Nghịch lý nhập nguyên liệu chế biến thực phẩm

Theo Thế Vinh/thoibaokinhdoanh.vn

Ngay như mặt hàng "kẹo sả", doanh nghiệp cũng phải nhập nguyên liệu cây sả từ nước ngoài về để chế biến dù trong nước không thiếu. Ở "thủ phủ" dừa Bến Tre nhưng doanh nghiệp chế biến dừa xuất khẩu phải nhập cả trái dừa. Việc phụ thuộc nguyên phụ liệu ngoại của các doanh nghiệp thực phẩm Việt ngày càng tăng đến "chóng mặt".

 Nhiều doanh nghiệp chế biến sữa vẫn đang nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ New Zealand. Nguồn: Internet
Nhiều doanh nghiệp chế biến sữa vẫn đang nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ New Zealand. Nguồn: Internet

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc công ty cổ phần Sài Gòn Food, kể về một doanh nghiệp quen biết ở trong nước đang sản xuất mặt hàng kẹo sả nhưng lại phải nhập khẩu (NK) nguyên liệu cây sả, tinh dầu sả từ bên Mỹ về để chế biến.

Khi được hỏi tại sao phải nhập như vậy trong khi các tỉnh miền Tây thiếu gì nguồn nguyên liệu sả, chủ doanh nghiệp này… vặn ngược lại: "Vậy tại sao công ty của bà chế biến cá cũng nhập nguyên liệu cá?!".

Nhập khẩu tăng "chóng mặt"

Nói ra một thực tế này, theo bà Lâm, là rất xót xa. Thực ra, việc cung cấp nguyên liệu cây sả ở trong nước là thừa sức nhưng lại thiếu người đầu tư một cách bài bản, chất lượng ổn định. Cuối cùng, doanh nghiệp vẫn phải nhập, trong khi lẽ ra phải có những chính sách, những liên kết hợp tác theo chuỗi để thay đổi thực trạng này.

Số liệu từ Bộ Công Thương cũng cho thấy rõ vấn đề phụ thuộc vào nguyên phụ liệu thực phẩm NK. Cụ thể, hồi năm ngoái, dù là quốc gia xuất khẩu (XK) thủy sản hàng đầu thế giới nhưng Việt Nam đã nhập nguyên liệu thủy sản với kim ngạch 1,44 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 40%), nhập sữa tươi với kim ngạch 865,5 triệu USD (60%), nhập dầu động thực vật với 761,1 triệu USD (75%), nhập lúa mì 994 triệu USD, nhập rau quả 1,55 tỷ USD.

Trao đổi bên lề hội thảo về phát triển nguồn nguyên phụ liệu thực phẩm diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh ngày 16/5, bà Lâm nhận định đây là những con số "chóng mặt", cho thấy chúng ta còn đang NK rất nhiều nguyên phụ liệu cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm.

Chưa kể, gần như 100% các nguyên liệu phụ gia chế biến thực phẩm là nhập từ nước ngoài; nhiều loại bao bì thực phẩm thuộc dạng cao cấp cũng phải nhập do trong nước không sản xuất được.

Cũng nên kể thêm trường hợp công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, dù đóng quân ở "thủ phủ dừa" Bến Tre nhưng đôi lúc vẫn gặp khó khăn về nguồn cung nguyên liệu dừa làm ảnh hưởng đến việc đáp ứng các đơn hàng XK.

Ông Nguyễn Trường Thịnh, Phó Giám đốc kinh doanh công ty Lương Quới, cho biết có thời gian ở Bến Tre thiếu nguồn nguyên liệu dừa, hầu hết nhà máy chế biến sản phẩm dừa ở đây buộc phải ngưng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng. Công ty Lương Quới phải chật vật sang các quốc gia trong khu vực tìm nguồn cung dừa trái.

Câu hỏi đặt ra là tại sao có nghịch lý như vậy trong khi Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, XK hàng đầu thế giới về nông lâm thủy sản?

Cần đầu tư bài bản

Bà Phạm Minh Thùy Trang, Giám đốc R&D công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan), cho rằng nếu như nguồn nguyên phụ liệu không ổn định về giá cả, số lượng, chất lượng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất kinh doanh của một công ty sản xuất thực phẩm.

Một thực tế hiện nay, theo chia sẻ của bà Trang, là phần lớn doanh nghiệp chế biến thực phẩm trong nước phải NK một lượng lớn nguyên phụ liệu để sản xuất. Điều đó cho thấy cần phải đánh giá lại thực trạng ngành nông nghiệp Việt hiện nay.

Là một nước nông nghiệp nhưng chúng ta chưa thích nghi với các phương thức sản xuất mới, cũng như chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn của quốc tế dù ở trong nước có kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, nhiều vùng nguyên liệu vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu từ phía doanh nghiệp chế biến.

Đồng thời, diện tích sản xuất vùng nguyên liệu tuy lớn nhưng diện tích thực hành sản xuất tốt (GMP) vẫn còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thực phẩm ở trong nước rất thiếu.

Điển hình như ngành sữa, nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 40%. Hoặc như việc sản xuất các loại dầu ăn, nguyên liệu trong nước không đáp ứng nổi, nguyên liệu NK chiếm đến 90%.

Trước những khó khăn đó, nhiều doanh nghiệp buộc phải chủ động nguồn nguyên liệu của mình. Chẳng hạn như TH True Milk có các trang trại bò sữa riêng, Vinamilk cũng vậy. Hoặc như Vissan đã phải tự chuẩn bị một số vùng nguyên liệu riêng để kiểm soát các vấn đề về chất lượng.

Ngoài ra, còn một thực trạng là nông sản XK vốn dĩ lâu này thường xuất thô, trong khi tinh chế còn rất hạn chế.

Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp chế biến, XK thực phẩm, bà Lê Thị Thanh Lâm chỉ rõ các doanh nghiệp chế biến thực phẩm quy mô lớn buộc phải có nguồn nguyên liệu ổn định. Đầu vào của nguyên liệu quyết định gần như 80% chất lượng của đầu ra, do đó, các doanh nghiệp rất cần nguồn nguyên liệu trong nước phải vừa ổn định vừa có chất lượng.

Để phát triển nguồn nguyên phụ liệu thực phẩm ở trong nước nhằm vừa hạn chế NK vừa nâng cao giá trị ngành công nghiệp thực phẩm, theo bà Lâm, bên cạnh những nguyên liệu không làm được thì phải NK, còn những nguyên liệu mà trong nước có thể làm được cần sự đầu tư bài bản. Hơn nữa, nên có chính sách hợp lý để phát triển tài nguyên bản địa.