Mở rộng phạm vi hoạt động và chức năng cho DATC

Minh Hải - Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 9/2019

Việc mở rộng đối tượng, phạm vi hoạt động cho Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) sẽ tạo ra kênh giải pháp góp phần giải quyết nợ xấu, nợ tồn đọng trong nền kinh tế, hỗ trợ thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ. Đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế trước yêu cầu xử lý nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp hiện nay…

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, thời gian qua, DATC  đã tích cực triển khai xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc SBIC.
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, thời gian qua, DATC đã tích cực triển khai xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc SBIC.

Trong 16 năm qua, với hàng loạt cơ chế, chính sách, văn bản pháp lý có liên quan đến lĩnh vực mua bán nợ, tiếp nhận, xử lý tài sản tồn đọng, tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) đã được sửa đổi, bổ sung như: Luật DN 2014, Luật Đầu tư 2014, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN năm 2014… nhưng với DATC thì văn bản pháp lý quan trọng và cao nhất vẫn là Quyết định số 109/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thành lập DATC.

Vì thế, việc nâng cao tính pháp lý theo hướng xây dựng, ban hành Nghị định mới về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC, nhằm bổ sung phạm vi, đối tượng và chức năng đặc thù cho DATC góp phần giải quyết nợ xấu, nợ tồn đọng trong nền kinh tế, hỗ trợ thúc đẩy tái cơ cấu DNNN theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng và DNNN, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế là hết sức cần thiết.

Hiện nay, Bộ Tài chính - Cơ quan chủ quản của DATC đã nghiên cứu và đang hoàn tất để trình Chính phủ dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC với nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung mới so với quy định hiện hành.

Trong đó, mở rộng phạm vi kinh doanh không chỉ là nợ xấu, mà bao gồm cả tài sản nợ đọng, dự án dở dang, dự án cần hỗ trợ xử lý nợ để hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác; Mở rộng đối tượng tham gia xử lý nợ và tài sản sang các tổ chức, cá nhân thuộc thành phần kinh tế khác, các đơn vị sự nghiệp thực hiện sắp xếp, chuyển đổi...; Bổ sung chức năng để phát triển ngành nghề hỗ trợ ngành nghề kinh doanh chính, mở rộng ngành nghề kinh doanh mới, bao gồm: Phát triển hoạt động quản lý đầu tư, khai thác tài sản, dự án; mở rộng hoạt động tái cơ cấu DN, gắn với xử lý nợ, tài sản và dự án; phát triển hoạt động tư vấn, dịch vụ tài chính, quản lý vốn góp...

 Bổ sung quyền được hỗ trợ tài chính dưới hình thức tài trợ vốn vay ngắn hạn, bảo lãnh đối với các DN được DATC tham gia tái cơ cấu có khó khăn tài chính để sớm phục hồi sản xuất kinh doanh khi các DN này đáp ứng được các điều kiện về kiểm soát của DATC, có phương án khả thi, có tài sản bảo đảm cho khoản vay.

Vậy, vì sao phải mở rộng đối tượng, phạm vi hoạt động của DATC? Sở dĩ cần sửa đổi, bổ sung một số chức năng, nhiệm vụ cho DATC là vì ngoài việc tiếp tục hỗ trợ quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, chuyển đổi sở hữu DNNN. Việc mở rộng đối tượng, phạm vi hoạt động cho DATC cũng sẽ giúp tạo ra kênh giải pháp mới cho các DN thuộc các thành phần kinh tế khác (không chỉ là các DNNN) đang gặp khó khăn về tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh có thể thực hiện tái cơ cấu, làm lành mạnh tình hình tài chính và nâng cao hiệu quả hoạt động của DN. Qua đó, tạo công việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương; đồng thời, tăng thu cho NSNN.

Đi liền với đó, việc làm này cũng có tác động tích cực đối với các ngân hàng và DN trong việc hình thành một loại hàng hóa mới cho thị trường, giúp các ngân hàng thương mại xử lý nhanh khối lượng lớn nợ tồn đọng, tăng tính thanh khoản và an toàn của hệ thống tài chính ngân hàng; khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế, đồng thời cải thiện và nâng cao năng lực tài chính cho ngân hàng và DN.

Các chức năng, nghiệp vụ được bổ sung cũng sẽ giúp DATC gia tăng quy mô xử lý nợ và tài sản, nâng cao hiệu quả hoạt động, rút ngắn thời gian thu hồi vốn (quay vòng vốn nhanh), qua đó vừa nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước, vừa rút ngắn thời gian tái cơ cấu DN và xử lý nợ; Tạo điều kiện cho DATC xử lý nợ, các tài sản hình thành từ hoạt động mua bán nợ, giảm tình trạng đóng băng của các khoản nợ, tài sản, nâng cao tính thanh khoản và hiệu quả sử dụng của tài sản trong nền kinh tế, tạo ra dòng vốn mới cần thiết cho các DN đang có tình hình tài chính khó khăn (có tài sản tồn đọng nhưng không khai thác, xử lý được).

Việc bổ sung chức năng, nghiệp vụ hoạt động đồng bộ với mở rộng đối tượng, phạm vi hoạt động của DATC một mặt sẽ mở rộng hoạt động theo cả chiều sâu và chiều rộng, có tính tương tác và hỗ trợ lẫn nhau để phát huy hiệu quả các nguồn lực được bổ sung (nguồn nhân lực, nguồn lực tài chính, đào tạo, nâng cao chuyên môn chất lượng nhân sự...). Mặt khác, điều này sẽ thúc đẩy nhiều hơn trong hoạt động xử lý nợ, tài sản xấu của toàn bộ nền kinh tế.

Có thể nói, trong quá trình hoạt động, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi nhu cầu xử lý nợ trên thị trường lớn, DATC dường như bị bó hẹp bởi “chiếc áo” chính sách, khó có thể phát huy hết lợi thế sẵn có. Trước sự thay đổi về phạm vi hoạt động, cùng với nhu cầu xử lý nợ xấu ngày càng nhiều, đòi hỏi cần phải nâng cao năng lực pháp lý, mở rộng quyền hạn để DATC hoạt động hiệu quả, hạn chế tối đa rủi ro.

Việc bổ sung quyền là cần thiết, vì đối tượng DATC hỗ trợ là các doanh nghiệp khó khăn về tài chính, thua lỗ, không thể huy động được vốn lưu động để sản xuất kinh doanh và xác định đây là một trong những giải pháp, nghiệp vụ tái cơ cấu, xử lý tài chính cần thiết cho doanh nghiệp (tạo điều kiện để doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh).