Nới tiêu chí gói hỗ trợ doanh nghiệp lần 2

Theo Minh Chiến/nld.com.vn

Ngày 15/10, tại hội thảo "Chính sách vượt qua tác động của Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế" do Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (NEU) phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, nhóm nghiên cứu đã công bố một số kết quả khảo sát việc tiếp cận gói hỗ trợ đợt 1 cho doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Khoảng 80% doanh nghiệp được điều tra không nhận được gói hỗ trợ lần 1 của Chính phủ. Lý do chủ yếu là doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện, không có thông tin về chính sách. "Đáng chú ý, tỉ lệ DN lớn nhận được gói hỗ trợ nhiều hơn so với doanh nghiệp nhỏ.

Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ là những đối tượng dễ tổn thương bởi khủng hoảng dịch bệnh. Doanh nghiệp chủ yếu tiếp cận được với gói gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, các gói hỗ trợ khác, tỉ lệ tiếp cận thấp" - PGS.,TS. Bùi Đức Thọ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nói và cho rằng gói hỗ trợ lần 1 có nhiều chính sách chưa phù hợp, xác định chưa đúng đối tượng, tiêu chí còn khó đáp ứng.

Đánh giá về gói hỗ trợ lần 1, ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận định cần sớm có đánh giá về kết quả, tỉ lệ giải ngân để từ đó làm rõ nguyên nhân tồn tại, đưa ra các giải pháp hợp lý cho gói hỗ trợ lần 2.

Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, cho hay hiệu quả của gói chính sách hỗ trợ đợt 1 chưa được như kỳ vọng. Tuy chính sách kịp thời nhưng việc thực hiện không theo tinh thần thời chiến, có nơi còn quá chậm. TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh gói hỗ trợ lần 2 phải có trọng điểm, hỗ trợ những lĩnh vực, những doanh nghiệp có tính lan tỏa và ít nhất phải thực hiện cả trong năm 2021.

PGS.,TS. Bùi Đức Thọ cũng kiến nghị Chính phủ cần có các hình thức hỗ trợ phù hợp với các doanh nghiệp ở từng ngành, lĩnh vực và từng giai đoạn. Bên cạnh đó, cần ưu tiên các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa bởi khả năng chống chịu kém. "Về gói tiền tệ, cần nới lỏng các điều kiện tín dụng, miễn và giảm lãi. Chính phủ cần kéo dài thời gian các gói hỗ trợ để doanh nghiệp có đủ thời gian phục hồi sản xuất - kinh doanh bền vững; các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng, minh bạch về thủ tục cũng như đối tượng được hưởng" - ông Thọ đề xuất và lưu ý cần giảm thiểu những phiền hà về thủ tục và quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, đặc biệt là thủ tục chứng minh về tài chính.