Phát triển thương mại điện tử bền vững ở Việt Nam

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 10/2020

Trong thời gian qua, Việt Nam đã thể hiện quyết tâm cao đối với quá trình chuyển đổi số quốc gia và chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự phát triển của thương mại điện tử vẫn chưa đồng đều tại các địa phương, tăng trưởng "nóng" chủ yếu ở một số thành phố lớn. Thực tế này đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhằm phát triển thương mại điện tử bền vững ở Việt Nam.

Đặt vấn đề

Thương mại điện tử (TMĐT) là một trong những kết cấu hạ tầng quan trọng của lĩnh vực thương mại và của xã hội thông tin; là phương thức giúp doanh nghiệp (DN) Việt Nam đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất nhập khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), năm 2020 có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển TMĐT Việt Nam. Với người tiêu dùng, đây là năm cuối cùng của một thập kỷ mà mua sắm qua mạng đã trở nên phổ biến và mỗi dịp cuối năm hàng triệu người tiêu dùng háo hức đón nhận những chương trình khuyến mại trực tuyến. Với DN, đây là dấu mốc chuyển đổi từ nhận thức sang hành động, không phải TMĐT có lợi ích gì mà là làm sao triển khai nó một cách hiệu quả. Với các cơ quan và tổ chức, năm 2020 là điểm giữa của giai đoạn 10 năm được dự đoán là giai đoạn vàng của TMĐT Việt Nam (Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam năm 2020, VECOM).

Trong bối cảnh đó, ngày 15/5/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 645/QĐ-TTg về phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025. Theo đó, mục tiêu đề ra đến năm 2025, về tương quan phát triển TMĐT giữa các vùng kinh tế, các địa phương ngoài Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chiếm 50% giá trị giao dịch TMĐT B2C (giao dịch giữa doanh nghiệp, công ty với khách hàng) của toàn quốc; 50% số xã và các đơn vị hành chính tương đương trên cả nước có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa, hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến... Mục tiêu này cho thấy, định hướng về phát triển TMĐT bền vững ở Việt Nam là thúc đẩy hoạt động này lan tỏa ra khắp cả nước, không chỉ riêng các thành phố lớn như hiện nay.

Xu thế tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam

Theo Báo cáo TMĐT các nước Đông Nam Á năm 2019 của Google, Temasek và Bain & Company, với quy mô ban đầu là 3 tỷ USD vào năm 2015 nhưng với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm tới 38%, quy mô TMĐT bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam năm 2019 đã đạt 12 tỷ USD. Báo cáo này dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình cho cả giai đoạn 2015-2025 là 29%. Khi đó, quy mô TMĐT của Việt Nam sẽ vươn tới ngưỡng 43 tỷ USD và đứng ở vị trí thứ ba trong khối ASEAN.

Phát triển thương mại điện tử bền vững ở Việt Nam - Ảnh 1

Tuy nhiên, chỉ số TMĐT những năm qua cho thấy, phần lớn hoạt động TMĐT diễn ra ở hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hoạt động kinh doanh trực tuyến tại 3 thành phố trực thuộc trung ương là Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ, còn yếu và có nguy cơ ngày càng tụt lại so với 2 thành phố dẫn đầu.

Theo đó, năm 2019, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chiếm 18% dân số nhưng chiếm trên 70% giao dịch TMĐT của cả nước. Điều này có nghĩa là 61 địa phương còn lại chiếm 82% dân số, nhưng chỉ đóng góp chưa tới 30% quy mô TMĐT. Đáng chú ý, tỷ trọng 70% này ổn định trong cả giai đoạn 2016-2019 và chưa có dấu hiệu thay đổi trong những năm tới. Khảo sát năm 2019 của VECOM cho thấy, có 23% DN ở Hà Nội, 23% DN ở TP. Hồ Chí Minh tham gia các sàn TMĐT, trong khi đó chỉ có 15% DN ở các tỉnh khác hiện diện trên sàn. Quy mô TMĐT ở các địa phương, đặc biệt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa rất nhỏ. Trong khi đó, khoảng 70% dân số Việt Nam sống ở nông thôn.

Không chỉ khác biệt lớn về tỷ lệ DN tham gia sàn mà hiệu quả kinh doanh trên sàn của các DN ở 2 thành phố lớn nhất cả nước cũng cao hơn nhiều so với các địa phương. Số liệu này không gây ngạc nhiên vì các DN ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vừa năng động, vừa chiếm trên một nửa tổng số DN của cả nước.

