Những điểm mới về kiểm tra sau thông quan

(T.H - Tổng hợp)

Một số điểm mới của Thông tư 79 Bộ Tài chính mới ban hành liên quan đến các hoạt động của doanh nghiệp và hải quan

(TCTC)      Nhằm thống nhất các văn bản quy phạm trong hoạt động hải quan  và thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài chính về công tác xuất nhập khẩu, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 79-TT- BTC ngày 20/4/2009 hướng dẫn về thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan, thuế xuất nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

Thông tư 79-TT- BTC có 7 phần gồm 165 điều, trong đó có nhiều điểm mới mà doanh nghiệp cần quan tâm.

1. Về nguyên tắc Kiểm tra sau thông quan, thanh tra thuế điều 138 của Thông tư quy định là áp dụng phương pháp quản lý rủi ro.

2. Phạm vi của mỗi cuộc KTSTQ Điều 140 có quy định rõ có thể kiểm tra toàn diện hoặc kiểm tra chuyên sâu, gồm: (i) Kiểm tra tất cả hoạt động xuất nhập khẩu, của một doanh nghiệp, trong một giai đoạn; (ii) Kiểm tra việc xuất nhập khẩu một mặt hàng, của một hoặc nhiều doanh nghiệp, trong một giai đoạn; (iii) Kiểm tra một hoặc nhiều nội dung (ví dụ kiểm tra trị giá) của một hoặc nhiều mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu, của một doanh nghiệp, trong một giai đoạn; (iv) Kiểm tra một hoặc nhiều loại hình xuất khẩu, nhập khẩu, của một doanh nghiệp, trong một giai đoạn.

2. Khi thanh tra tại doanh nghiệp, cơ quan hải quan chỉ thực hiện thanh tra thuế, không thanh tra các hoạt động khác.

3. Đối tượng kiểm tra, điều 142 quy định rõ: là hồ sơ hải quan tại doanh nghiệp và các đơn vị hải quan, chứng từ,sổ sách, hàng hoá, nơi sản xuất...

4. Giải trình trong Kiểm tra sau thông quan điều 144 hướng dẫn rất cụ thể về khái niệm, người yêu cầu giải trình, hình thức yêu cầu và hình thức giải trình. Trường hợp doanh nghiệp chọn hình thức đối thoại thì nơi đối thoại có thể là trụ sở cơ quan hải quan hoặc trụ sở doanh nghiệp, tùy theo sự lựa chọn của doanh nghiệp. Nội dung đối thoại được ghi nhận bằng biên bản làm việc, kèm tài liệu, chứng từ chứng minh. Biên bản này có giá trị là căn cứ xem xét vụ việc.

5. Xác minh trong Kiểm tra sau thông quan, thanh tra thuế được quy định rõ tại điều 145 về khái niệm, thẩm quyền quyết định xác min, đối tượng xác minh, hình thức xác minh.

6. Quyền hạn của trưởng đoàn kiểm tra, thanh tra quy định rõ tại Điều 147: Ký giấy giới thiệu, giấy mời; Ký văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ việc đang kiểm tra cung cấp hồ sơ, tài liệu, dữ liệu; Trao đổi trực tiếp hoặc bằng văn bản với cơ quan quản lý nhà nước liên quan về chính sách, pháp luật liên quan đến vụ việc.

7. Kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan hải quan được quy định tại điều 148 là hoạt động thường xuyên của cơ quan hải quan nhằm đánh giá việc chấp hành pháp luật về thuế và pháp luật về hải quan của doanh nghiệp. Khi kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan hải quan, cơ quan hải quan không ban hành quyết định kiểm tra.

8. Kiểm tra sau thông quan tại trụ sở doanh nghiệp Điều 149 quy định rõ: 03 trường hợp kiểm tra sau thông quan tại trụ sở doanh nghiệp đồng thời hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền ra quyết định, nội dung cơ bản của quyết định, thông báo quyết định kiểm tra, các bước, thủ tục thực hiện kiểm tra và lập kết luận kiểm tra. Trong đó doanh nghiệp cần chú ý đến các hướng dẫn tại khoản 5: Chậm nhất một ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kiểm tra tại doanh nghiệp, trưởng đoàn kiểm tra phải gửi bản dự thảo kết luận kiểm tra cho doanh nghiệp. Trong thời hạn hai ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản dự thảo kết luận kiểm tra của trưởng đoàn kiểm tra, doanh nghiệp phải hoàn thành việc giải trình. Hết hạn mà doanh nghiệp không nộp bản giải trình thì coi như doanh nghiệp không có ý kiến khác với bản dự thảo kết luận của trưởng đoàn kiểm tra.

9. Thanh tra thuế là nội dung mới hoàn toàn: Từ điều 150 đến điều 161 hướng dẫn cụ thể về thanh tra thuế theo tinh thần luật Quản lý thuế từng bước rất rõ ràng: Thu thập thông tin về đối tượng thanh tra; Lập báo cáo, kế hoạch thanh tra; Đoàn thanh tra; Thời hạn thanh tra; Quyết định thanh tra; Thực hiện thanh tra; Kết luận thanh tra. Trong đó, doanh nghiệp cần chú ý một số điểm:

      - Điều 156 có quy định: Đối với trường hợp doanh nghiệp không chấp hành quyết định thanh tra thì thanh tra viên hoặc trưởng đoàn thanh tra lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt hành chính hoặc chuyển người có thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật.

      -  Điều 158 quy định: Biên bản thanh tra phải được trưởng đoàn thanh tra và người nộp thuế (hoặc đại diện hợp pháp của người nộp thuế) ký vào từng trang, đóng dấu của người nộp thuế (nếu có). Những nội dung đã thống nhất và những nội dung chưa thống nhất giữa đoàn thanh tra và người nộp thuế đều phải được ghi nhận trong biên bản thanh tra.

       Đối tượng thanh tra có quyền nhận biên bản thanh tra thuế, yêu cầu giải thích nội dung biên bản thanh tra thuế và các quyền khác quy định tại khoản 2 điều 86 Luật Quản lý thuế.