Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 10/2019

Tuy là vùng kinh tế được xác định có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển, nhưng cho đến nay Tây Nguyên vẫn là một trong những vùng khó khăn nhất cả nước. Vì vậy, thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên là việc làm cần thiết. Khảo sát trên địa bàn Tây Nguyên thấy rằng, mặc dù các doanh nghiệp phát triển nhanh về số lượng, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng… Trên cơ sở nhận diện đặc điểm của doanh nghiệp đóng trên địa bàn Tây Nguyên, bài viết rút ra một số bài học kinh nghiệm góp phần giúp doanh nghiệp khu vực này phát huy được vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tiềm năng, nguồn lực của Tây Nguyên

Khu vực Tây Nguyên nằm ở ngã ba biên giới giữa Việt Nam, Lào và Campuchia, rất gần với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ - vùng phát triển bậc nhất Việt Nam hiện nay. Tây Nguyên cũng thuận lợi trong việc kết nối với các cảng biển lớn ở miền Trung của Việt Nam. Theo số liệu thống kê, Tây Nguyên có diện tích 54.475 km2, chiếm 1/6 diện tích cả nước, trong đó diện tích đất đỏ Bazan là 1,36 triệu ha, chiếm 66% diện tích đất Bazan toàn quốc. Như vậy, Tây Nguyên có rất nhiều tiềm năng cho phát triển kinh tế nói chung, nông nghiệp nói riêng.

Kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu kinh tế đã khẳng định, Tây Nguyên có 3 lợi thế vượt trội hơn so với các vùng khác, cụ thể: (1) Tây Nguyên là vùng đất có tiềm năng phát triển nền nông nghiệp tập trung quy mô lớn; (2) Mức độ khai thác nguồn tiềm năng kinh tế ở Tây Nguyên còn thấp, vì vậy, cho phép nâng cao hiệu suất đầu tư; (3) Tiềm năng kinh tế Tây Nguyên tương đối tập trung, có khả năng khai thác quy mô công nghiệp và tỷ suất hàng hóa lớn.

Đây chính là tiền đề cho việc lựa chọn và bố trí ngành, lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, để thúc đẩy tăng trưởng nhanh. Đất trồng Tây Nguyên phù hợp với các loại cây công nghiệp như cao su, cà phê, chè, mía, dâu tằm. Về lâm nghiệp, Tây Nguyên hiện có diện tích rừng lớn nhất cả nước, với gần 3 triệu ha, với 45% trữ lượng gỗ của cả nước. Rừng Tây Nguyên là rừng tự nhiên nguyên sinh nhiệt đới có nhiều loại gỗ quý như: lim, sến, táu, lát hoa, cẩm lai, trắc, gụ, xà nu, pơ mu… lâm đặc sản, chim, thú quý hiếm. Về khoáng sản, năng lượng, Tây Nguyên có một tiềm năng lớn; khoáng sản có vàng, bô xít, đá quý, măng gan, kim loại phóng xạ. Các mỏ bô xít ở khu vực Nam Tây Nguyên có trữ lượng 4,5 tỷ tấn (chiếm khoảng 91,4% trữ lượng cả nước)…

Nguồn nhân lực của các tỉnh Tây Nguyên khá vượt trội, hiện có khoảng 3.068.000 lao động, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia lao động chiếm tỷ lệ 83,4%. Cơ sở hạ tầng Tây Nguyên khá phát triển, hệ thống giao thông là hệ thống quốc lộ nối liền Tây Nguyên với TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam Bộ, Nam Bộ và Nam Trung Bộ đã được đầu tư, nâng cấp nên dễ dàng gắn kết, lưu thông thuận lợi cho phát triển kinh tế của vùng với các địa phương khác…

Để khai thác hiệu quả tiềm năng, nguồn lực sẵn có, Tây Nguyên cần phát huy mạnh mẽ vai trò của các địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp (DN) - được coi là chủ thể trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Việc gia tăng đầu tư, hoạt động thương mại của các doanh nghiệp không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn đóng góp vào phát triển xã hội, ổn định an ninh biên giới. Vì vậy, các địa phương thuộc khu vực Tây Nguyên cần nâng tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, dành nhiều ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trở thành đầu tàu dẫn dắt vùng khu vực Tây Nguyên tăng trưởng bền vững.

Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên - Ảnh 1

Đặc điểm của các doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên

Những năm qua, khu vực Tây Nguyên đã bước đầu tận dụng tiềm năng, tranh thủ và phát huy được nguồn lực của doanh nghiệp trên địa bàn vào phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế các địa phương trong vùng có tốc độ tăng trưởng khá cao so với bình quân chung cả nước. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm của cả vùng Tây Nguyên tính riêng trong 6 tháng năm 2019 của khu vực đạt 7,3% và dự báo năm 2019 là 8,5%.

Số lượng cũng như nguồn vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp vào địa bàn ngày càng tăng. Chỉ tính riêng giai đoạn 2011-2015, nguồn vốn đầu tư vào Tây Nguyên đạt khoảng 265,7 nghìn tỷ đồng, gấp đôi so với giai đoạn 2006-2010. Tốc độ tăng bình quân cả giai đoạn đạt trên 11,3%/năm, trong đó, vốn đầu tư vào khu vực nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 14,89%/năm; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 2,39%/năm; khu vực dịch vụ tăng 12,13%/năm. Cơ cấu vốn đầu tư vào vùng Tây Nguyên cũng có nhiều thay đổi theo hướng giảm dần tỷ trọng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, từ 43,96% năm 2011 xuống còn 29,48% vào cuối năm 2015; tăng dần, tỷ trọng vốn đầu tư từ nguồn vốn khu vực kinh tế ngoài nhà nước tương ứng từ 53,4% lên 69,28%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng từ 1,85% lên 1,96%. Các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Lăk, Gia Lai có tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước khá lớn, từ 64,86% năm 2011 lên 71,85% năm 2015. Các tỉnh còn nhiều khó khăn như: Kon Tum, Đăk Nông đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hút, tăng tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân.

Tây Nguyên có 3 lợi thế vượt trội hơn so với các vùng khác, gồm: (1) Là vùng đất có tiềm năng phát triển nền nông nghiệp tập trung quy mô lớn; (2) Mức độ khai thác nguồn tiềm năng kinh tế còn thấp, cho phép nâng cao hiệu suất đầu tư; (3) Tiềm năng kinh tế của Vùng tương đối tập trung, có khả năng khai thác quy mô công nghiệp và tỷ suất hàng hóa lớn.

Lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp Tây Nguyên hiện nay cũng đã mở rộng và đa dạng hơn. Trước đây, phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên chỉ chú trọng đầu tư phát triển ngành công nghiệp, nhưng đến nay, hoạt động của doanh nghiệp đã phủ rộng ở hầu hết các ngành sản xuất kinh doanh; trong đó, doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp, dịch vụ, xây dựng, vận tải, tài chính ngân hàng chiếm tỷ trọng cao trong giá trị sản xuất toàn ngành. Một số ngành như hoạt động khoa học và công nghệ, văn hóa, thể thao, cứu trợ xã hội, hoạt động phục vụ cá nhân và cộng đồng ngày càng được quan tâm phát triển…

Mặc dù, số lượng cũng như lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp đã có những đóng góp và chuyển biến nhất định, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của Tây Nguyên. Sự đóng góp vào giá trị sản xuất và GDP của vùng vẫn chủ yếu tập trung ở doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ cá thể. Nếu so sánh với các vùng khác trong nước, doanh nghiệp ở Tây Nguyên còn gặp khá nhiều tồn tại, khó khăn (Bảng 1).

Doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ (chiếm 98% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên) mặc dù giữ vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng, nhưng nhìn chung năng lực của các doanh nghiệp này còn yếu, phát triển tự phát, không có chiến lược dài hạn, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại; công nghệ, thiết bị cũ, lạc hậu; sản phẩm làm ra chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường; thiếu vốn đầu tư đổi mới công nghệ. Về cơ bản, tiềm lực tài chính doanh nghiệp, tính chuyên nghiệp và vị thế của doanh nghiệp, khả năng thích ứng với biến động của thị trường chưa cao. Một số lớn doanh nghiệp chưa quan tâm đầy đủ, toàn diện đến phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, khả năng cập nhật, xử lý thông tin về thị trường thế giới, khả năng hội nhập kinh tế quốc tế còn hạn chế.

