Phát triển đội ngũ doanh nhân trẻ ở Việt Nam

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 8/2019

Cùng với công cuộc đổi mới đất nước, Luật Doanh nghiệp đi vào cuộc sống và mở đường cho hàng nghìn doanh nghiệp ra đời phát triển. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam nói chung và đội ngũ doanh nhân trẻ nói riêng hiện diện trong mọi lĩnh vực đời sống, đóng góp quan trọng vào sự lớn mạnh của cho nền kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, tham gia vào sân chơi hội nhập cả trên sân nhà và quốc tế, đội ngũ doanh nhân trẻ Việt Nam hiện nay “đông nhưng chưa mạnh”, chưa thể hiện sức mạnh tổng hợp khi tham gia thị trường nước ngoài. Vấn đề đặt ra là phải tạo ra được thế hệ doanh nhân trẻ hội nhập, có khát vọng chinh phục và năng lực cạnh tranh tốt trong môi trường kinh doanh hội nhập toàn cầu.

Đội ngũ doanh nhân Việt Nam nói chung và đội ngũ doanh nhân trẻ nói riêng hiện diện trong mọi lĩnh vực đời sống, đóng góp quan trọng vào sự lớn mạnh của cho nền kinh tế của đất nước. Nguồn: internet
Đội ngũ doanh nhân Việt Nam nói chung và đội ngũ doanh nhân trẻ nói riêng hiện diện trong mọi lĩnh vực đời sống, đóng góp quan trọng vào sự lớn mạnh của cho nền kinh tế của đất nước. Nguồn: internet

Doanh nhân trẻ và làn sóng khởi nghiệp ở Việt Nam

30 năm đổi mới của đất nước cũng là khoảng thời gian chứng kiến sự ra đời và trưởng thành của một lớp doanh nhân trẻ, có thể gọi là thế hệ “Doanh nhân đổi mới”. Cùng với công cuộc đổi mới đất nước, Luật Doanh nghiệp (DN) đi vào cuộc sống đã mở đường cho hàng trăm nghìn DN ra đời. Điều đáng chú ý là đội ngũ doanh nhân trẻ Việt Nam ngày càng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt, từng bước nâng cao uy tín, khẳng định vị trí, vai trò của mình trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Bên cạnh sự phát triển nhanh về số lượng, chất lượng doanh nhân cũng ngày càng được nâng lên. Những năm gần đây, số lượng doanh nhân có trình độ đại học, sau đại học và được đào tạo sâu về chuyên môn, nghiệp vụ có xu hướng tăng lên. Độ tuổi trung bình của doanh nhân từ 30-50 tuổi, số doanh nhân trẻ tuổi (dưới 30 tuổi) đang phát triển nhanh. Nhiều doanh nhân trẻ của nước ta đã thể hiện rõ phẩm chất, bản lĩnh của doanh nhân Việt Nam hiện đại. Đó là sự sáng tạo, có tầm nhìn xa, dám chấp nhận mạo hiểm, rủi ro, vươn lên cạnh tranh trên thị trường quốc tế, có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, có tinh thần dân tộc và ý chí kinh doanh. Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, doanh nhân trẻ Việt Nam tích cực tham gia các chương trình hoạt động xã hội như đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, đóng góp các quỹ nhân đạo, từ thiện… góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. 

Việt Nam hiện có khoảng 10 nghìn doanh nhân trẻ, đang đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước, tạo việc làm, đưa sản phẩm của Việt Nam ra thế giới. Tính đến năm 2018, cả nước có khoảng 2,5 triệu doanh nhân, trực tiếp tổ chức quản lý, điều hành gần khoảng 700 nghìn DN, 15 nghìn hợp tác xã, gần 4 triệu hộ kinh tế gia đình.

Trong một bài viết mới đây, tờ Inquirer của Philippines đánh giá Việt Nam là một trong những trung tâm khởi nghiệp năng động nhất thế giới. Đội ngũ các doanh nhân trẻ và có trình độ được kỳ vọng sẽ cải thiện vị trí của đất nước trên bản đồ khởi nghiệp toàn cầu. Tờ Inquirer cho biết, theo một số nguồn tin của giới công nghệ trong khu vực, với 3.000 DN khởi nghiệp đang hoạt động, Việt Nam có hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ 3 ở châu Á. "Bước tiến này là nhờ những doanh nhân trẻ am hiểu công nghệ và được đào tạo bài bản”, tờ Inquirer nhấn mạnh. Theo đó, khoảng 70% trong số hơn 90 triệu dân Việt Nam có độ tuổi dưới 35. Mỗi năm có hàng nghìn nhà sáng tạo trẻ mới, trong đó có cả những tài năng Việt Nam ở nước ngoài, tham gia cộng đồng khởi nghiệp trong nước.

