Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 9/2020

Lao động nông thôn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu lao động cả nước và có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Do đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng. Bài viết phân tích thực trạng đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Việt Nam hiện nay và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thực trạng đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay

Trong thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngày càng được chú trọng. Đặc biệt, ngày 27/11/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” với mục tiêu: “Bình quân hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, trong đó đào tạo, bồi dưỡng 100.000 lượt cán bộ, công chức xã. Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn...”.

Sau 10 năm thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg, đã có gần 10 triệu người được học nghề, trong đó có 5,6 triệu người được đào tạo trình độ sơ cấp, đạt 85% kế hoạch, đưa tỷ lệ lao động được đào tạo chung cả nước tăng từ 28% năm 2009 lên gần 60% năm 2019. Nếu so với mục tiêu đặt ra là vào năm 2020, số lao động có văn bằng chứng chỉ đạt 25%, thì bây giờ đã đạt 23%.

Tỷ lệ lao động nông thôn sau khi đào tạo nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có hiệu quả cao đạt hơn 80% (vượt chỉ tiêu đề ra), có 24,50% số người thuộc hộ nghèo sau khi đào tạo nghề có việc làm và đã thoát nghèo, 4,40% số người sau khi đào tạo nghề đã trở thành hộ khá. Tất cả các địa phương đều hoàn thành và vượt tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo từ 15-20%, đặc biệt các vùng như: Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, mức vượt từ 30-40% so với tiêu chí đặt ra.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trong cả nước. Năm 2009, lao động làm nông nghiệp chiếm tỷ lệ 51,5%, đến thời điểm hiện nay, số lao động làm nông nghiệp đã giảm xuống còn 35,4%. Đây là sự chuyển dịch tích cực, thu nhập của người dân dần tăng lên.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn không đồng đều giữa các vùng; Cơ cấu, trình độ đào tạo bất hợp lý, đa phần các địa phương chỉ chú trọng đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng; Chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề thấp...

Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Phát huy các kết quả đã đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế và đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong thời gian tới, các cấp, các ngành và địa phương cần tiếp tục thực hiện một số nội dung sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp chính quyền trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong quá trình tổ chức thực hiện, coi công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là nhiệm vụ quan trọng góp phần xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Hàng năm, đánh giá kết quả thực hiện, coi đây là một tiêu chí để công nhận tập thể và cá nhân hoàn thành nhiệm vụ.

Hai là, đổi mới nội dung chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng thiết thực, hiệu quả gắn với thực tiễn, nhu cầu của địa phương, doanh nghiệp và của xã hội. Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, người lao động nông thôn không chỉ được trang bị kiến thức về nghề nghiệp mà còn cần được trang bị kiến thức về thị trường, tiến bộ khoa học kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, hội nhập quốc tế...

Ba là, gắn chặt việc rà soát, xác định danh mục nghề đào tạo với làm tốt công tác định hướng, tư vấn nghề để người lao động lựa chọn. Có những biện pháp tích cực giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để người lao động được vay vốn sản xuất kinh doanh và tạo việc làm sau khi học để phát huy hiệu quả dạy và học nghề. Để tạo cơ hội việc làm cho lao động nông thôn, các cơ sở dạy nghề cần tích cực liên kết với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh để tìm hiểu nhu cầu nhân sự của họ; từ đó, có định hướng về nghề nghiệp cho người lao động khi tham gia đào tạo.

Bốn là, chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Lồng ghép, huy động có hiệu quả các nguồn lực từ các chương trình, dự án để cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề cho người khuyết tật và lao động nữ.

Năm là, đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong việc đào tạo nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Sáu là, tích cực ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại vào quá trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn; góp phần nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động ở nông thôn. Việc áp dụng những thành tựu khoa học - công nghệ vào chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ tạo động lực quan trọng để người lao động tích cực tìm tòi, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Khi ý thức được vai trò của khoa học - công nghệ, người lao động nông thôn sẽ tìm cách thay đổi tập quán sản xuất, cách thức làm việc cho phù hợp.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Hồng Nhung, Đào tạo nghề cho lao động nông thôn - Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2017;

2. Nguyễn Hữu Bắc, http://laodongxahoi.net/vai-tro-quan-trong-cuadao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong thon-trong-xay-dung-nong-thonmoi-1313554.html;

3. Trọng Hưng, Mục tiêu đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ 2020-2025, http://tuyengiao.vn/van-hoa-xa-hoi/xa-hoi/muc-tieu-de-an-daotao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-tu 2020-2025-124980;

4. Bùi Tư, http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/xa-hoi/2020-01-06/daynghe-cho-lao-dong-nong-thon chi-dao-tao-khi-xac-dinh-duoc-viec-lamva-muc-thu-nhap-81175.aspx.