Người Thái trong “men say” thương hiệu Việt

Theo Thế Vinh/thoibaokinhdoanh.vn

Cuối cùng, Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) sau Đại hội cổ đông bất thường ngày 23/4 đã có sự tham gia của 3 người nước ngoài chịu sự chi phối của Tập đoàn Thái Lan ThaiBev.

 Ngành đồ uống trong tầm ngắm thâu tóm của các nhà đầu tư Thái. Nguồn: Internet
Ngành đồ uống trong tầm ngắm thâu tóm của các nhà đầu tư Thái. Nguồn: Internet

Người tiêu dùng đang quen dần với hàng Thái thì đã rõ. Còn Sabeco và tương lai những thương hiệu Việt trong “men say” thâu tóm của người Thái vẫn đang là dấu hỏi lớn.

Đại hội cổ đông bất thường lần thứ nhất năm 2018 của Sabeco ngày 23/4 đã đi đến một quyết định có tính “lịch sử” khi lần đầu tiên, một doanh nghiệp (DN) nội địa lớn nhất Việt Nam trong ngành bia rượu và đang chiếm 40% thị phần bia trong nước có 3 người nước ngoài thuộc Tập đoàn ThaiBev của Thái Lan được chính thức bỏ phiếu vào trong Hội đồng quản trị để tham gia điều hành DN này.

Dồn dập thâu tóm

Đồng thời, ông Võ Thanh Hà, người đại diện của Bộ Công Thương giữ 36% vốn nhà nước còn lại tại hãng bia này, đã chính thức bị miễn nhiệm khỏi vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Để đi đến động thái trên, cuối năm ngoái, công ty Vietnam Beverage (nằm dưới sự điều khiển của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn ThaiBev) đã bỏ ra gần 5 tỷ USD để mua cổ phần của Sabeco và hiện đang nắm 53,59% vốn điều lệ của Sabeco.

Nên nhắc thêm, Tập đoàn TCC Group, cũng của vị tỷ phú Charoen, là cổ đông chính, nắm quyền kiểm soát tập đoàn đồ uống Singapore Fraser&Neave (F&N). Trong khi đó, F&N đang sở hữu 18,74% cổ phần tại Vinamilk và là cổ đông nước ngoài lớn nhất. Còn bản thân TCC Group trước đó cũng đã mua đứt chuỗi siêu thị Metro tại Việt Nam từ Tập đoàn bán lẻ Metro AG của Đức.

Như vậy, hãng sữa và hãng bia lớn nhất Việt Nam đều nằm trong trong tầm ngắm thâu tóm cổ phần của nhà đầu tư Thái vốn có tiềm lực mạnh về tài chính. Ngoài ra, năm ngoái, Tập đoàn Masan cũng đã ký hợp tác chiến lược với hãng bia lớn nhất của Thái Lan là Singha Asia Holding Pte Ltd (Singha) với giao dịch trị giá 1,1 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa Singha sở hữu 25% cổ phần Masan Consumer Holdings và 33,3% cổ phần Nhà máy sản xuất bia Masan Brewery.

Còn mới đây, trong trung tuần tháng 4/2018, công ty Nawaplastic Industries thuộc Tập đoàn SCG (Thái Lan) đã thực hiện mua thêm cổ phiếu mới được công bố của một thương hiệu Việt lâu năm là công ty CP Nhựa Bình Minh trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE). Theo đó, Nawaplastic đến nay đã sở hữu hơn 41 triệu cổ phiếu, tương đương 50,12% vốn tại Nhựa Bình Minh.

Điều đáng nói là Tập đoàn SCG (Thái Lan) đang trở nên quen thuộc với nhiều DN Việt ngành nhựa. Cách đây hơn một năm, tập đoàn này đã rót vốn mua cổ phần tại 7 DN nhựa Việt hàng đầu và không giấu tham vọng thâu tóm thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A). Còn cách đó 5 năm, Chủ tịch Tập đoàn SCG từng tuyên bố sẽ chi cho hoạt động M&A đến năm 2020 tại Việt Nam của SCG lên đến 5 – 6 tỷ USD.

