Phương pháp xác định chi phí sản xuất trong doanh nghiệp sản xuất cơ khí hiện nay

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 5/2019

Trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, việc xây dựng giá bán hợp lý, linh hoạt là một trong những công việc quan trọng mà nhà quản trị doanh nghiệp cần quan tâm đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, việc lựa chọn phương pháp xác định chi phí sản xuất sản phẩm phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Việc lựa chọn phương pháp xác định chi phí sản xuất sản phẩm phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Nguồn: internet
Việc lựa chọn phương pháp xác định chi phí sản xuất sản phẩm phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Nguồn: internet

 Nghiên cứu này phân tích làm rõ các phương pháp xác định chi phí trong doanh nghiệp sản xuất cơ khí hiện nay, qua đó giúp các kế toán doanh nghiệp có thể tham khảo, ứng dụng chúng để hạch toán chính xác chi phí sản xuất trong doanh nghiệp mình…

Đặt vấn đề

Ngày 17/10/2003, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 25-KL/TW về Chiến lược phát triển ngành Công nghiệp cơ khí Việt Nam với những quan điểm, đường lối cụ thể: “Cơ khí là một ngành công nghiệp nền tảng, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội” và “phải xây dựng ngành Cơ khí để đủ sức cạnh tranh vươn lên trong cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế”. Từ định hướng này, doanh nghiệp (DN) sản xuất cơ khí được coi là có đóng góp lớn cho sự phát triển của kinh tế - xã hội của đất nước.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là xu thế công nghệ tất yếu mà Việt Nam phải hướng đến để theo kịp các nước phát triển trên thế giới với các công nghệ thông minh như: Trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, tự động hóa, công nghệ in 3D và người máy. Cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho ngành Cơ khí để tiếp cận dễ dàng với thông tin, tri thức, công nghệ tiên tiến, tạo ra được lực lượng lao động có trình độ cao, giúp tăng năng suất, tăng giá cả cạnh tranh trên thị trường.

Tuy nhiên, cuộc cách mạng này cũng tạo ra không ít thách thức cho các DN sản xuất cơ khí trên thị trường hiện nay. Mặt khác, các DN sản xuất cơ khí hiện nay áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất sản phẩm cơ khí vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, tính cạnh tranh của sản phẩm cơ khí không cao và chưa đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn công nghệ mới. Những thách thức này khiến, ngành Cơ khí đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là việc kiểm soát chi phí chưa tốt, thiếu vốn đầu tư công nghệ mới, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.

Để DN sản xuất cơ khí tăng khả năng cạnh tranh đòi hỏi đặt ra là DN cần phải kiểm soát tốt chi phí, phải tính đúng, tính đủ chi phí giá thành. Từ đó, có biện pháp xác định giá thành linh hoạt để đưa ra giá bán hợp lý trong điều kiện cạnh tranh. Đây là một nhiệm vụ hết sức cấp bách đối với các DN sản xuất cơ khí hiện nay. Trước thực trạng này, để xác định chi phí sản xuất kinh doanh sản phẩm cơ khí, các DN sản xuất cơ khí thường áp dụng theo phương pháp truyền thống và phương pháp hiện đại.

Các phương pháp xác định chi phí sản xuất trong doanh nghiệp cơ khí

Phương pháp xác định chi phí sản xuất sản phẩm theo phương pháp truyền thống

Phương pháp xác định chi phí sản xuất sản phẩm theo phương pháp truyền thống gồm các phương pháp sau:

- Phương pháp xác định chi phí sản xuất sản phẩm theo công việc: Phương pháp này thường áp dụng cho DN sản xuất cơ khí có quy trình khép kín theo đơn đặt hàng của từng khách hàng.

Tập hợp chi phí theo phương pháp xác định chi phí sản xuất sản phẩm theo công việc được tập hợp bởi chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sản xuất chung, trong đó:

+ Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp: Căn cứ vào phiếu xuất kho hoặc các chứng từ mua trực tiếp của người bán khi vật liệu sử dụng trực tiếp không qua nhập kho; Chi phí nhân công trực tiếp: Căn cứ vào bảng chấm công của công nhân hoặc phiếu giao nhận sản phẩm, hợp đồng giao khoán công việc.

+ Chi phí sản xuất chung: Chi phí sản xuất chung phát sinh liên quan đến phân xưởng từ lúc sản xuất đến khi phân xưởng kết thúc quá trình sản xuất. Chi phí sản xuất chung là chi phí hỗn hợp. Chi phí sản xuất chung cần tiến hành phân bổ theo tiêu thức hợp lý để tính giá thành sản phẩm. Phân bổ chi phí sản xuất chung được xác định:

Mức phân bổ ước tính cho từng công việc

=

Hệ số phân bổ chi phí sản xuất chung

x

Mức độ hoạt động ước tính chung của từng công việc

 

Hệ số phân bổ chi phí sản xuất chung

=

Tổng chi phí sản xuất chung ước tính

Tổng mức hoạt động chung ước tính

 

Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sản xuất chung được tập hợp vào phiếu chi phí công việc hoặc đơn đặt hàng. Đây là cơ sở để DN tính tổng giá thành và các dịch vụ hoàn thành trong kỳ.