Đa số doanh nghiệp không có đủ nguyên liệu ổn định, hầu hết nguyên liệu đầu vào phụ thuộc vào mùa vụ của nông sản, việc dự trữ nguyên liệu đầu vào gặp khó khăn do việc đầu tư xây dựng các kho dự trữ nguyên liệu còn hạn chế. Hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu mới tập trung ở khâu sơ chế và gia công là chính, chưa có những doanh nghiệp chế biến sản phẩm cuối cùng có giá trị gia tăng cao.

Trình độ quản lý của các doanh nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên còn hạn chế, thiếu kiến thức quản trị và kỹ năng, kinh nghiệm kinh doanh nên ảnh hưởng nhiều đến chất lượng công tác quản lý nhân sự, quản lý tài chính, chất lượng hàng hóa, sở hữu công nghiệp. Sự thiếu hụt nguồn lao động có trình độ tay nghề cao ở Tây Nguyên cũng là nguyên nhân chính hạn chế vai trò của doanh nghiệp trong đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên.

Giải pháp phát huy vai trò của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên

Từ thực tế trên, bài viết gợi ý một số vấn đề cần chú trọng thực hiện, góp phần phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên thời gian tới như sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách hỗ trợ phù hợp, thu hút nguồn lực của doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trước mắt, cần tập trung thực hiện một số vấn đề sau:

- Ban hành cơ chế, chính sách phát triển đặc thù đối với khu vực Tây Nguyên; xây dựng và hình thành cơ chế liên kết vùng, liên kết theo chuỗi giá trị, chuỗi sản phẩm giữa các địa phương, giữa các doanh nghiệp, giữa các thành phần kinh tế, hộ gia đình. Đồng thời, kiện toàn và hoàn thiện các luật về doanh nghiệp vừa và nhỏ; xây dựng hệ thống dịch vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao chỉ đạo và dịch vụ của Chính phủ dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; ủng hộ hợp tác nhiều mặt giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ với các doanh nghiệp lớn, xây dựng thể chế hợp tác phân công sản xuất và kinh doanh giữa các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ.

- Làm tốt việc xây dựng và thực thi chính sách của chính quyền địa phương các tỉnh Tây Nguyên; Tăng cường đối thoại giữa Nhà nước và doanh nghiệp; Khắc phục những khó khăn trong thực hiện các quy định pháp lý do có các quy định bị chồng chéo giữa luật với nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành luật hoặc một số chính sách, hướng dẫn do Chính phủ và các bộ, ban ngành ban hành còn chậm, gây khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Các sở, ngành khi tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cần tham khảo ý kiến của doanh nghiệp thông qua các hiệp hội doanh nghiệp; cần phối hợp với các hiệp hội ngành nghề trong các nhiệm vụ liên quan để tránh trường hợp quy định chưa thực sự mang tính khả thi trong thực hiện. Đồng thời, cần khắc phục tình trạng chưa đa dạng, chưa chuyên sâu các thông tin về kinh doanh, thương mại, giá cả, thị trường, sản phẩm đầu vào, tư vấn pháp luật, xúc tiến thương mại, những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của địa phương và trung ương.

- Tăng cường phối hợp có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp giữa trung ương và địa phương; giữa các cơ quan có chức năng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của địa phương với nhau để tránh phân tán nguồn lực hỗ trợ, tạo sức mạnh cho doanh nghiệp phát triển. Đối với những doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu vào những ngành khai thác thế mạnh đặc thù của vùng Tây nguyên thì Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ và ưu đãi đặc biệt.

- Khắc phục những vướng mắc trong việc thực hiện các quy định về chính sách hỗ trợ: như tiếp cận nguồn vốn vay, thuê đất, thuê mặt nước…

- Đối với thương hiệu doanh nghiệp, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ và bảo hộ, đào tạo nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Đối với thương hiệu vùng, Nhà nước cũng phải là người khởi xướng, thúc đẩy và bảo vệ.

