"Ông lớn" nào đang chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam?

Theo Thiên Bình/laodong.vn

Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng với sự tham gia của không những các doanh nghiệp (DN) trong nước mà cả những tập đoàn lớn của nước ngoài.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

DN Việt chọn bán lẻ để khởi nghiệp

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, doanh số bán lẻ tăng qua từng năm. Nếu như năm 2010, doanh số bán lẻ của Việt Nam là 1677,3 tỉ đồng, thì đến năm 2018 con số này đã là 4440 tỉ đồng.

Phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư tiếp thị và bán lẻ Việt Nam, TS Võ Trí Thành- Viện trưởng Viện Nguyên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh đã cung cấp 1 con số thú vị về thị trường bán lẻ. Theo đó, bán lẻ là ngành được nhiều doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và khởi nghiệp nhất ở Việt Nam. Theo báo cáo về chỉ số kinh doanh khởi nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ thì Việt Nam đứng thứ 2 trên 54 quốc gia được khảo sát.

Đánh giá về thị trường bán lẻ Việt Nam, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, cho rằng đây là thị trường nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn (hơn 93,7 triệu người), cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50). Dự báo chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/ tháng vào năm 2020, trong khi tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, Việt Nam chỉ đạt 25% tổng mức bán lẻ, trong khi ở Philippines là 33%, Thái Lan là 34%, Malaysia 60%, Singapore là 90%...

Cũng theo bà Nga, thị trường bán lẻ Việt Nam có 8 phân khúc chủ yếu với sự góp mặt của các nhà bán lẻ lớn gồm: Đại siêu thị/Trung tâm phân phối, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm phức hợp, siêu thị, siêu thị mini/cửa hàng tiện lợi/cửa hàng chuyên dụng, siêu thị điện máy, bán lẻ trực tuyến và bán hàng qua truyền hình.

DN ngoại chiếm lĩnh thị trường tiềm năng của Việt Nam

Với tiềm năng lớn của thị trường bán lẻ Việt Nam, các tập đoàn lớn kinh doanh bán lẻ lớn của nước ngoài như Lotte, Central Group, Aeon, Circle K, K Mart, Auchan, Family Mart… đã liên tục đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam.

"Doanh nghiệp ngoại hiện có nhiều phân khúc nhất tại thị trường bán lẻ Việt Nam là Tập đoàn Central Group từ Thái Lan với việc mua lại hệ thống siêu thị BigC, siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Ngoài ra, Central Group còn mở trung tâm mua sắm Robins, cửa hàng chuyên đồ thể thao Supersports tại Việt Nam", bà Vân thông tin. 

Một tên tuổi khác dù đến sau nhưng cũng nhanh chóng ghi dấu ấn với việc đầu tư 3 trung tâm mua sắm phức hợp Aeon Mall và phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi thông qua việc mua lại thương hiệu Citimart.

Các tập đoàn nước ngoài khác cũng đã nhanh chóng mở rộng thị trường để khai thác tiềm năng với các chuỗi cửa hàng liên tục được mở rộng.

Tốc độ thâm nhập và mở rộng ngày một gia tăng của các hãng phân phối nước ngoài đã gây sức ép rất lớn và là mối lo ngại cho các nhà bán lẻ nội địa.

Phần lớn các DN Việt Nam là các DN nhỏ và vừa với nguồn lực hạn chế, đang bị "lép vế" với những "ông lớn" nước ngoài. 

Bà Vân cho biết, hiện chỉ có một số ít DN lớn của Việt Nam như Sài Gòn Co.op, Vingroup… mới đủ năng lực để cạnh tranh, khẳng định vị thế của mình trên thị trường bán lẻ Việt Nam.

Theo báo cáo của các Sở Công Thương các địa phương, tỷ lệ hàng Việt tại các siêu thị vẫn được duy trì ở mức cao, trên 80%. Nhưng thị phần này có thể sẽ thay đổi trong tương lai nếu các DN bán lẻ Việt Nam không thay đổi để cạnh tranh.