- Phương pháp xác định chi phí sản xuất sản phẩm theo quá trình sản xuất: Phương pháp này thường được vận dụng trong các DN sản xuất cơ khí theo quy trình công nghệ sản xuất liên tục qua nhiều bước chế biến. Quá trình sản xuất cơ khí tại các DN thường được tổ chức theo hai quy trình công nghệ: Sản xuất liên tục và Sản xuất song song.

Tập hợp chi phí theo phương pháp xác định chi phí sản xuất sản phẩm cơ khí là theo quá trình sản xuất theo từng phân xưởng. Đối tượng tính giá thành là thành phẩm cuối cùng hoặc nửa thành phẩm ở từng công đoạn.

Phương pháp xác định chi phí sản xuất sản phẩm theo phương pháp hiện đại

Phương pháp xác định chi phí sản xuất sản phẩm theo phương pháp hiện đại gồm các phương pháp sau:

- Phương pháp xác định chi phí sản xuất sản phẩm dựa trên hoạt động (Activity-Based Costing - ABC): Phương pháp ABC sắp xếp các hoạt động liên quan đến sản xuất sản phẩm một cách khoa học và chặt chẽ. Phương pháp này giúp nhà quản trị DN nhận biết được chính xác hoạt động phát sinh chi phí, trong đó hoạt động nào làm phát sinh chi phí nhưng không tạo ra giá trị, hoạt động nào làm phát sinh chi phí tạo ra giá trị, từ đó là cơ sở cung cấp thông tin hữu hiệu cho nhà quản trị DN.

Phương pháp ABC: Thường tập hợp toàn bộ chi phí gián tiếp trong quá trình sản xuất vào từng hoạt động. Sau đó, tiến hành phân bổ các chi phí theo hoạt động vào từng sản phẩm, dịch vụ theo các tiêu thức thích hợp. Khoản chi phí gián tiếp này được phân bổ vào giá thành sản xuất cùng với chi phí nguyên vật liệu trực tiếp và chi phí nhân công trực tiếp. Các bước thực hiện của mô hình ABC:

Bước 1: Nhận diện các chi phí trực tiếp.

Chi phí trực tiếp trong các đơn vị sản xuất thường bao gồm chi phí vật liệu, chi phí nhân công của công nhân trực tiếp được tập hợp thẳng vào đối tượng chịu chi phí đề tính giá thành sản xuất sản phẩm.

Bước 2: Nhận diện các hoạt động.

Tập hợp chi phí theo các nguồn gốc phát sinh. Sau đó, lựa chọn tiêu thức khoa học phân bổ chi phí vào các đối tượng tính giá thành.

Bước 3: Chọn tiêu thức phân bổ chi phí của các hoạt động.

Sau khi các chi phí gián tiếp được tập hợp cho từng hoạt động, sẽ tiến hành phân bổ cho các đối tượng tính giá theo các tiêu thức khoa học. Các tiêu thức phân bổ cần xác định điều tra thực tế các khoản chi phí của từng hoạt động, để đảm bảo tiêu thức phân bổ mang đại diện, phù hợp với các nguyên tắc và chuẩn mực kế toán Việt Nam và dễ tính toán.

Bước 4: Tính toán mức phân bổ.

Dựa trên chi phí của từng nhóm hoạt động, kế toán quản trị chọn các tiêu thức khoa học phân bổ cho từng sản phẩm, dịch vụ. Nếu hoạt động chỉ liên quan đến một loại sản phẩm thì kế toán kết chuyển toàn bộ chi phí đó cho đối tượng tính giá thành. Nếu hoạt động liên quan tới 2 loại sản phẩm trở lên thì phải tính toán hệ số phân bổ, sau đó xác định mức phân bổ chi phí của từng hoạt động cho từng loại sản phẩm cụ thể.

Trong từng loại hoạt động cần xác định tiêu chuẩn đo lường sự thay đổi của mức sử dụng chi phí. Các tiêu chuẩn này được xem là tiêu chuẩn phân bổ chi phí cho mỗi loại sản phẩm, dịch vụ hay các đối tượng chịu chi phí. Các tiêu chuẩn thường sử dụng để phân bổ là: Số giờ lao động trực tiếp của công nhân, tiền lương công nhân trực tiếp sản xuất, số đơn vị vận chuyển...

Các hoạt động có cùng tiêu chuẩn phân bổ phải được tập hợp tiếp tục vào một trung tâm phân nhóm. Tuỳ theo tính chất kỹ thuật của sản phẩm, dịch vụ hay đối tượng chịu chi phí để tiếp tục phân thành các nhóm nhỏ để tính giá thành.

