Những công ty công bố thông tin kiểu Quốc Cường Gia Lai

Theo VNE

Phát sinh doanh thu trong 6 tháng đầu năm nhưng lại chờ đến báo cáo soát xét của kiểm toán mới lòi ra khoản lãi to đùng. Công ty Quốc Cường Gia Lai không phải là tổ chức niêm yết duy nhất diễn ra tình trạng này.

Cùng trong tháng 8, Tribeco (mã chứng khoán TRI) cũng tạo ra một “quả bom” tương tự như Quốc Cường Gia Lai. Khi công bố thông tin về kết quả kinh doanh quý II, Tribeco lỗ 20 tỷ. Thế nhưng, khi đưa ra báo cáo hợp nhất với các công ty con, tổ chức niêm yết này lòi ra khoản lợi nhuận hơn 70 tỷ đồng từ hoạt động tài chính. Hệ quả là Tribeco không lỗ mà có lợi nhuận sau thuế tới 43 tỷ trong quý II.

Trước đó, trong công văn giải trình về việc thua lỗ liên tục 7 quý liên tiếp, công ty này có đề cập đến một khoản doanh thu tài chính từ việc bán phần vốn góp tại Tribeco Bình Dương và Tribeco Miền Bắc. Tuy nhiên, văn bản chỉ cho biết phần lợi nhuận thu được sẽ làm giảm lỗ trong báo cáo hợp nhất chứ không đề cập tới khả năng có khoản lợi nhuận vênh ra cực lớn.

Trong khi đó, kể từ khi được giao dịch trở lại sau thời gian bị tạm ngừng, TRI tăng một mạch từ 6.400 lên 10.700 đồng một cổ phiếu (gần 70%) từ 22/7 đên 7/7 dù đây là thời điểm thị trường rất ảm đạm và kết quả kinh doanh của công ty lỗ 7 quý liên tiếp. Trên thực tế, ngày 5/7, TRI đã có công bố thông tin về việc sẽ hạch toán khoản lợi nhuận tài chính nói trên trong năm 2010 nhưng không nêu rõ thời điểm. Sau khi công bố chỉ 2 phiên, giá TRI lại tụt dốc.

Ngày 18/8 vừa qua, Công ty Hóa Dầu Petrolimex công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2010. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2010 đạt khoảng 82 tỷ đồng với giá vốn 690 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo đơn vị kiểm toán - Công ty Deloitte Việt Nam, kết quả có được là do doanh nghiệp đã áp dụng phương pháp giá hạch toán (tương đương với giá kế hoạch, định mức) chứ không dùng giá thực tế. Nếu áp dụng giá thực tế, giá vốn bán hàng có thể giảm xuống 562,7 tỷ đồng (giảm khoảng 130 tỷ đồng) và lợi nhuận trước thuế có thể vọt lên 212 tỷ đồng (tăng gần 160%).

Đáng chú ý, phương pháp tính toán nói trên đã được Công ty Hóa Dầu Petrolimex sử dụng trong cả báo cáo tài chính năm 2009 và công ty kiểm toán lúc đó cũng cho rằng lợi nhuận doanh nghiệp này có thể tăng 52 tỷ nếu tính theo giá thực tế. Đến quý I năm 2010, ngay trước thềm Đại hội cổ đông của doanh nghiệp này, mức lợi nhuận lại được “nở” ra thành 52,79 tỷ đồng, tăng hơn 570% so với cùng kỳ 2009.

Chuyên viên phân tích của một công ty chứng khoán tại Hà Nội cho biết, những thông tin hành lang về lợi nhuận đột biến của một công ty nào đó trong tương lai thường được các “đội lái” (nhà đầu tư lớn chuyên làm giá cổ phiếu) sử dụng để đẩy giá. Ông này cho biết, việc số liệu khác nhau lớn giữa thông tin ban đầu và báo cáo hợp nhất sẽ gây thiệt hại cho nhiều nhà đầu tư trót bán cổ phiếu trước khi khoản lợi nhuận đột biến được công bố. “Tuy nhiên, công ty niêm yết cũng có vô vàn lý do để biện hộ cho sự chênh lệch này mà rút cục thì họ cũng không làm sao”, chuyên gia này nói.

Phó tổng giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài lớn cho biết, quỹ này đã từng là cổ đông của một công ty lớn. Tuy nhiên, sau vụ lình xình về thông tin không minh bạch về thời điểm hạch toán và mua bán một số dự án, quỹ này đã thoái vốn dù công ty làm ăn vẫn có triển vọng. Ông này nói: “Nếu không rõ ràng minh bạch thì nhà đầu tư bên ngoài sẽ bị thiệt nên chúng tôi quyết định chia tay”.

Chuyên gia đầu tư có nhiều năm kinh nghiệm này cho rằng, việc hạch toán các khoản doanh thu vào thời điểm nào và công bố ra sao thì doanh nghiệp cũng có quyền chủ động rất lớn. Tuy nhiên, việc công khai tiến trình có được khoản doanh thu, lợi nhuận tiềm ẩn của công ty như thế nào lại phụ thuộc vào đạo đức và sự liêm chính của lãnh đạo công ty niêm yết. “Nếu họ cố tình ém thông tin thì cũng khó mà bắt lỗi theo luật pháp nhưng lòng tin của nhà đầu tư sẽ bị xói mòn".