Phát triển đội ngũ doanh nhân trẻ ở Việt Nam - Ảnh 1

Năm 2016 là năm Chính phủ Việt Nam lựa chọn làm năm “quốc gia khởi nghiệp” với mục tiêu tạo ra làn sóng đầu tư thứ 2 dưới đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Tác động tích cực từ cơ chế, chính sách đã thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ, tạo sức lan tỏa toàn xã hội và thôi thúc hàng nghìn bạn trẻ khởi nghiệp, hình thành lớp doanh nhân trẻ Việt Nam hăng hái và đầy nhiệt huyết. Một nghiên cứu vừa được công bố tại Diễn đàn Khởi nghiệp trẻ năm 2017 cho biết, Việt Nam đang đứng đầu thế giới về Chỉ số tinh thần khởi nghiệp. Khảo sát về tinh thần khởi nghiệp tại 45 quốc gia với 50.861 người từ 14 tuổi trở lên vừa được công bố bởi sự phối hợp thực hiện của Tập đoàn Amway, Đại học Technische Universitat Munchen và công ty nghiên cứu thị trường GFK cũng ghi nhận rằng, Việt Nam đứng trong top đầu thế giới về Chỉ số tinh thần khởi nghiệp và đứng thứ hai về thái độ tích cực đối với khởi nghiệp.

Bên cạnh những thành công đạt được, đội ngũ doanh nhân trẻ Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế như: thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu sự liên kết chặt chẽ, chưa thực sự có chiến lược kinh doanh bài bản, lâu dài. Một bộ phận doanh nhân trẻ chưa được đào tạo bài bản, chưa có bề dày kinh nghiệm thương trường. Không ít doanh nhân thiếu kiến thức về pháp luật, nhất là pháp luật kinh doanh quốc tế, thiếu năng lực quản trị DN, dẫn đến bị động trong cạnh tranh và hội nhập...

Phát triển đội ngũ doanh nhân trẻ Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2020 - 2030, Việt Nam cần đẩy nhanh nhịp độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay và tương lai, lực lượng đầu tàu thực hiện công việc trọng đại này là hệ thống DN, trong đó đứng đầu là các doanh nhân.

Thực tiễn cho thấy, bên cạnh các cơ hội lớn mà quá trình đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế (như Cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và các hiệp định thương mại tự do) mang lại, cộng đồng DN Việt Nam sẽ phải đối diện với khá nhiều khó khăn thách thức. Sự bình đẳng về mọi mặt, sự minh bạch trong thực hiện các cam kết hội nhập tạo ra những áp lực cạnh tranh rất lớn lên DN, doanh nhân và các cơ chế hỗ trợ phát triển DN. Các DN Việt Nam sẽ phải cạnh tranh trong chính nội khối và với các DN đa quốc gia đang hướng nguồn lực vào những nền kinh tế mới nổi đầy tiềm năng như Việt Nam. Thị trường lao động đòi hỏi các tiêu chuẩn cao về cập nhật kiến thức, phát triển kỹ năng cá nhân, đổi mới tư duy, tinh thần tích cực, thái độ hành xử chuyên nghiệp và đặc biệt là khả năng học hỏi trong thế giới phẳng mà ngoại ngữ là công cụ tối cần thiết.

Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng như hiện nay, yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh là một bài toán không chỉ giải bằng các giải pháp mang tính cải tiến mà phải mang tính đổi mới với hàm lượng sáng tạo cao. Doanh nhân Việt Nam nói chung, đặc biệt là đội doanh nhân trẻ còn rất nhiều việc khó phải làm để có thể cạnh tranh lành mạnh khi hội nhập. Chính vì thế, phát triển đội ngũ doanh nhân nói chung và doanh nhân trẻ nói riêng để có thể đảm đương trọng trách, sứ mệnh của mình trong quá trình phát triển của đất nước là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng hiện nay.

Để xây dựng đội ngũ doanh nhân trẻ đáp ứng yêu cầu hiện nay, cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, khuyến khích tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp kinh doanh trong xã hội, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của xã hội. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi để doanh nhân phát huy tài năng kinh doanh. Xác định đúng quyền lợi, nghĩa vụ của doanh nhân, DN đối với phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội.

