Nhà đầu tư ngoại nhắm vào tín dụng tiêu dùng

Theo baodautu.vn

Việc nhà đầu tư nước ngoài rót lượng vốn lớn vào các công ty tài chính trong nước cho thấy sức hấp dẫn rất lớn của thị trường tín dụng tiêu dùng Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Công ty tài chính gia tăng thị phần cho vay tiêu dùng

Năm 2015, Chính phủ đã cho phép một số ngành nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 49% lên 100%, nhưng mức trần áp dụng với ngành ngân hàng vẫn chỉ là 30%. Việc giới hạn này khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực mạnh đã chuyển sang rót vốn cho kênh đầu tư khác hiệu quả hơn các công ty tài chính.

Hiện nay, tại các ngân hàng lớn, dư nợ cho vay đều tập trung vào các công ty, doanh nghiệp trên thị trường, trong khi cho vay khách hàng cá nhân chỉ chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn, khoảng 20%.

Trong khi các ngân hàng dành phần lớn dư nợ tín dụng cho các tổ chức, doanh nghiệp kinh tế như vậy, thì nhu cầu tín dụng cá nhân lại ngày một tăng cao, khiến các công ty tài chính dần trở thành kênh phân phối vốn hiệu quả cho khách hàng cá nhân.

Theo một báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong khoảng 9 tháng năm 2016, tốc độ gia tăng tài sản, dư nợ tín dụng của các công ty tài chính lên tới hơn 18% - cao hơn nhiều so với tăng trưởng chung của các tổ chức tín dụng.

Việc các công ty tài chính ngày càng gia tăng thị phần cho vay tiêu dùng đang đặt ra yêu cầu về nguồn vốn đầu vào rất lớn để phục vụ khách hàng cá nhân. Tuy nhiên, các công ty tài chính không được phép huy động nguồn vốn trực tiếp từ người dân và buộc phải vay lại từ các tổ chức tín dụng khác trong hệ thống hoặc từ các doanh nghiệp tổ chức trong và ngoài nước.

Điều này khiến lãi suất của các công ty tài chính thường cao hơn so với ngân hàng thương mại. Dẫu vậy, việc các nhà đầu tư nước ngoài đang dần chuyển hướng đầu tư từ ngân hàng thương mại sang công ty tài chính sẽ giúp các công ty tài chính tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn đầu vào.

Vốn ngoại rót vào các công ty tài chính 

Gần đây, thị trường tài chính đã có sự khởi sắc khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài rót hàng trăm triệu USD vào các công ty tài chính trong nước. Đơn cử, việc FE Credit mới đây công bố hoàn tất thủ tục vay hợp vốn có thời hạn trị giá 100 triệu USD với Credit Suisse đã đánh dấu sự phát triển của các công ty tài chính trong nước.

Nguồn vốn từ khoản vay hợp vốn sẽ được đảm bảo tính thanh khoản dựa trên danh mục kết quả từ hoạt động cho vay tiêu dùng của FE Credit. Qua đó, FE Credit kỳ vọng, nguồn vốn bổ sung sẽ củng cố chiến lược dẫn đầu thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam.

Ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc FE Credit cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi nhận được phản ứng tích cực từ các đối tác ngân hàng quốc tế trong việc huy động vốn sau thời gian dài tìm hiểu và phân tích kỹ lưỡng. Nguồn vốn này cho phép doanh nghiệp gia tăng tiềm lực tài chính phát triển kinh doanh, đồng thời hỗ trợ mạnh mẽ công tác vận hành doanh nghiệp. Hợp tác lần này giúp FE Credit tiếp tục củng cố, giữ vững vị thế hàng đầu tại Việt Nam. Qua đó, thể hiện sự tin tưởng vào kết quả và mô hình hoạt động kinh doanh, định hướng và tầm nhìn tăng trưởng bền vững của FE Credit”.

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đánh giá thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam rất tiềm năng. Ông Rehan Anwer, Giám đốc quản lý điều hành của Khối Ngân hàng đầu tư và Thị trường vốn thuộc Credit Suisse AG Singapore phát biểu: “Chúng tôi rất vinh dự trở thành đối tác hỗ trợ cho tham vọng phát triển trong tương lai của FE Credit, cũng như đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc xây dựng và đáp ứng các giải pháp tài chính sáng tạo cho người tiêu dùng Việt Nam.

Đây là một thị trường quan trọng của Credit Suisse, vì thế, chúng tôi cam kết mang đến giá trị cho khách hàng thông qua việc tận dụng lợi thế tích hợp của ngân hàng đầu tư và hệ thống huy động vốn”.

Việc FE Credit thu hút được nguồn vốn lớn từ nhà đầu tư nước ngoài không chỉ có ý nghĩa đối với chính doanh nghiệp, mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của hệ thống kinh tế - tài chính trong nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, việc các công ty tài chính huy động được nguồn vốn lớn từ nước ngoài sẽ giúp họ có nguồn lực mạnh hơn, từ đó, các chiến lược kinh doanh được xây dựng hấp dẫn hơn với mức lãi suất cho vay tốt hơn. Kết quả là, khách hàng cá nhân sẽ là người được hưởng lợi chính.