Định hướng giải pháp phát triển thương mại điện tử giai đoạn tới

Theo VECOM, để TMĐT phát triển nhanh, bền vững nhất thiết phải thu hẹp khoảng cách số giữa Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với các địa phương khác. Đã tới lúc các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như các tổ chức xã hội nghề nghiệp cần có các chính sách và giải pháp đồng bộ để biến các cơ hội của TMĐT thành hiện thực tại mọi địa phương, DN và người dân.

Quyết định số 645/QĐ-TTg về phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu đến năm 2025, về tương quan phát triển TMĐT giữa các vùng kinh tế, các địa phương ngoài Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chiếm 50% giá trị giao dịch TMĐT B2C của toàn quốc; 50% số xã và các đơn vị hành chính tương đương trên cả nước có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến...

Thực tế thời gian qua cho thấy, sự phát triển của TMĐT vẫn chưa đồng đều tại các địa phương, trong khi tăng trưởng nóng chủ yếu ở một số thành phố lớn, từ đó đặt ra đòi hỏi về việc phát triển TMĐT bền vững ở Việt Nam. Để thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ phát triển TMĐT nói riêng và thúc đẩy phát triển TMĐT bền vững ở Việt Nam nói chung, trong thời gian tới, cần chú trọng một số giải pháp sau:

Về phía cơ quan quản lý

- Rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành mới các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động ứng dụng TMĐT và các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ số. Trong đó, chú trọng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về quản lý hoạt động kinh doanh TMĐT, bổ sung các quy định về quản lý hoạt động TMĐT xuyên biên giới nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong TMĐT; Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm trong TMĐT.

Theo Báo cáo thương mại điện tử các nước Đông Nam Á năm 2019 của Google, Temasek và Bain & Company, với quy mô ban đầu là 3 tỷ USD vào năm 2015 nhưng với tốc độ tăng trưởng trung
bình hàng năm tới 38%, quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam năm 2019 đã đạt 12 tỷ USD. Báo cáo này dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình cho cả giai đoạn 2015-2025 là 29%.

- Quản lý, thiết lập hạ tầng và tạo môi trường cho lĩnh vực TMĐT phát triển, các chính sách quản lý được xây dựng trên cơ sở thực tiễn, nhằm tạo thuận lợi cho DN, đồng thời, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi ứng dụng TMĐT. Trong đó, sớm hoàn thiện chính sách thuế đối với lĩnh vực TMĐT, qua đó vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, vừa đảm bảo ngăn ngừa, phòng chống được các hệ quả tiêu cực của TMĐT.

- Chú trọng phát triển các hạ tầng kỹ thuật cho TMĐT, xây dựng giải pháp ứng dụng phù hợp cho DN và tổ chức một số hoạt động kích cầu TMĐT cho người tiêu dùng nhằm tăng doanh thu TMĐT của Việt Nam, giúp DN bắt kịp với xu hướng công nghệ số toàn cầu.

Về phía các địa phương

- Tuyên truyền, đào tạo kỹ năng TMĐT cho người dân và DN nhằm nâng cao trình độ tham gia và khai thác các ứng dụng TMĐT của DN, tăng cường khả năng nhận biết và ứng phó của người tiêu dùng với những hành vi tiêu cực trong TMĐT.

- Đẩy mạnh ứng dụng TMĐT hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển TMĐT tại các địa phương. Trong đó, chọn lựa một số địa phương đại diện cho mỗi vùng kinh tế trọng điểm và triển khai các đề án hỗ trợ phát triển TMĐT theo ngành hàng, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa ra các địa phương trên toàn quốc...

Về phía doanh nghiệp

- Chú trọng đầu tư nâng cấp công nghệ, hạ tầng phần mềm lẫn phần cứng.

- Cần trang bị những kỹ năng về TMĐT, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để có thể thành công. DN cần biết người tiêu dùng có sẵn sàng mua sắm nhiều hay chưa để có chiến lược đầu tư cho phù hợp.

- Đầu tư về mặt cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo thông tin khách hàng và an toàn giao dịch. Hiện nay, bảo mật thông tin cá nhân và an ninh mạng luôn là những vấn đề đặt ra không chỉ đối với các DN TMĐT của Việt Nam mà cả quốc tế.

- Chú trọng đầu tư nguồn nhân lực phục vụ phát triển TMĐT và sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối tác trong nước và nước ngoài.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 về phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025;

2. Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (2020), Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2020;

3. Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (2019), Chương trình “Phát triển thương mại điện tử bền vững giai đoạn 2019-2025”;

4. Nguyễn Việt Liên Hương, Chử Thị Kim Ngân (2019), Phát triển thương mại điện tử Việt Nam: Tiềm năng và kiến nghị, Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2019.