Nóng bỏng cuộc đua thị phần đóng gói thực phẩm

Theo Thế Vinh/thoibaokinhdoanh.vn

Triển vọng tăng trưởng xuất khẩu nông sản và chế biến thực phẩm đang làm gia tăng nhu cầu sử dụng bao bì đóng gói thực phẩm, đòi hỏi doanh nghiệp (DN) Việt cần tận dụng cơ hội trước cuộc đua giành thị phần từ khối ngoại.

Nhu cầu đóng gói thực phẩm gia tăng nhưng đòi hỏi cao về công nghệ. Nguồn: thoibaokinhdoanh.vn
Nhu cầu đóng gói thực phẩm gia tăng nhưng đòi hỏi cao về công nghệ. Nguồn: thoibaokinhdoanh.vn

Ông Klaus Friedrich, đại diện Liên đoàn kỹ thuật Đức (VDMA), nhận định trong 5 năm tới, thị trường Việt Nam sẽ có sự gia tăng nhu cầu sử dụng bao bì đóng gói cho thực phẩm với tổng mức tăng trên 45%.

Dư địa lớn

Qua phân tích, dự báo mức tăng trưởng doanh thu cao nhất ở mảng ngành đóng gói thực phẩm tại Việt Nam từ năm 2018 đến năm 2023 sẽ thuộc về các chế phẩm từ sữa, gạo, mì, mì sợi, nước sốt và gia vị, dầu ăn, đồ khô…

Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhập khẩu (NK) thiết bị máy chế biến và đóng gói thực phẩm sẽ gia tăng, tràn vào Việt Nam.

Theo chia sẻ của ông Klaus trong khuôn khổ Triển lãm và hội thảo quốc tế về công nghệ xử lý, chế biến và đóng gói bao bì (Propak Vietnam 2019) diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh ngày 19/3, trong top 5 quốc gia NK máy móc đóng gói bao bì thực phẩm vào Việt Nam trong thời gian qua dẫn đầu vẫn là Trung Quốc, sau đó là Đức, Ý, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Ông Klaus cho biết, xuất khẩu (XK) thiết bị máy đóng gói bao bì thực phẩm từ Đức sang Việt Nam có sự gia tăng so với năm 2017. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp (DN) Đức sẽ tiếp tục đà gia tăng XK máy móc ở phân khúc đóng gói bao bì và chế biến thực phẩm vào Việt Nam để có thể cạnh tranh với DN Trung Quốc và Ý.

Theo đánh giá, sức phát triển của thị trường thực phẩm Việt cũng như ngành công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm XK đã kéo theo cuộc đua cạnh tranh thị phần đóng gói bao bì thực phẩm.

Điểm đáng ghi nhận là bên cạnh những "ông lớn" trong ngành sản xuất và đóng gói bao bì trên thế giới đang giành ảnh hưởng tại thị trường Việt, một số tên tuổi DN nội trong lĩnh vực này (như Đại Chính Quang, Mỹ Lan Group, NPC Vina, Phú Lộc, Thiên An Lộc, Song Song, VMS…) cũng đang vươn lên, đủ sức cạnh tranh với các DN quốc tế.

Thống kê của VDMA cho thấy sức tăng trưởng toàn cầu của ngành này là vào khoảng 38%; riêng ở TP. Hồ Chí Minh có mức tăng trưởng khoảng 15%, là thị trường chiếm 60 – 65% các DN đóng gói, chế biến bao bì thực phẩm của Việt Nam.

Ông Andrew Manly, đại diện của Hiệp hội công nghiệp bao bì (AIPIA), cho rằng trước sự tăng trưởng mạnh của ngành thực phẩm và nông sản ở Việt Nam, nhu cầu trong ngành công nghiệp đóng gói bao bì thực phẩm ngày càng tăng, đặc biệt là những lĩnh vực đóng gói mang tính phức tạp đòi hỏi sử dụng công nghệ thông minh.

Theo ông Andrew, nông sản Việt khi XK sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc… ngày càng đòi hỏi khắt khe về các tiêu chuẩn sản phẩm, nên các nhà sản xuất phải đảm bảo về mặt đóng gói và các thông tin trên bao bì về chất lượng, tính an toàn của sản phẩm.

Tận dụng cơ hội

Kỹ sư Hoàng Quang Huy, Thư ký Hiệp hội Nghiên cứu & Phát triển phục vụ đổi mới sáng tạo (RDI Việt Nam), cho biết theo thống kê, sự tăng trưởng của ngành đóng gói bao bì thực phẩm ở trong nước tăng trưởng khoảng 15 – 20%/năm.

Nhiều DN trong nước cũng đã quan tâm đầu tư thiết bị máy móc vào lĩnh vực này và ngày càng đổi mới công nghệ để có thể cạnh tranh với các DN nước ngoài vốn dĩ đang chiếm thị phần rất lớn tại Việt Nam.

Theo lưu ý của ông Huy, dư địa thị trường ngành đóng gói bao bì thực phẩm ở Việt Nam vẫn đang rất rộng lớn, nhiều tiềm năng để các DN Việt khai phá. Tuy nhiên, với cơ cấu dân số trẻ nên xu hướng mua sắm của họ có nhiều thay đổi so với trước đây và có nhiều cơ hội tiếp cận với sản phẩm ngoại vốn có mẫu mã đa dạng, chủng loại hấp dẫn.

Vì vậy, các nhà đóng gói, sản xuất bao bì trong nước cần quan tâm đến xu hướng, cách thức mua sắm và lựa chọn sản phẩm của người tiêu dùng nội địa đang ngày càng khác đi.

Giới chuyên gia cho rằng ở thị trường Việt Nam, nguồn chế biến thực phẩm có sẵn là rất lớn, nên lượng tiêu thụ bao bì sẽ ngày một nhiều thêm. Tuy nhiên, có thể thấy ngành công nghiệp bao bì ở trong nước vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của thị trường khi còn gặp không ít rào cản.

Thứ nhất là các DN bao bì thực phẩm nội địa chưa nhạy cảm với xu hướng. Thứ hai là đầu tư công nghệ đóng gói đòi hỏi chi phí rất cao, trong khi nguồn vốn của DN Việt lại khó khăn.

Trên thực tế, theo chia sẻ của kỹ sư Hoàng Quang Huy, Chính phủ cũng đang có những chính sách và giải pháp để hỗ trợ cho ngành công nghiệp đóng gói bao bì, nhưng DN chưa dễ tiếp cận được nguồn lực hỗ trợ này.

Theo dự báo đến năm 2020, mức tiêu thụ nhựa bao bì thực phẩm trong nước vào khoảng 45kg/người/ năm, con số khá ấn tượng và là thị trường tiềm năng để các DN bao bì Việt khai thác, tận dụng cơ hội trước cuộc đua cạnh tranh thị phần từ khối ngoại.