- Phương pháp chi phí mục tiêu: Giúp nhà quản trị DN sản xuất cơ khí dự đoán được mục tiêu lợi nhuận đã xác định trong suốt chu kỳ sống của sản phẩm. Phương pháp chi phí mục tiêu nhấn mạnh mục tiêu cần phải đạt được và thời gian phân tích là chu kỳ sống của sản phẩm. Trong đó, chu kỳ sống của sản phẩm được thể hiện qua các hoạt động nghiên cứu, triển khai sản phẩm mới; hoạt động sản xuất sản phẩm đại trà; hoạt động hậu cần phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Chu kỳ sống thường được chia thành ba giai đoạn. Cụ thể:

- Giai đoạn nghiên cứu phát triển: Trong giai đoạn này, chi phí phát sinh nhiều nhất là chi phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, thiết kế, phát triển sản phẩm, tiếp đó đến chi phí sản xuất thử nghiệm và chi phí marketing.

- Giai đoạn sản xuất: Giai đoạn này chủ yếu là chi phí sản xuất sản phẩm, do giai đoạn này sản phẩm cơ khí đã được ổn định. Và một số chi phí liên quan đến tiêu thụ, tiếp thị sản phẩm cơ khí.

- Giai đoạn suy thoái: Giai đoạn này nhà quản trị có phương án cắt giảm chi phí hợp lý, bởi đây là giai đoạn chuẩn bị đóng lại chu kỳ sống của một sản phẩm.

Chi phí mục tiêu được tiến hành song song với các bước của quy trình chế tạo sản phẩm cơ khí. Ở giai đoạn nghiên cứu thị trường, nhà quản trị xác định giá bán dự kiến của sản phẩm. Từ đó, nhà quản trị xác định được lợi nhuận mục tiêu trên cơ sở giá bán dự kiến và xác định giá trần có thể chấp nhận được.

Giai đoạn tiếp theo, nhà quản trị ước tính chi phí sản xuất theo các điều kiện cụ thể của DN. Sau khi xác lập được chi phí mục tiêu, các định mức chi phí được xây dựng để kiểm soát chi phí. Phương pháp xác định chi phí mục tiêu bao gồm các giai đoạn sau:

- Giai đoạn 1: Xác định chi phí mục tiêu theo các bộ phận sản phẩm sản xuất. Cơ sở để xác định chi phí cho các bộ phận này phải dựa trên mức độ quan trọng khác nhau về vai trò của các bộ phận đối với sản phẩm. Từ đó, xác định tỷ lệ chi phí của từng bộ phận trong tổng chi phí cấu thành sản phẩm.

- Giai đoạn 2: Tổ chức thực hiện các mục tiêu chi phí đã xác định. Quá trình thực hiện chi phí sản xuất cần phải phát hiện những thành phần của sản phẩm có chi phí quá cao so với tầm quan trọng đã xác định ở giai đoạn trước. Từ đó, điều chỉnh, quản lý chặt chẽ để hạ thấp chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, giai đoạn này cũng cần phát hiện các sản phẩm có chi phí quá thấp so với tầm quan trọng của nó.

- Giai đoạn 3: Đánh giá kết quả, nếu chi phí sản xuất đã đạt đến chi phí trần, cần phải dừng lại các hoạt động ở giai đoạn 2 vì sản phẩm sản xuất không mang lại lợi nhuận. Nếu chi phí sản xuất chưa đạt đến chi phí trần nhưng đạt đến chi phí mục tiêu: Cần xem xét lại giai đoạn 1 và 2, phải xem xét giai đoạn thiết kế đã hợp lý chưa hoặc xem lại các bước trong giai đoạn sản xuất để giảm chi phí sản xuất.

Kết luận

Phương pháp xác định chi phí sản xuất chính xác, phù hợp trong điều kiện cạnh tranh như hiện nay sẽ giúp các nhà quản trị DN sản xuất cơ khí kiểm soát tốt chi phí, có giải pháp cải tiến sản phẩm. Đồng thời, áp dụng phương pháp xác định chi phí sản xuất hợp lý là cơ sở để nhà quản trị DN xây dựng một chính sách giá bán hợp lý, có tính cạnh tranh, linh hoạt để nâng cao vị thế của DN sản xuất cơ khí trên thị trường, đặc biệt trong điều kiện toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.    

*Bài báo là sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu mô hình kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp sản xuất cơ khí tỉnh Thái Nguyên".              

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Thị Loan, Trần Quốc Thịnh (2017), Kế toán quản trị, NXB Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;
  2. Nguyễn Ngọc Quang (2013), Giáo trình Kế toán quản trị, NXB Đại học Kinh tế quốc dân;
  3. Nguyễn Đào Tùng (2012), Tổ chức kế toán quản trị chi phí và giá thành sản phẩm trong DN thuộc ngành dầu khí Việt Nam, Luận án Tiến sỹ, Học viện Tài chính;
  4. Drury (2001), Management Accounting For Business Decisions, Thomson Learning, United Kingdom.