Nhận thức của người tiêu dùng về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc nộp thuế

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 11/2019

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến vấn đề trách nhiệm xã hội, đặc biệt là việc tuân thủ pháp luật thuế của doanh nghiệp. Việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc nộp thuế góp phần thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh bền vững, cạnh tranh lành mạnh và không ngừng đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Bài viết giới thiệu tổng quan về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với việc nộp thuế và đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc nộp thuế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tổng quan về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc nộp thuế

Thuật ngữ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) được biết đến kể từ khi nhà kinh tế học Bowen phát hành quyển sách “Trách nhiệm xã hội của doanh nhân” (năm 1953) nhằm mục đích kêu gọi các nhà kinh doanh không làm tổn hại đến quyền và lợi ích của người khác trong việc đề xuất và thực thi chính sách. Bowen được xem là một trong những người tiên phong về khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp khi cho rằng, doanh nghiệp nên theo đuổi các chính sách, quyết định, hành động có giá trị cho xã hội.

Theo Lantos (2001), doanh nghiệp phải xem CSR là cam kết để cải thiện phúc lợi cộng đồng thông qua các hoạt động kinh doanh và những đóng góp tự nguyện cho xã hội. Doanh nghiệp là một phần của xã hội. Hoạt động của doanh nghiệp ít nhiều có ảnh hưởng đến xã hội, vì vậy doanh nghiệp phải có trách nhiệm đối với những tác động của mình gây ra cho xã hội.

Carroll (1991) cho rằng, CSR bao gồm việc đạt được lợi nhuận, tuân thủ pháp luật, có đạo đức và tham gia các hoạt động từ thiện. Các doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu kinh tế trong khuôn khổ pháp luật một cách công bằng và đáp ứng được các chuẩn mực và giá trị cơ bản mà xã hội mong đợi.

Trong thập niên 1970, đã xuất hiện trường phái nghiên cứu cho rằng, việc đóng thuế là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đại diện cho trường phái này là nhà kinh tế học người Mỹ từng đạt giải Nobel kinh tế năm 1976-Milton Friedman. Theo Friedman (1970), doanh nghiệp nên tập trung vào việc tối đa hóa lợi nhuận và đóng thuế đầy đủ cho Chính phủ, vì thuế là nguồn thu chủ yếu của Nhà nước và giúp Nhà nước điều hành nền kinh tế. Friedman (1970) cho rằng trách nhiệm chính của doanh nghiệp là tạo lợi nhuận để đóng góp thuế cho nhà nước, trách nhiệm của cơ quan nhà nước là sử dụng tiền thuế đó làm sao có hiệu quả nhất vì cộng đồng, xã hội. Một doanh nghiệp được xem thực hiện tốt CSR là họ phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm đóng thuế với nhà nước và hoạt động kinh doanh phải rõ ràng, tuân thủ theo pháp luật.

Trong điều kiện cạnh tranh ngày nay, hoạt động cạnh tranh giữa các doanh nghiệp là tương đương nhau, do đó CSR được xem là một trong những công cụ đặc biệt trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Các hoạt động như bảo vệ môi trường, hoạt động nhân đạo... đặc biệt là thực hiện nghĩa vụ nộp thuế làm cho tầm quan trọng của CSR trở nên nổi bật hơn, nó có thể được sử dụng như một công cụ làm cho người tiêu dùng có thái độ tích cực với sản phẩm. Vai trò của các doanh nghiệp trong xã hội không còn chỉ tập trung vào việc tạo ra vật chất cho cá nhân mà còn chú trọng đến việc hành động có trách nhiệm với các bên liên quan.

Khi trình độ học vấn tăng lên, người tiêu dùng nhận thức rõ hơn về hành vi của mình đối với các doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, đặc biệt là khía cạnh về tuân thủ pháp luật thuế. Người tiêu dùng có thể ủng hộ và tiếp sức quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật thuế, có đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước; ngược lại họ sẽ không ủng hộ, kêu gọi tẩy chay sản phẩm của doanh nghiệp trốn thuế, nợ thuế, vi phạm pháp luật thuế.