Thứ hai, tăng cường tuyên truyền, tìm hiểu về luật pháp, thị hiếu và những quy định của thị trường. Để hội nhập một cách chủ động, tận dụng được cơ hội, hạn chế những khó khăn, doanh nhân Việt Nam nói chung và doanh nhân trẻ nói riêng phải xác định rõ tư duy hội nhập. Doanh nghiệp, doanh nhân cần tìm hiểu các vấn đề về phát triển và hội nhập, thường xuyên trau dồi kiến thức, phải trang bị cho mình kiến thức cơ bản về thương mại quốc tế, nắm bắt thông tin (tự học, sử dụng chuyên gia, tư vấn ngoài doanh nghiệp). Để hình thành tư duy hội nhập thì cùng với sự hỗ trợ, định hướng thông tin từ phía cơ quan quản lý nhà nước, hơn bao giờ hết, chính doanh nghiệp, doanh nhân phải chủ động. Để đặt chân vào thị trường mới, phải nhận biết và chấp nhận “luật chơi”. Muốn biết được “luật chơi” thì các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm hiểu về luật pháp, thị hiếu và những quy định của thị trường. Các doanh nhân phải học hỏi, hiểu các quy định của các cam kết thế giới và khu vực, các hệ thống luật phức tạp ở các nước. Doanh nhân cần từ bỏ tư duy ỷ lại vào bảo hộ và bao cấp, ưu đãi của Nhà nước, dựa dẫm vào quan hệ thân quen và phải chấp nhận cạnh tranh và quy luật đào thải của thị trường.

Thứ ba, từ khi hình thành ý tưởng khởi nghiệp đến khi thành lập một dự án cần chuẩn bị kế hoạch bài bản gồm: cơ sở, tiền đề để khởi nghiệp, chọn ngành nghề kinh doanh phù hợp, bộ máy điều hành đảm bảo tinh gọn, hiệu quả. Tuy nhiên, để DN khởi nghiệp đạt kết quả tốt, cần sự hỗ trợ của Nhà nước về vốn, thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của các tổ chức đại diện cho cộng đồng DN và đội ngũ doanh nhân. Thông qua các hiệp hội doanh nhân, DN trong và ngoài nước kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức kinh tế, kinh doanh, quản trị DN; Thúc đẩy sự hợp tác, liên kết giữa các DN; Nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN và hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Thứ tư, có các chính sách nhất quán và đồng bộ từ Chính phủ và các cấp chính quyền, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp. Hiện nay, các chính sách, mô hình hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn còn thiếu và yếu.

Thống kê những năm gần đây cho thấy, bình quân mỗi năm có khoảng 80.000 công ty mới thành lập nhưng cùng với đó mỗi năm cũng có khoảng 50.000 công ty ngừng hoạt động. Điều này chứng tỏ, tinh thần khởi nghiệp của giới trẻ Việt Nam có tiềm năng phát triển, thị trường khởi nghiệp Việt Nam đang có sức sống nhưng vẫn còn thiếu cơ chế, chính sách và sự đầu tư đúng mức, hỗ trợ cần thiết từ Nhà nước và xã hội nên những DN mới hoạt động, những người khởi nghiệp không trụ lại được với tỷ lệ khá lớn.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, nhất là thanh niên về khởi nghiệp, lập thân lập nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương; Tiến hành rà soát, đánh giá, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN, nhất là DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo; Sớm nghiên cứu việc thành lập, tổ chức và vận hành các mô hình vườn ươm DN, trung tâm hỗ trợ DN, chương trình tăng tốc đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp DN.

Thứ sáu, công khai, minh bạch các định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách hỗ trợ để bảo đảm quyền lợi đầu tư và giảm thiểu rủi ro kinh doanh cho doanh nhân, DN; Cần kiên quyết cải cách thể chế theo hướng giảm mạnh thủ tục hành chính, triệt bỏ tệ nạn sách nhiễu DN từ các cơ quan công quyền, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho quá trình khởi nghiệp, quá trình sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN được thông suốt và hiệu quả.

Thứ bảy, tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với phát huy vai trò của doanh nhân trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội; Đẩy mạnh thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước đối với doanh nhân và các loại hình DN gắn với chủ trương, chính sách phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội bền vững; Nâng cao giác ngộ chính trị cho doanh nhân, người sử dụng lao động, bảo đảm DN hoạt động theo đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước.            

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;

2. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;

3. VCCI, Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2016, NXB Thông tin và truyền thông, Hà Nội, 2017;

4. Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương: Vai trò của doanh nhân trong phát triển kinh tế, 2011, tr.33;

5. Vũ Tiến Lộc, Doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, http://bizlive.vn;

6. Đinh Việt Hòa, Tinh thần khởi nghiệp kinh doanh, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014;

7. Hoàng Văn Hoa, Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.246-255.