- Tích cực cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo nhanh, gọn, hiệu quả; giảm thiểu sự bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực giữa các khu vực kinh tế; xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, có sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư; thúc đẩy khởi nghiệp; lãnh đạo các địa phương cũng cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo cơ hội công bằng để khuyến khích doanh nghiệp ở mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thứ hai, các doanh nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên cần tăng cường nghiên cứu thế mạnh của địa bàn, để có thể tận dụng hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh sẵn có của vùng như: Nông lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng sạch và du lịch… Vấn đề cần xúc tiến ngay là phải đảm bảo cây và con giống có chất lượng để tăng năng suất và chất lượng vật nuôi, cây trồng; đồng thời, cần đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu tập trung có quy mô lớn và chất lượng cao được quy hoạch dài hạn, có tính liên kết trong cả vùng. Đối với công nghiệp chế biến, doanh nghiệp ở Tây Nguyên cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ; hình thành các khu thương mại tự do giữa các tỉnh Tây Nguyên với các khu vực thuộc tiểu vùng sông Mê Kông, thực hiện phát triển kinh tế cửa khẩu, đẩy mạnh hợp tác kinh tế - xã hội xuyên biên giới trong tam giác phát triển Việt - Lào - Campuchia

Kinh tế các địa phương trong khu vực Tây Nguyên có tốc độ tăng trưởng khá cao so với bình quân chung cả nước. Theo đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm của cả vùng Tây Nguyên trong 6 tháng năm 2019 đạt 7,3%; dự báo năm 2019 tốc độ tăng trưởng đạt 8,5%.

Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Trình độ quản lý, kiến thức thị trường, luật pháp… Thực tế cho thấy, chất lượng trình độ nhân lực nói chung, trình độ tổ chức quản lý nói riêng kém phát triển được coi là điểm yếu trong khả năng phát triển của doanh nghiệp Tây Nguyên hiện nay, điều này khiến cho các doanh nghiệp mất đi nhiều lợi thế cạnh tranh. Việc thiếu hụt nguồn lao động có tay nghề khiến cho khu vực khó có khả năng tiếp cận với công nghệ cao, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến khó có khả năng đáp ứng được nhu cầu cao và khắt khe về vệ sinh an toàn và chất lượng sản phẩm của thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU… Do đó, để phát triển và phát huy vai trò tích cực doanh nghiệp cần tăng cường công tác đào tạo, xây dựng kỹ năng, kiến thức cho người lao động.

Thứ tư, về công nghệ, đổi mới sáng tạo: Thực tiễn cho thấy, các doanh nghiệp ở Tây Nguyên thường tập trung vào khai thác thiên nhiên, mở rộng sản xuất hơn là đầu tư có chiều sâu về công nghệ. Điều này mang lại hiệu quả trước mắt cho doanh nghiệp, tuy nhiên khi tài nguyên cạn kiệt các doanh nghiệp sẽ phải đương đầu với khá nhiều khó khăn, thách thức.

Có thể nói, vai trò của công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo khá quan trọng đối với sự phát triển thị trường công nghệ ở khu vực Tây Nguyên hiện nay. Tuy nhiên, các công nghệ sản xuất mà doanh nghiệp Tây Nguyên đang áp dụng phần đa lạc hậu, chủ yếu là các biện pháp truyền thống trong chế biến sản phẩm, có những công nghệ lạc hậu từ 2-3 thế hệ so với thế giới. Những yếu kém trong phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo hiện đang hạn chế khả năng phát triển của doanh nghiệp và phát huy vai trò tích cực của doanh nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội khu vực. Công nghệ chế biến các mặt hàng chủ lực của Tây Nguyên hiện đang là rào cản lớn đối với việc nâng cao chất lượng nông sản, ảnh hưởng nhiều tới thu nhập của người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn, khiến nhiều doanh nghiệp mất đi khả năng tiếp cận với các thị trường tiềm năng, làm giảm giá trị nông sản của khu vực Tây Nguyên so với các nước khác có cùng chủng loại.

Thứ năm, về phát triển các loại hình doanh nghiệp: Cần coi trọng và phát huy vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên nhiều mặt như: Mở rộng thị trường, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và thúc đẩy việc phát triển nền kinh tế toàn diện hơn, phát huy đầy đủ vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cùng với đó, tăng cường sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, các tổ chức tài chính và ngân hàng, tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh, đáng tin cậy hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển toàn diện.

