Nền tảng thương mại điện tử Airlala của Việt Nam giành Giải thưởng APEC

Theo PN/Chinhphu.vn

Nền tảng thương mại điện tử Airlala vừa được trao Giải thưởng Thịnh vượng Kỹ thuật số APEC.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Đây là một sản phẩm do các nhà phát triển phần mềm Việt Nam xây dựng nhằm giúp các thợ thủ công tìm kiếm đối tác và đầu ra cho sản phẩm ở các thị trường trên khắp thế giới. 

Giải thưởng Thịnh vượng Kỹ thuật số APEC là một giải thưởng đặc biệt cho một sản phẩm kỹ thuật số mới, có sự sáng tạo nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng và tăng trưởng bao trùm giữa các nền kinh tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ủy ban Bình chọn Giải thưởng Thịnh vượng Kỹ thuật số APEC bao gồm Quỹ châu Á, Ban Thư ký APEC, Bộ Công Thương Việt Nam và tập đoàn Google. 

Airlala đã được lựa chọn từ 11 sản phẩm tham gia Cuộc thi Phát triển ứng dụng APEC 2017 (2017 APEC App Challenge) được tổ chức hồi tháng 5/2017 bên lề Hội nghị các Bộ trưởng phụ trách thương mại APEC ở Hà Nội. 

Ông John Karr, Giám đốc Cấp cao của Chương trình Công nghệ thuộc Quỹ châu Á, nói: “Airlala cung cấp nền tảng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng hoạt động kinh doanh ra các thị trường nước ngoài. Nền tảng này sử dụng mô hình sàn giao dịch thân thiện có thể nhân rộng và phát triển cao hơn. Đó là lý do vì sao chúng tôi quyết định trao Giải thưởng Thịnh vượng Kỹ thuật số APEC cho Airlala”. 

Ông Hải Nguyễn, sáng lập viên kiêm Giám đốc Điều hành Airlala, nói: “Chúng tôi rất tự hào khi được nhận giải thưởng này. Giải thưởng đã hỗ trợ rất lớn cho sứ mệnh của chúng tôi là hỗ trợ những người thợ thủ công địa phương và các doanh nghiệp nhỏ trong khu vực APEC”. 

Theo ông Hải Nguyễn, Airlala không chỉ là một sàn giao dịch mà còn cho phép kết nối các khách hàng quốc tế với những người thợ thủ công và các doanh nghiệp địa phương trên cơ sở các thông tin mà người mua và người bán đưa lên nền tảng thương mại điện tử này.

Các DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ hiện chiếm hơn 97% số DN trong khu vực APEC và sử dụng hai phần ba lực lượng lao động. Internet đã cắt giảm đáng kể chi phí xuất khẩu cho những DN này cũng như tăng khả năng tiếp cận các thị trường mới, hội nhập với chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều chủ DN vẫn phải đối mặt với những thách thức đáng kể khi tiếp cận các thị trường mới do kiến thức, mạng lưới đối tác và tiếp cận tài chính hạn hẹp. Ví dụ ở Indonesia, mặc dù các DN vừa và nhỏ đóng góp gần 60% GDP và chiếm 97% tổng số việc làm, nhưng tỷ trọng của họ trong tổng xuất khẩu chỉ chiếm 16%.

Ông Andrew Ure, Trưởng bộ phận Thương mại và Kinh tế của Google tại châu Á-Thái Bình Dương lưu ý: "Nếu chúng ta có thể tăng gấp đôi số lượng DN nhỏ trong lĩnh vực xuất khẩu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thì sẽ tạo thêm 35 triệu việc làm mới và 1.500 tỷ USD kim nghạch xuất khẩu".