Dù CSR còn khá mới mẻ đối với nhiều người tiêu dùng nhưng hoạt động của các doanh nghiệp và phản ứng của người tiêu dùng trong thời gian qua đã cho thấy đây là một vấn đề đang rất được người tiêu dùng quan tâm. Với mức tăng trưởng 9-11%, thị trường bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tại Việt Nam trong thời gian luôn sôi động với những sản phẩm đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nộp thuế tốt, cũng lại xuất hiện nhiều doanh nghiệp không có trách nhiệm xã hội. Các doanh nghiệp thường có xu hướng lách thuế, trốn thuế. Hành vi này được xem là hành động “vô trách nhiệm”, “phi đạo đức”.

Thời gian gần đây, các vụ việc gian lận về thuế cũng như hoạt động chuyển giá ngày càng tăng dẫn đến việc người tiêu dùng nghi ngờ về hoạt động cũng như nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với xã hội. Thậm chí, có những doanh nghiệp hoạt động lâu năm, doanh thu rất lớn, ngày càng đầu tư mở rộng thị trường, cơ sở vật chất được mở rộng nhưng liên tục báo cáo lỗ để không phải nộp thuế. Đây là một nghịch lý trong kinh doanh vì trách nhiệm đầu tiên và quan trọng nhất của doanh nghiệp là trách nhiệm kinh tế, nghĩa là doanh nghiệp phải kinh doanh có lợi nhuận, mang lại lợi ích vật chất cho cổ đông. Do đó, cổ đông sẽ không đầu tư để doanh nghiệp mở rộng quy mô nếu kinh doanh thua lỗ liên tục.

Nhận thức của người tiêu dùng về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc nộp thuế

Hiện nay, người tiêu dùng bắt đầu quan tâm đến vấn đề CSR khi đưa ra quyết định mua hàng. Bên cạnh việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng còn kỳ vọng doanh nghiệp phải có trách nhiệm đối với xã hội. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, có mối quan hệ tích cực giữa CSR và hành vi tiêu dùng đối với sản phẩm mà doanh nghiệp đó sản xuất. Theo đó, người tiêu dùng sẽ có ý định muốn tiếp tục mua các sản phẩm của doanh nghiệp được cảm nhận là thực hiện tốt trách nhiệm xã hội.

Theo Yoon (2006), người tiêu dùng nhận biết hình ảnh của doanh nghiệp tăng theo cảm nhận là một yếu tố quan trọng hàng đầu để doanh nghiệp tiến hành các hoạt động liên quan đến CSR. Teixeira và Pompermayer (2007) đã chứng minh rằng người tiêu dùng thực sự có mua các sản phẩm của các doanh nghiệp hay không nếu doanh nghiệp thực hiện CSR cũng như hưởng ứng hay né tránh các doanh nghiệp thông qua hành vi mua thực tế của họ. Các doanh nghiệp sẵn sàng thực thi CSR nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Trong trường hợp này, CSR là yếu tố chính trong mối quan hệ giữa người tiêu dùng và hình ảnh doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng hành vi của người tiêu dùng (Teixeira và Pompermayer, 2007).

Thực hiện nghĩa vụ về thuế là một cách thức cơ bản để các doanh nghiệp thực hiện CSR. Thuế không chỉ đơn thuần là một nguồn thu quan trọng của Nhà nước thuế còn gắn liền với sự tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Nhà nước sử dụng nguồn thu từ thuế để xây dựng đường xá, trường học, bệnh viện, tăng cường an ninh quốc gia... Hiện nay, việc chấp hành các quy định, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó việc doanh nghiệp tuân thủ pháp luật thuế ngày càng được nhiều người tiêu dùng quan tâm, vì họ nhận thức được việc đóng thuế sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ an ninh quốc gia.

Khi trình độ học vấn nâng lên, người tiêu dùng nhận thức rõ hơn về hành vi của mình đối với các doanh nghiệp thực hiện tốt CSR, đặc biệt là khía cạnh tuân thủ pháp luật thuế. Người tiêu dùng có thể sử dụng quyền lực của mình bằng cách ủng hộ và tiếp sức quảng bá các sản phẩm của các doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật thuế, có đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước; ngược lại họ sẽ không ủng hộ, kêu gọi tẩy chay sản phẩm của các doanh nghiệp trốn thuế, nợ thuế, vi phạm pháp luật thuế.

Thực tế chứng minh, người tiêu dùng Việt Nam đã tẩy chay trước sự việc một doanh nghiệp nước uống giải khát có vốn đầu tư nước ngoài không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian dài, vì họ cho rằng việc mua hàng của họ không có đóng góp cho xã hội, đất nước. Do đó, sản phẩm của doanh nghiệp khó có chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng nếu như doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật, đặc biệt là pháp luật thuế. Bên cạnh việc quan tâm đến vấn đề chất lượng, vì sức khỏe, môi trường, thì người tiêu dùng cũng đã quan tâm đến việc doanh nghiệp họ chọn mua sản phẩm có tuân thủ pháp luật thuế hay không.