Thứ sáu, về đất đai: Việc thu hồi đất để phát triển doanh nghiệp, công nghiệp làm cho một bộ phận nông dân không còn đất canh tác, thất nghiệp, đời sống khó khăn… gây ra bất bình khiếu kiện kéo dài trong dân. Để giải quyết vấn đề này, bài học kinh nghiệm rút ra là cần tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho nhân dân; cần minh bạch, công tâm trong sử dụng đất đai; có chính sách bồi thường đất đai thỏa đáng; làm tốt công tác di dân, tái định cư, tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống cho nhân dân…

Thứ bảy, tăng cường liên kết vùng. Hiện nay, liên kết vùng trong quy hoạch phát triển, thu hút đầu tư vào Tây Nguyên còn mờ nhạt, chưa tạo ra được chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất. Liên kết giữa các địa phương trong vùng với các vùng kinh tế khác và với khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam còn hạn chế. Các bộ, ngành, địa phương còn chậm trễ trong triển khai các giải pháp, khuyến nghị về liên kết vùng. Để cải thiện, thời gian tới cần tăng cường liên kết vùng trong quy hoạch phát triển, thu hút đầu tư, tạo chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất; Liên kết giữa các địa phương trong vùng với các vùng kinh tế khác của cả nước và với khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Nhà nước cũng nên tạo cơ hội cho doanh nghiệp quảng bá, giao lưu, liên doanh, liên kết. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động quảng bá thương hiệu, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của mình và trao đổi về tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực như: Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chăn nuôi đại gia súc, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng sạch, thương mại, dịch vụ, du lịch… để thu hút đầu tư.

Thứ tám, sự phát triển của các doanh nghiệp ở Tây Nguyên cũng cần phải gắn với bảo vệ môi trường và giá trị văn hóa vùng. Mục tiêu phát triển doanh nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên không thể tách rời với nỗ lực bảo tồn môi trường sinh thái và môi trường văn hóa - xã hội. Môi trường sinh thái được bảo vệ tốt sẽ đảm bảo cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Một trong những tài nguyên có thể bị ảnh hưởng rất nhiều khi phát triển doanh nghiệp là rừng tự nhiên, hiện nay đang bị suy thoái và giảm diện tích nghiêm trọng. Do đó, Chính phủ cần có chính sách, biện pháp quyết liệt để bảo vệ rừng, đặc biệt là các chính sách liên quan đến các công ty lâm nghiệp.

Tài sản quý giá nhất của Tây Nguyên là các giá trị văn hóa, do vậy doanh nghiệp cần phải bảo vệ giá trị đa văn hóa của Tây Nguyên. Theo đó, doanh nghiệp cần tìm ra phương thức khai thác có chọn lọc những giá trị văn hóa độc đáo vào phát triển sản xuất. Việc đáp ứng nhu cầu về thị hiếu và tập quán của người tiêu dùng phù hợp với đặc trưng của từng dân tộc là yếu tố thúc đẩy doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng địa bàn kinh doanh, nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm.

Nhìn chung, sự phát triển các doanh nghiệp ở Tây Nguyên không những thúc đẩy kinh tế vùng này phát triển, mà còn góp phần ổn định chính trị, xã hội của cùng. Muốn phát huy vai trò tích cực của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên, thì môi trường kinh doanh, khuôn khổ pháp lý cho doanh nghiệp cần được các tỉnh trong khu vực quan tâm kiện toàn; tiếp tục giới thiệu những tiềm năng, triển vọng, định hướng và cơ chế, chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư tới các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, để các nhà đầu tư thấy được một Tây Nguyên ngoài tiềm năng, luôn đồng hành cùng nhà đầu tư trên suốt chặng đường hoạt động sản xuất kinh doanh…           

Tài liệu tham khảo:

Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê 2003, NXB Thống kê, Hà Nội;

Nguyễn Quang Thuấn (Chủ biên) (2015), Tây Nguyên trong hợp tác phát triển kinh tế - xã hội xuyên biên giới vùng Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội;

Trần Hồng Quang, Báo cáo tại Hội thảo về tam giác phát triển (Buôn Ma Thuột, 21/4/2014), Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Nguyễn Trọng Xuân (Chủ biên) (2016), Phát triển doanh nghiệp ở Tây Nguyên, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội;

Các website: tapchicongsan.org.vn, dangkykinhdoanh.gov.vn, baoquocte.vn.