Phát triển kinh tế tư nhân: Nếu lạc nhịp sẽ không thể thành công

Theo Linh Ly/thoibaonganhang.vn

Dù với rất nhiều rào cản nhưng doanh nghiệp tư nhân vẫn phát triển, điều này cho thấy tiềm năng của dân tộc còn rất lớn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đông nhưng không mạnh

Ngày 13/10 - ngày tôn vinh doanh nghiệp , doanh nhân Việt Nam sắp tới, những vấn đề về giới doanh nhân, doanh nghiệp và khu vực kinh tế tư nhân lại một lần nữa được nhắc đến.

Không thể phủ nhận, những giải pháp quyết liệt từ Chính phủ như Nghị quyết số 98 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 10 của Ban chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân, hay các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35... đã thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ.

GS. TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khẳng định, kinh tế tư nhân với số lượng ngày càng nhiều, quy mô ngày càng lớn và đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với gia tăng tốc độ tăng trưởng theo hướng bền vững.

Quả vậy, kinh tế tư nhân đang trên đà tăng trưởng, số doanh nghiệp mới thành lập năm sau nhiều hơn năm trước, số vốn của người dân đưa vào kinh doanh hàng triệu tỷ đồng mỗi năm. Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2018 có 87.448 doanh nghiệp được thành lập với tổng số vốn đăng ký và tăng thêm là 2,56 triệu tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp khởi nghiệp đang là trào lưu sôi động thu hút hàng vạn lớp người trẻ tuổi có ý chí, có hoài bão, có sức sáng tạo dám nghĩ, dám làm; mặc dù tỷ lệ thất bại không nhỏ, nhưng số người trẻ thành đạt ngày càng nhiều, báo hiệu xu thế mới của kinh tế tư nhân nước ta.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy mô ngày càng lớn hơn, kinh doanh đa dạng hơn, đa số coi trọng kinh doanh gắn với sáng tạo, năng động đang và sẽ là bộ phận đông đảo và quan trong nhất của đội ngũ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lớn, bao gồm hàng nghìn tập đoàn kinh tế đã khẳng định vị thế trên thương trường, một số đã được xếp hạng cao trong khu vực và trên thế giới, là lực lượng tiên phong trong kinh doanh thời đại CMCN 4.0.

Thế nhưng kinh tế tư nhân của nước ta còn nhiều hạn chế; năng lực cạnh tranh tuy đã được nâng cao, nhưng vẫn chưa sánh kịp một số nước trong khu vực; đặc biệt nhiều doanh nghiệp vẫn còn mơ hồ về cuộc CMCN 4.0.

“Thế giới đang biến đổi rất nhanh trong xu thế cuộc CMCN 4.0, doanh nghiệp phải nắm bắt được cơ hội. Tiềm năng lớn của kinh tế tư nhân cần được khai thác có hiệu quả bằng hệ sinh thái thuận lợi với hành lang pháp lý thông thoáng, lúc này “nếu “lạc nhịp” sẽ không thể thành công được”, GS. Nguyễn Mại nhấn mạnh. 

Doanh nghiệp, doanh nhân Việt vẫn bất an, bất định

Nhưng TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) lại chưa thỏa mãn với những báo cáo và số liệu thống kê về khu vực kinh tế tư nhân. Đó là đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của khu vực kinh tế tư nhân mới chỉ là 9%, có nghĩa chỉ tăng được có 1 điểm % so với thời điểm năm 2000, như thế doanh nghiệp là doanh nghiệp lớn rất chậm.

Dù doanh nghiệp tư nhân đã có những bước chuyển mạnh trong những năm gần đây nhưng vẫn rất nhỏ so với thị trường. “Tính từ năm 1991 khu Luật doanh nghiệp tư nhân ra đời đánh dấu mốc lịch sử cho sự phát triển kinh tế tư nhân, thì đến nay cả Việt Nam mới có 4 tỷ phú. Các tỷ phú này cũng còn rất nhỏ so với thế giới, chưa có “ông” nào ngấp nghé top đầu thế giới. Vậy vì sao doanh nghiệp Việt Nam không lớn được?”, Viện trưởng Cung phát biểu.

Cũng có chung một băn khoăn như vậy, TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng CIEM dẫn chứng, 9 tháng đầu năm có 93.000 doanh nghiệp thành lập, nhưng lại có 74.000 doanh nghiệp đóng cửa. “Việc gia nhập thị trường tốt hơn rất nhiều nhưng lý do gì khiến doanh nghiệp đóng cửa?”, ông Thành lo lắng.

Doanh nghiệp rời khỏi thị trường nhiều, phần lớn doanh nghiệp không lớn nổi, ngược lại có những doanh nghiệp rất có khả năng “lớn”, nhưng lại “không muốn lớn” bởi họ luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro, luôn thấy bất định, luôn thấy không an toàn, không an tâm.

“Mặc dù ta có tự do kinh doanh ở mức độ nào đó nhưng lại không bảo đảm được sự an toàn. Đáng lẽ chỉ phải đối diện với rủi ro thương trường thì doanh nghiệp, doanh nhân Việt phải đối diện với môi trường kinh doanh đầy rủi ro về thể chế, rủi ro pháp lý”,  Viện trưởng Cung nhấn mạnh và lý giải: Không an toàn, không an tâm cũng bởi hệ thống pháp luật của Việt Nam là một hệ thống 8 không.

Đó là không cụ thể, không rõ ràng, không minh bạch, không hiệu quả, không hiệu lực và áp dụng tùy tiện. Đã vậy doanh nghiệp càng chính thức thì càng gặp nhiều cuộc kiểm tra thanh tra…

Với những rủi ro này doanh nghiệp dễ rơi vào cảnh “sáng đúng chiều sai” và doanh nhân không tính toán được chiến lược lâu dài. Một môi trường như thế khiến nhiều doanh nghiệp không muốn phát triển. Trong đó có những trường hợp vô cùng đáng tiếc như TS. Mai Huy Tân – một doanh nhân đầy tâm huyết và Công ty thực phẩm Đức Việt.

Khẳng định Chính phủ nhiệm kỳ này đã làm được nhiều việc, đã đẩy mạnh cải cách tháo bỏ rào cản cho doanh nghiệp và môi trường kinh doanh đã cởi mở hơn rất nhiều, nhưng theo Viện trưởng Cung – đấy mới chỉ là cách làm ở phần ngọn. Để doanh nhân, doanh nghiệp Việt yên tâm phát triển, quyết tâm lớn lên thì phải giải quyết từ gốc, và để cải cách từ gốc thì đây vẫn là một cuộc thảo luận gay gắt về tư duy.

Cũng cùng góc nhìn thẳng và mạnh mẽ, PGS.TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói rằng phải thay đổi mạnh từ tư duy, từ quan điểm đâu là trụ cột đâu là lực lượng chủ đạo của nền kinh tế.

“Kinh tế tư nhân Việt Nam nhờ sức sống mạnh nên vẫn phát triển được nhưng rất vất vả. Dù bây giờ, thực lực của kinh tế tư nhân đã lớn hơn, nhưng nếu trong 30 năm qua chúng ta quan tâm hơn nữa về chính sách, có môi trường kinh doanh cởi mở, không phân biệt đối xử thì kinh tế tư nhân đã tốt hơn”, ông cho biết.