Nhịp sống bình thường mới: Doanh nghiệp nỗ lực để trở lại thị trường

Theo Ngọc Hân/congthuong.vn

Chỉ trong quý I/2020, Covid-19 đã làm cho 34.900 doanh nghiệp (DN) Việt Nam đóng cửa, giải thể, phá sản. Con số này đã phần nào cho thấy tình trạng lao đao của cộng đồng DN trong dịch bệnh. Những DN vẫn còn trụ vững đến thời điểm này cũng đang đối mặt với nhiều thử thách, cần có sự nỗ lực gấp nhiều lần trước đây mới có thể trở lại nhịp kinh doanh bình thường mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

 

Dịch bệnh khiến cho thị trường xuất khẩu và tiêu thụ hàng hóa giảm mạnh, cùng với sự thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào là nguyên nhân khiến cho hàng ngàn DN “điêu đứng”, trong đó có không ít những DN lớn. Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư cũng bị đình trệ, điều này làm cho khả năng phục hồi của DN cũng trở nên khó khăn và mất nhiều thời gian hơn.

Covid-19 làm gián đoạn chuỗi sản xuất, gây ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng
Covid-19 làm gián đoạn chuỗi sản xuất, gây ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng
 

Sự trở lại của DN cũng được đồng hành của chính sách vĩ mô và các gói ưu đãi của ngân hàng. Chẳng hạn như gói ưu đãi lãi suất quy mô 100 nghìn tỷ đồng của Agribank hỗ trợ giảm lãi suất thêm 2%/năm cho DN bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19. Hay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng của Vietcombank với lãi suất cho vay giảm 2,5% cho DN sản xuất mặt hàng thiết yếu. BIDV thì dành gói tín dụng 125.000 tỷ đồng để giải ngân cho khách hàng vay vốn trong giai đoạn này…

Tuy có được sự hỗ trợ của các chính sách vĩ mô nhưng bản thân từng DN cũng phải tự vạch ra những hướng đi đúng đắn, tận dụng lợi thế của DN thì mới mong sớm vượt qua khủng hoảng. DN rất cần một kế hoạch chi tiết cho các hoạt động sau khủng hoảng, xác định các vấn đề chính mà DN đang đối mặt cũng như chuẩn bị đối phó với các kịch bản khác nhau của thị trường. Theo McKinsey & Company, hậu khủng hoảng sẽ là một thị trường rất khác với trước đây, về thị hiếu của người tiêu dùng, đối thủ cạnh tranh khác và cả chuỗi cung ứng. DN nếu không có sự chuẩn bị sẽ rất khó thích nghi với thế giới mới sau khủng hoảng này.

Một điều đáng lưu tâm là xu hướng tận dụng sự công nghệ và số hóa là cách để DN giảm thiểu tác động của đại dịch đến hoạt động kinh doanh. Ngay từ trong đại dịch, một số DN đã bắt đầu chuyển đổi số nhằm tối ưu chi phí và đạt hiệu quả cao, tuy nhiên vẫn cần thời gian để có thể làm quen với xu hướng này.

Trong đại dịch càng thấy nguồn nhân lực vô cùng quan trọng với doanh nghiệp. Việc cắt giảm nhân sự trong khó khăn đã khiến cho nhiều công ty, xí nghiệp bị thiếu hụt lao động trong giai đoạn phục hồi. Trong khi đó, nhiều DN chọn giãn cách xã hội, làm việc từ xa thay vì cắt giảm lao động. Theo đó, công ăn việc làm cho người lao động vẫn đảm bảo đồng thời cũng giữ được bộ máy nhân sự sẵn sàng cho sự tăng tốc phục hồi sau dịch bệnh. Tất nhiên phương pháp làm việc từ xa muốn hiệu quả thì cần có kế hoạch, công cụ cũng như văn hóa DN tốt. Đối với không ít DN, dịch bệnh lại trở thành một động lực để tạo sự gắn kết giữa nhân viên với DN. Nhân viên cảm nhận rõ hơn về giá trị và văn hóa doanh nghiệp, khi đồng lòng vượt qua bão lớn.

Để nhân viên an tâm trở lại văn phòng làm việc, 3M cũng trang bị các giải pháp hướng dẫn an toàn sau thời gian giãn cách xã hội
Để nhân viên an tâm trở lại văn phòng làm việc, 3M cũng trang bị các giải pháp hướng dẫn an toàn sau thời gian giãn cách xã hội
 

Ngoài ra, người quản lý cũng thể hiện sự quan tâm với đời sống nhân viên bằng nhiều cách, như đảm bảo mức lương cho nhân viên, hay hỗ trợ thực phẩm, nhu yếu phẩm… Hiện nay, nhiều công ty lớn như Lazada vẫn áp dụng chính sách luân phiên làm việc để hạn chế số lượng người tại văn phòng. Hay như 3M, lựa chọn tiếp tục làm việc tại nhà nhằm đảm bảo an toàn cho nhân viên cùng với sự hỗ trợ của các nhóm theo dõi, đánh giá tình hình dịch bệnh liên tục tại nhiều quốc gia khác nhau. Chính sách FlexAbility khuyến khích nhân viên phát triển theo điều kiện riêng của từng cá nhân, chủ động về thời gian và nơi làm việc trong văn hóa 3M đã giúp công ty này vận hành ổn định trong suốt thời gian dịch bệnh.

Dù đã bắt đầu quay trở lại cuộc sống bình thường, DN cũng không quên đặt sự an toàn của nhân viên lên hàng đầu. Ở những môi trường làm việc tập trung đông người, chúng ta vẫn không thể thay đổi những thói quen liên quan đến việc bảo vệ sức khoẻ như mang khẩu trang, sát khuẩn tay, giãn cách để tránh lây bệnh.

Ngoài ra, vệ sinh nhà cửa thường xuyên với những dung dịch sát khuẩn chất lượng cũng trở thành một trong những điểm đáng được ưu tiên. Đây là những lời khuyên đơn giản mà hữu ích cho sức khỏe của người lao động trong bất cứ thời điểm nào, DN rất cần tuyên truyền và nhắc nhở mọi người một cách thường xuyên.