Người tiêu dùng là người sử dụng hàng hóa của doanh nghiệp, do đó, sự thành công của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào người tiêu dùng. Doanh nghiệp nghiên cứu hành vi tiêu dùng với mục đích nhận biết nhu cầu, sở thích, thói quen của người tiêu dùng… để xây dựng chiến lược, thúc đẩy người tiêu dùng mua sắm sản phẩm, dịch vụ. Do vậy, doanh nghiệp không những phải hiểu rõ và thực hiện tốt CSR mà còn phải hiểu rõ hành vi tiêu dùng có trách nhiệm, vì người tiêu dùng có thể sử dụng quyền lực của mình để đảm bảo doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội.

Nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc nộp thuế

Việc thực hiện CSR trong việc nộp thuế vừa thể hiện sự đóng góp cho xã hội, vừa củng cố khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Có thể nhận thấy, các doanh nghiệp quan tâm đến CSR cũng như thực hiện tốt nghĩa vụ thuế luôn là những doanh nghiệp phát triển bền vững và thành công, tạo được vị thế trên thương trường, được người tiêu dùng tin tưởng và đánh giá cao. Quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, cùng với những điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp ngày càng phát triển thì việc cạnh tranh trên thị trường lại ngày càng khốc liệt. Do đó, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về CSR trong việc nộp thuế sẽ góp phần thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh bền vững, cạnh tranh lành mạnh và không ngừng đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Để nâng cao hơn nữa nhận thức người tiêu dùng về CSR đối với việc nộp thuế, cần chú trọng vào 03 giải pháp trọng tâm, cụ thể:

Một là, cơ quan thuế cần tích cực tuyên dương các doanh nghiệp nộp thuế tốt, bên cạnh đó cần nêu tên các doanh nghiệp thường xuyên báo cáo lỗ liên tục, không nộp thuế, nợ thuế để người tiêu dùng nắm bắt thông tin.

Hai là, cần thông tin cho người tiêu dùng về các nội dung CSR thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng cần hiểu rõ việc mua hàng của họ cũng có đóng góp cho cộng đồng xã hội nếu như họ ủng hộ sản phẩm của doanh nghiệp thực hiện tốt CSR, đặc biệt là pháp luật thuế, góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về hành vi tiêu dùng có trách nhiệm.

Ba là, cần có cuộc vận động người tiêu dùng Việt Nam nên dùng hàng hóa của doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội, có đóng thuế tốt cho Nhà nước. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả nộp thuế của doanh nghiệp, thay đổi nhận thức và hành vi của doanh nghiệp trong việc kê khai, nộp thuế.               

Tài liệu tham khảo:

Nguyễn Đình Cung & Lưu Minh Đức (2008), CSR –CSR: một số vấn đề lý luận và yêu vầu đổi mới trong quản lý nhà nước đối với CSR Việt Nam. Tạp chí Quản lý kinh tế;

Avi-Yonah, R. S. (2008), Corporate social responsibility and strategic tax behavior. Tax and Corporate Governance (pp. 183–198). Berlin: Springer;

Bhattacharya, C.B., & Sen, S. (2004), “Doing better at doing good: When, why, and how consumers respond to corporate social initiatives”, California Management Review, Vol. 47, No. 1;

Carroll, A. (1991), The Pyramid of Corporate Social Responsibility: Toward the Moral Management of Organizational Stakeholders. Business Horizons. 34. p. 39-48;

Friedman, M. (1970), The social responsibility of business is to increase its profits. New York Times Magazine. September 13: 32-33. 122-124;

Hasseldine, J., & Morris, G. (2013), Corporate social responsibility and tax avoidance: A comment and reflection. Accounting Forum, 37(1), 1–14;

Lantos, G. P. (2001), The boundaries of strategic corporate social responsibility. Journal of Consumer Marketing, Vol. 18, No. 7, pp.   595-632;

Sen, S., & Bhattacharya, C.B. (2001), Does Doing Good Always Lead to Doing Better? Consumer Reactions to Corporate Social Responsibility, Journal of Marketing Research, 38: 225-243.