Phát triển bán lẻ trực tuyến cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa


Việt Nam là một trong những thị trường tiêu dùng tăng trưởng nhanh nhất châu Á với tốc độ tăng trưởng thị trường bán lẻ duy trì ở mức rất cao - khoảng 10%/năm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp lựa chọn phương thức bán hàng trực tuyến, đưa phương thức này trở thành một xu hướng mới gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bài viết trao đổi hiện trạng và xu hướng ngành bán lẻ trực tuyến Việt Nam, cơ hội và thách thức bán lẻ trực tuyến cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ kiến nghị một số giải pháp tăng cường bán lẻ trực tuyến cho khu vực doanh nghiệp này.

Thực trạng bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), năm 2018 thương mại điện tử (TMĐT)Việt Nam tiếp tục phát triển toàn diện với tốc độ tăng trưởng trên 30% với quy mô thị trường TMĐT lên tới khoảng 7,8 tỷ USD.

Việt Nam hiện đang là một trong những thị trường có tiềm năng lớn về tiêu dùng bán lẻ của khu vực châu Á khi tốc độ đô thị hóa nhanh, người dân có thu nhập ngày càng tăng và ưa chuộng các dịch vụ hiện đại tiện ích. Báo cáo mới đây của Vietnam Report cho thấy, tốc độ tăng trưởng thị trường bán lẻ của Việt Nam luôn duy trì ở mức cao, khoảng 10%/năm, giá trị thị trường bán lẻ đạt khoảng 120 tỷ USD vào năm 2017 và ước đạt khoảng 160 tỷ USD vào năm 2020.

Tiềm năng này đang trở thành đòn bẩy thúc đẩy TMĐT trong ngành bán lẻ Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Theo Bộ Công Thương, doanh thu TMĐT tiếp tục tăng trưởng ổn định 20%/năm và dự kiến đến năm 2020, doanh số bán hàng TMĐT có thể đạt 10 tỷ USD, chiếm khoảng 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Google và Temasek mới đây cũng dự báo, thị trường TMĐT Việt Nam sẽ bùng nổ vào năm 2025 với doanh thu ở mức 7,5 tỷ USD. Đây là con số rất hấp dẫn để các doanh nghiệp (DN) bán lẻ thúc đẩy kênh bán hàng online, đón đầu sự phát triển của thị trường.VECOM đưa dự báo, năm 2020 thị trường thương mại điện tử sẽ đạt quy mô 13 tỷ USD với điều kiện giữ được tốc độ tăng trưởng ở mức 30% suốt năm 2019 và 2020, cao hơn mục tiêu 10 tỷ USD mà Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020 đặt kỳ vọng. Theo VECOM, tốc độ tăng trưởng TMĐT những năm gần đây tăng rất nhanh, đến thời điểm này (tháng 3/2019), đã gần đạt con số dự báo.

Cơ hội cho ngành bán lẻ trực tuyến Việt Nam

Với những dự báo về tiềm năng và sự hấp dẫn của thị trường TMĐT Việt Nam, cơ hội đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tham gia bán lẻ trực tuyến là rất lớn, cụ thể:

Phát triển bán lẻ trực tuyến cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa - Ảnh 1

Một là, tiềm năng thị trường bán lẻ trực tuyến rất lớn. Việt Nam hiện đang có khoảng 23 triệu người thường xuyên mua sắm trực tuyến, chi tiêu của nhóm này đang chiếm 1/3 chi tiêu TMĐT của người tiêu dùng. Tại các đô thị lớn, tỷ lệ người dân có sử dụng điện thoại lên đến 95%, trong đó 78% sử dụng smartphone, 30% dân số có xu hướng mua sắm trực tuyến, đạt mốc 350 USD/người/năm… Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng thích mua sắm trực tuyến vì độ tiện dụng. Đây chính là cơ hội hấp dẫn đối với các DN, đặc biệt là DNNVV lựa chọn phương thức bán hàng trực tuyến, đưa phương thức này trở thành một xu hướng trong thời đại 4.0.

Hai là, điều kiện cho kênh bán lẻ trực tuyến phát triển ngày càng được quan tâm. TMĐT cần môi trường và hệ sinh thái thuận lợi để phát triển, bao gồm hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin tiên tiến, người tiêu dùng tin tưởng vào giao dịch mua bán trực tuyến, dịch vụ logistics và hoàn tất đơn hàng tiên tiến… Hiện nay, Chính phủ tạo mọi điều kiện thuận lợi để TMĐT phát triển. Một số vấn đề khác như chi phí logistics trong TMĐT tương đối cao, nhưng đang được cải thiện. Các đơn vị làm logistics hiện đang có những thay đổi lớn về mặt công nghệ để giảm giá thành.

Ba là, giảm chi phí cho DNNVV. Việc tiếp tục duy trì và mở thêm đại lý bán hàng truyền thống sẽ chỉ làm tăng chi phí vận hành cho DN. Trong khi đó, TMĐT có những lợi thế đặc biệt giành cho DNNVV, với chi phí thấp. Ví dụ, DN sử dụng TMĐT để kinh doanh có thể sử dụng bán hàng đa kênh, thuê các dịch vụ để quản lý hàng tồn kho, quản lý đơn hàng. Trước đây, nếu DN muốn sử dụng dịch vụ vận chuyển thường dùng các dịch vụ thủ công. Hiện nay, các mô hình bán hàng đa kênh như vậy cho phép kết nối các đơn vị vận chuyển, DN có thể sử dụng trọn gói quy trình xử lý đơn hàng của mình trên hệ thống và có thể giảm một nửa nhân sự.

Phát triển bán lẻ trực tuyến cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa - Ảnh 2

Với DNNVV, do ít vốn, ít nhân lực, thậm chí là chưa có kinh nghiệm, cần sử dụng các loại công nghệ được thiết kế dành riêng cho những DN quy mô nhỏ để giảm chi phí, rút ngắn khả năng ứng dụng công nghệ, cũng như tăng khả năng cạnh tranh. Theo VECOM, DNNVV sẽ có chi phí giảm và khách hàng tăng lên. Khi đó, DN có cơ hội tăng tăng lượng khách hàng và tăng doanh thu của chính mình.

Thách thức cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa

Bên cạnh những cơ hội, các DNNVV tham gia hoạt động bán lẻ trực tuyến cũng sẽ đối mặt với không ít thách thức, rào cản:

- Mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt: Trong vài năm trở lại đây, với sự lên ngôi của TMĐT, thị trường bán lẻ tiêu dùng đã chứng kiến cuộc đua giữa các DN trong việc đầu tư vào công nghệ và phát triển kênh bán hàng online. Đặc biệt, sự xuất hiện của các thương hiệu bán lẻ quốc tế khiến mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt. Trong thời gian tới, cùng với sự gia tăng về quy mô, độ phức tạp của thị trường và chất lượng của các nhà cung cấp trên thị trường bán lẻ Việt Nam cũng sẽ tăng lên dưới sức ép của sự cạnh tranh gay gắt và sự hội nhập quốc tế ngày càng cao, đặc biệt sau khi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA.

- Thương mại điện tử không phải cuộc chơi ngắn hạn: Theo các chuyên gia kinh tế, TMĐT nói chung và bán lẻ trực tuyến nói riêng không thể kỳ vọng có lợi nhuận trong một vài tháng. DN phải xác định đó là cuộc chơi dài hạn, ít nhất phải hai đến ba năm. Nói cách khác, cơ hội thành công chỉ đến khi DN đã xác định đây là cuộc chơi dài hạn để nghiêm túc đầu tư, ứng dụng công nghệ và hướng tới người tiêu dùng. Do vậy, khi chuyển sang kinh doanh trực tuyến thì các DN sẽ phải đầu tư thêm cho chi phí thiết kế, vận hành, duy trì website và các kênh bán hàng online.

Phát triển bán lẻ trực tuyến cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa - Ảnh 3

- Thách thức về năng lực quản trị của các DNNVV: Hiện nay, nhiều DN bán lẻ đang tích hợp và ứng dụng mô hình kinh doanh đa kênh - Omni Channel, đòi hỏi DN phải có sự quản lý tốt hơn từ nhân sự đến hàng hóa. Tuy nhiên, năng lực quản trị của DNNVV Việt Nam hiện vẫn luôn là thách thức, đòi hỏi cần có sự cải thiện trong bối cảnh số hóa khi yếu tố công nghệ đang dẫn dắt và tạo ra hiệu quả kinh tế trong hầu hết các mô hình kinh doanh, đối với hầu hết mô hình DN.

