Phụ thuộc nguyên liệu nhập đến bao giờ?

Theo Thế Vinh/thoibaokinhdoanh.vn

Nhiều ngành hàng có thế mạnh xuất khẩu đến nay vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu khi nguồn nguyên liệu trong nước bị bế tắc hoặc không thể đáp ứng cả về sản lượng lẫn chất lượng.

Bế tắc nguồn nguyên liệu trong nước được thể hiện rõ ở ngành dệt may. Nguồn: Internet
Bế tắc nguồn nguyên liệu trong nước được thể hiện rõ ở ngành dệt may. Nguồn: Internet

Trong hơn hai năm nay, ngay từ khi bắt đầu chế biến dòng sản phẩm sữa đậu nành, CTCP Nutifood đã phải tính đến việc nhập khẩu (NK) đậu nành của Canada, dù Việt Nam không khan hiếm nguồn nguyên liệu này.

Ông Trương Hùng, Phó Chủ tịch HĐQT Nutifood, cho biết hiện có sự chênh lệch mức giá giữa nguyên liệu đậu nành trong nước với đậu nành NK. Tuy nhiên, công ty vẫn phải NK vì sản lượng và chất lượng nguyên liệu trong nước không thể đáp ứng được yêu cầu.

Vẫn bế tắc

"Ngành trồng trọt trong nước không đáp ứng được đầy đủ, nên các doanh nghiệp (DN) chế biến vẫn phải dự trữ thêm nguồn nguyên liệu NK", ông Hùng chia sẻ.

Đặc biệt, chất lượng đậu nành trong nước có sự chênh lệch đáng kể với đậu nành nhập từ Canada khi chế biến ra sản phẩm sữa. Nguồn nguyên liệu nhập được sơ chế rất kỹ nên DN sẽ bớt được đáng kể công đoạn xử lý so với nguyên liệu trong nước.

Không chỉ với đậu nành, vấn đề nguồn nguyên liệu nông lâm thuỷ sản nói chung đến nay vẫn là bài toán nan giải, dù Việt Nam là quốc gia nông nghiệp nhưng lại không đáp ứng được về mặt sản lượng và chất lượng cho các DN chế biến.

Đơn cử như nguyên liệu thuỷ sản, trong tháng 3/2019, Việt Nam đã phải chi 140 triệu USD để NK, tăng đến 30,3% so với tháng trước.

Chia sẻ về việc "ăn đong" nguyên liệu, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc CTCP Sài Gòn Food, cho biết các nhà sản xuất rất cần nguồn nguyên liệu trong nước vừa ổn định vừa có chất lượng. Tuy nhiên, dường như yêu cầu này chưa thể đáp ứng được, trong khi đầu vào của nguyên liệu quyết định gần như 80% chất lượng của đầu ra, nên DN buộc phải NK nguyên liệu.

Bế tắc về nguồn nguyên liệu trong nước cũng thể hiện rõ ở ngành dệt may dù năm ngoái ngành này có kim ngạch xuất khẩu đến 36 tỷ USD.

Tại buổi họp báo ở TP. Hồ Chí Minh mới đây, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), có than phiền là ngành dệt may Việt hiện vẫn phải NK hầu hết nguồn nguyên liệu, từ bông, vải cho đến một số phụ liệu chuyên biệt phục vụ sản xuất.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy kim ngạch NK nguyên phụ liệu dệt may và giày dép trong quý I/2019 đạt 1,4 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính chung nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu NK trong quý này, kim ngạch lên tới 27,5 tỷ USD, tăng 6,9% và chiếm 47,5% tổng kim ngạch NK.

Trên thực tế, ngành dệt may Việt vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu NK, trong đó hơn 40% từ Trung Quốc. Hạn chế này khiến lợi nhuận của DN rất thấp, do đa phần là làm gia công cho các công ty nước ngoài.

Thách thức cạnh tranh

Giới phân tích đánh giá, nhiều năm qua, năng lực cung ứng của ngành sợi tăng mạnh nhờ cú hích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, nhưng chi NK sợi để đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng dệt may tiêu dùng nội địa và xuất khẩu vẫn lên tới vài tỷ USD mỗi năm.

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), việc giải quyết nguồn nguyên liệu là bài toán không hề đơn giản với ngành dệt may Việt Nam. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được xem là một trong những yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu.

Tuy nhiên, đây là ngành sản xuất tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nếu sử dụng công nghệ lạc hậu, nên các cơ quan quản lý sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích về nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và tác động tới môi trường trước khi cấp phép đầu tư.

Với năng lực, trình độ may hiện nay, các tiêu chuẩn kỹ thuật không phải là vấn đề lớn của DN dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, yêu cầu xuất xứ từ sợi trở đi, nghĩa là từ công đoạn kéo sợi, dệt nhuộm vải đều phải thực hiện trong khu vực CPTPP là thách thức không nhỏ vì Việt Nam hiện đang phải NK hơn 60% nguyên phụ liệu ngoài khu vực CPTPP.

Cục Công nghiệp cho rằng với ngành dệt may, lợi thế nổi bật mà Việt Nam có được từ CPTPP là mức thuế quan được cắt giảm sâu và nhanh, từ đó gia tăng năng lực cạnh tranh về giá. Tuy nhiên, việc khai thác ưu đãi thuế là không dễ, bởi muốn được ưu đãi phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như nguyên tắc xuất xứ rất khắt khe.

Chuyên gia Phạm Thanh Nga, thành viên Hội luật quốc tế Việt Nam (VSIL), cho biết một điểm quan trọng để hưởng thuế suất 0% trong CPTPP là DN phải đảm bảo quy tắc xuất xứ, đảm bảo được mặt hàng đó đạt bao nhiêu phần trăm sản xuất trong khối.

Trong khi đó, rất nhiều ngành hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, da giày lại phần lớn NK nguyên vật liệu từ các quốc gia khác (đặc biệt là từ Trung Quốc, châu Âu như Ý, Áo…).

Vì vậy, sẽ rất khó để các DN Việt Nam tận dụng được lợi thế giảm thuế xuất khẩu từ Hiệp định CPTPP. Cùng với đó, nhiều nước thành viên của CPTPP có trình độ phát triển cao, nên có nhiều sản phẩm chất lượng tốt và giá cả thấp hơn so với hàng hóa của Việt Nam. Vì vậy, đây sẽ là một thách thức rất lớn đối với sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.