hành hiệu quả thì về nguyên tắc, lợi ích của các bên đều tăng lên. Tuy nhiên, nếu chỉ vì lợi ích cá nhân, người lái xe sẽ thoả thuận với khách hàng và tắt ứng dụng gọi xe để “cưa đôi” phần phí đáng lẽ Grab sẽ được hưởng.

Thạc sĩ Nguyễn Phan Anh, Giảng viên Đại học Thương mại, cũng cho rằng sự phát triển của mô hình nền kinh tế chia sẻ tại Việt Nam được đánh giá là khá nhanh, có chuyển biến tích cực và hiệu quả nhất định giúp khách hàng có thêm sự lựa chọn tốt hơn và rẻ hơn, giúp cho thị trường có động lực đổi mới phát triển. Tuy nhiên cũng kèm mối lo ngại về sự cạnh tranh không bình đẳng, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời và đúng đắn, thì lối mòn về những cuộc biểu tình phản đối Uber hay làn sóng tiềm ẩn phản đối kinh tế chia sẻ giống như nhiều quốc gia trên thế giới sẽ tiếp tục diễn ra.

Theo các chuyên gia, câu chuyện quản lý nền kinh tế chia sẻ không chỉ làm đau đầu các nhà quản lý trong nước, mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng bối rối. Do đó, cần xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh để tận dụng lợi ích mà mô hình kinh tế này đem lại, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

Song song với đó, cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống theo hướng rà soát, bãi bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh không phù hợp với lĩnh vực kinh doanh truyền thống để thích nghi với sự đa dạng và phát triển nhanh của nền kinh tế số, trong đó có kinh tế chia sẻ.