- Hiệu quả trong các quyết định đầu tư để hướng đến bán lẻ trực tuyến trong bối cảnh tiềm lực tài chính yếu: Dù hiện nay, các DN đã tập trung nhiều hơn cho việc đầu tư cho phần mềm (chiếm 29% và tăng 4% so với năm trước). Tuy nhiên, đa số DN vẫn tập trung vào việc đầu tư hạ tầng phần cứng nhiều hơn so với các hạng mục khác. Năm 2018, mức độ đầu tư vào hạ tầng phần cứng vẫn chiếm tới 39% tổng chi phí mua sắm đầu tư của DN. Trong thời gian tới, các DNNVV với tiềm lực tài chính hạn hẹp, cần cân nhắc tỷ trọng đầu tư, phù hợp với xu thế phát triển cũng như mục tiêu kinh doanh của mình.

- Nguồn nhân lực phục vụ cho bán lẻ trực tuyến thiếu và yếu: Do TMĐT̉ nói chung và bán lẻ trực tuyến nói riêng là một lĩnh vực khá mới mẻ, chỉ phát triển mạnh vài năm gần đây nên, nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Thực tế cho thấy, nhân sự làm trong lĩnh vực này vẫn thiếu từ các kỹ năng phục vụ giao dịch TMĐT (như: tạo sản phẩm, cập nhật thông tin sản phẩm, quảng bá sản phẩm, xử lý đơn hàng online…) cho đến các kỹ năng sử dụng công cụ trên các sàn TMĐT (trong nước và quốc tế) để giới thiệu và bán sản phẩm.

Giải pháp phát triển bán lẻ trực tuyến

Để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức hiện tại, trong thời gian tới, các DNNVV cần chú trọng một số vấn đề sau:

Một là, lựa chọn các mô hình bán lẻ trực tuyến phù hợp theo nguồn lực và khả năng của mình. Tới đây, cần xây dựng và lựa chọn các kênh bán lẻ trực tuyến như: Bán hàng trên website, bán hàng qua trang mạng xã hội... Ngoài ra, DN cũng có thể lựa chọn kênh bán hàng qua hệ thống sàn TMĐT cũng như lựa chọn mô hình trên các sàn TMĐT (như: Fullfill – gửi hàng trong kho của sàn thương mại điện tử, Dropshing – tự giao nhận với khách…).

Hai là, sử dụng các ứng dụng bán hàng đa kênh từ các DN công nghệ thông để hỗ trợ việc quản lý đơn hàng và quản lý kho. Thực tế cho thấy, cơ hội TMĐT trong ngành bán lẻ rất lớn, các DNNVV nếu nắm bắt được sẽ cố cơ hội để tăng trưởng ở phân khúc của mình. Trong đó, quan trọng nhất là phải tận dụng công nghệ, bởi đối với TMĐT, nếu không tận dụng được sức mạnh công nghệ thì chi phí vận hành, quản lý rất cao và nhân tố tiện lợi không được đảm bảo, trong khi đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy người tiêu dùng mua trực tuyến.

Ba là, nâng cao kỹ năng quản trị của chủ DNNVV. Đây là yếu tố quan trọng, quyết định sự phát triển bền vững của hoạt động TMĐT nói chung và bán lẻ trực tuyến đối với các DN. Các chủ DN có thể tham gia các lớp học đào tạo về các quản trị như: kỹ năng điều hành, kỹ năng quản trị tài chính, kỹ năng định hướng, lập kế hoạch...

Bốn là, đào tạo các kỹ năng về TMĐT cho đội ngũ tham gia bán lẻ trực tuyến nhằm hướng đến sự phát triển bền vững, dài hơi. Hoạt động thương mại điện tử nói chung và bán lẻ trực tuyến nói riêng đòi hỏi rất nhiều kỹ năng: kỹ năng bán hàng, kỹ năng viết quảng cáo, kỹ năng quản trị, kỹ năng ngoại ngữ, nắm bắt công nghệ… Do vậy, các DNNVV cần nhận thức và quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực, trước mắt cần đào tạo những kỹ năng cơ bản nhất để có thể phục vụ tốt mục tiêu kinh doanh…

Tài liệu tham khảo:

1. Thủ tướng Chính phủ (2016), Quyết định số 1563/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020;

2. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (2019), Báo cáo chỉ số thương mại điện tử năm 2019;

3. Nguyễn Minh (2018), Bán lẻ online: Xu hướng thời công nghệ, Thời báo Ngân hàng;

4. Một số website: moi.gov.vn, vecom.vn, tapchitaichinh.vn...