Hàng Thái lên ngôi

Có thể thấy, thời gian qua, hàng loạt tập đoàn lớn của Thái Lan đã bỏ ra hàng tỷ USD để thâu tóm nhiều thương hiệu lớn tại Việt Nam trong các ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ, đồ uống, đồ nhựa…

Đơn cử như Central Group, thuộc sở hữu của gia tộc tỷ phú Chirathivat, cách đây 2 năm đã mua lại toàn bộ hệ thống 33 siêu thị, trung tâm thương mại BigC Việt Nam, với giá 1,14 tỷ USD. Vị tỷ phú này cũng mua 49% cổ phần của chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim.

Một số liệu thống kê từ hai năm trước cho thấy chỉ trong 5 năm có mặt tại Việt Nam, Central Group đã thiết lập một vị thế khá mạnh với 4 trung tâm thương mại, 27 cửa hàng thể thao, 30 cửa hàng thời trang, 1 khách sạn, 21 trung tâm bán lẻ điện máy, 1 kênh thương mại điện tử và 13 siêu thị.

Theo nhận định của giới chuyên gia, tỷ lệ thuận với việc người Thái thâu tóm các thương hiệu lớn tại Việt Nam (đặc biệt trong ngành bán lẻ, tiêu dùng) là mặt hàng Thái đang dần nổi lên trong sự lựa chọn của người tiêu dùng Việt. Tỷ lệ người tiêu dùng yêu thích sản phẩm ngoại nhập có xuất xứ từ Thái cao hơn so với tỷ lệ mua dùng.

Bên cạnh việc tận dụng tốt tâm lý “sính hàng ngoại” của người tiêu dùng Việt, các DN Thái sau khi thực hiện chiến lược thâu tóm, còn tận dụng được tâm lý thận trọng trong lựa chọn của khách khi “e dè/tẩy chay” hàng Trung Quốc bởi nhiều tai tiếng về chất lượng và sự an toàn.

Ngoài ra, ở đây còn ẩn chứa nhiều nguyên nhân chủ quan, trong đó phải kể đến chiến lược thâm nhập thị trường rất căn cơ của DN Thái đi liền với sự lơ là và thiếu thận trọng của người Việt.

Sự thâu tóm hệ thống các kênh bán lẻ tạo lợi thế rất lớn đối với sự góp mặt, cũng như gia tăng giành thị phần cho sản phẩm Thái Lan. Nói cách khác, sản phẩm có xuất xứ từ Thái Lan sau khi thâu tóm được hệ thống các kênh bán lẻ, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Điển hình, tính đến thời điểm hiện tại, 4 đại siêu thị được coi là lớn nhất Việt Nam là Mega Market (tên gọi cũ là Metro) do Tập đoàn TCC Group của Thái Lan mua lại với 19 siêu thị. Hoặc như hệ thống Big C có 32 siêu thị, Robinson với chuỗi siêu thị thuộc DN Thái Lan, chưa kể Central Group nắm 49% cổ phần hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim,

Có ý kiến cho rằng việc các DN Việt Nam bị thâu tóm bởi các tỷ phú đô la của Thái Lan không có gì đáng lo, là chuyện bình thường vì họ sẽ có đủ tiềm lực. Hơn nữa, những DN và thương hiệu này sau khi bị thâu tóm thì vẫn còn đó, vẫn có xuất xứ từ Việt Nam, hoạt động ở Việt Nam, đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam như mọi loại hình DN khác và chỉ có chủ sở hữu là thay đổi (một phần hay toàn bộ).

Tuy nhiên, trước tình hình hàng hóa Thái Lan ngày càng tỏ ra lấn át và một số thương hiệu lớn của Việt Nam vốn đã in sâu trong ký ức người tiêu dùng nay chịu sự điều hành của người Thái thì không lo mới là lạ!