Phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trong tình hình mới

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 9/2020

Trong những năm qua, việc đào tạo, bồi dưỡng nhân lực có kỹ năng nghề đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tuy nhiên, quy mô, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới. Để khắc phục những hạn chế này cần có các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Thực trạng phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trong tình hình mới

Thiếu hụt kỹ năng nghề trên thị trường lao động

Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2020, lao động trong một số nghề giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019 như: Lao động giản đơn giảm gần 1,5 triệu người (tương ứng giảm gần 8%); nhóm thợ thủ công và các thợ có liên quan giảm 515 nghìn người (tương ứng giảm 6,6%); lao động trong nhóm nghề chuyên môn kỹ thuật bậc trung giảm hơn 322 nghìn người (tương ứng giảm 16,5%).

So sánh giữa các nhóm nghề, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi thuộc nhóm nghề “bậc thấp” trong 6 tháng đầu năm 2020 là cao nhất với 4,73%, cao gấp 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2019; tiếp theo là nhóm nghề “bậc trung” với tỷ lệ 2,59%, cao gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Sự thiếu hụt các kỹ năng đang là một trong những trở ngại chính đối với khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Nghiên cứu về nhu cầu kỹ năng lao động của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, doanh nghiệp (DN) chú trọng tới các kỹ năng khác nhau khi tuyển dụng lao động vào vị trí nghề nghiệp khác nhau và coi đó là một trong những yêu cầu tuyển dụng quan trọng. Đối với vị trí tuyển dụng là nghề nghiệp kỹ năng cao (gồm cán bộ kỹ thuật và chuyên gia), DN coi trọng các kỹ thuật cụ thể liên quan đến công việc.

Đối với vị trí tuyển dụng là cán bộ quản lý, DN đề cao kỹ năng lãnh đạo. Đối với nhóm nghề nghiệp gồm nhân viên văn phòng, lao động trong lĩnh vực dịch vụ và nhân viên bán hàng, DN nhấn mạnh tới kỹ năng giao tiếp. Đối với nhóm nghề nghiệp gồm lao động được đào tạo về nông, lâm ngư nghiệp, thợ thủ công, lao động lắp đặt, vận hành máy móc và nhà xưởng, lao động nghề sơ cấp, DN coi trọng kỹ năng làm việc nhóm.

Phân tích về sự thiếu hụt về kỹ năng nghề của nhân lực làm việc tại các DN Việt Nam, Nguyễn Quốc Việt và Nguyễn Minh Thảo (2012) cho rằng, bằng cấp thể hiện trình độ chuyên môn của người lao động dường như không hoàn toàn quyết định hiệu quả tìm việc, vì hiện nay, nhiều DN ít chú ý tới bằng cấp và đang ngày càng chú trọng hơn vào các kỹ năng “mềm” khi tuyển dụng lao động. Bằng cấp chỉ là điều kiện cần thiết để ứng viên được phỏng vấn.

Nhóm kỹ năng mà người lao động thường không đáp ứng, bao gồm: Ngoại ngữ, khả năng sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề. Nhiều DN cũng phản ánh rằng, các kỹ năng mà lao động đã được đào tạo bị “lệch” so với các kỹ năng mà DN cần.

Những hạn chế trong dạy nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Thiếu hụt kỹ năng là một trong những điểm yếu của lao động khi Việt Nam tham gia quá trình hội nhập. Do đó, vấn đề đặt ra đối với học sinh, sinh viên hiện nay là làm thế nào để lọt vào "tầm ngắm" của các DN tuyển dụng theo nghề đã được đào tạo và làm việc có hiệu quả, có khả năng phát triển nghề nghiệp. Để đáp ứng được các điều kiện này, người học phải được trang bị và nâng cao các kỹ năng “cứng” và kỹ năng “mềm”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, kỹ năng nghề, đặc biệt là kỹ năng “mềm” chưa thật sự được ngành Giáo dục quan tâm, đặc biệt trong giáo dục phổ thông. Người lao động chủ yếu có được các kỹ năng “mềm” thông qua tích lũy kinh nghiệm trong cuộc sống.

Trong thời gian qua, hệ thống giáo dục của nước ta thiên nhiều về giáo dục lý thuyết và thiếu giáo dục thực hành. Số lượng các trường kỹ thuật, dạy nghề còn rất nhỏ so với yêu cầu của nền kinh tế. Thị trường lao động còn thiếu lao động có kỹ thuật, tay nghề cao.

Trong các trường nghề, học viên chủ yếu được trang bị kiến thức nặng về lý thuyết ít được thực hành, do đó khi làm việc thực tế tại DN người lao động gặp không ít khó khăn do thiếu hụt kỹ năng thực hành và kỹ năng “mềm”. Thực tế này dẫn đến tình trạng người học khi tốt nghiệp ra trường mặc dù tích lũy được nhiều kiến thức nhưng lại không có khả năng làm việc thực hành cụ thể…

Giải pháp đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trong tình hình mới

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, thời gian tới, cần triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, trong đó tập trung thực hiện các nội dung sau:

Thứ nhất, sớm vận dụng đưa Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới vào thực tiễn.

Thứ hai, chú trọng nội dung phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trong các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển ngành, địa phương; ưu tiên phân bổ ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp trong tổng chi ngân sách nhà nước dành cho giáo dục, đào tạo và trong các chương trình, dự án của ngành, địa phương…

Thứ ba, tổ chức thi kỹ năng nghề cho người lao động, đánh giá và công nhận kỹ năng nghề, phát triển năng lực nghề nghiệp cho người lao động; thông tin, báo cáo chính xác, kịp thời về nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động theo ngành nghề và nhu cầu tuyển dụng lao động của DN; chỉ sử dụng lao động đã qua đào tạo nghề nghiệp hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia ở một số ngành nghề theo quy định.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới phương pháp đào tạo theo hướng lồng ghép nội dụng đào tạo kỹ năng “mềm” vào chương trình giảng dạy, trong đó bao gồm cả chương trình giảng dạy ở bậc phổ thông. Đồng thời, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần chú trọng trang bị cho học viên các loại kỹ năng khác nhau và những kỹ năng cần có để thành công.

Thứ năm, để hoạt động dạy nghề tại các cơ sở giáo dục đạt hiệu quả cao, các trường nghề cần nâng cao nhận thức về vai trò, mục tiêu của dạy và học nghề cho các học viên để tạo chuyển biến trong nhận thức về tầm quan trọng của việc đào tạo tại trường là yếu tố quyết định đến thành công sau này khi ra trường.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Thủ tướng Chính phủ (2020), Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới;

2. Tổng cục Thống kê (2020), Báo cáo tình hình lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2020;

3. Nguyễn Quốc Việt, Nguyễn Minh Thảo (2012), Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua phát triển kỹ năng lao động và vai trò của giáo dục phổ thông, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội;

4. Mạnh Hùng (2020), Đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, http://dangcongsan.vn/xa-hoi/day-manh-phat-trien-nhan-luc-co-ky-nangnghe-555987.html.