PMI tháng 7 của Việt Nam giảm còn 47,6 điểm


Báo cáo vừa công bố của Công ty IHS Markit, đơn vị thu thập kết quả khảo sát Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng Purchasing Managers' Index (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất Việt Nam của Nikkei đã cho thấy, chỉ số PMI tháng 7 của Việt Nam đạt 47,6 điểm, giảm 3,5 điểm so với tháng 6.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Như vậy, sau đà tăng lần thứ 2 trong năm vào tháng 6 (PMI tháng 6 của Việt Nam đã tăng 8,4 điểm so với tháng 5 và đạt 51,1 điểm), chỉ số PMI của Việt Nam trong tháng 7 cả về sản lượng, đơn hàng mới trong hoạt động sản xuất hàng hóa trung gian và đầu tư cơ bản đều quay đầu giảm, ngoài trừ hoạt động sản xuất hàng tiêu dùng tăng.

Theo phân tích của IHS Markit, nguyên nhân chính được cho là do việc hạn chế đi lại và cầu xuất khẩu suy yếu từ việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội bởi dịch Covid-19, kéo theo số lượng việc làm cũng giảm mạnh và người lao động đã quyết định nghỉ việc để tìm kiếm những công việc khác. 

Đồng thời, các nhà sản xuất cũng phải quyết định cắt giảm việc mua hàng hóa, nguyên liệu sản xuất đầu vào và hàng tồn kho. Ngoài ra, việc áp dụng các biện pháp phòng dịch khiến cho việc giao nhận hàng hóa từ Trung Quốc hoặc vận tải bằng đường biển khó khăn khiến cho thời gian giao hàng của nhà cung cấp bị đình trệ, kéo dài làm tăng chi phí sản xuất đầu vào.

Về giá thành phẩm ghi nhận trong trong nước tháng 7/2020 cũng giảm lần thứ 6 liên tiếp với mức giảm mạnh hơn cả tháng 6.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất cho rằng, dù không mong muốn nhưng vẫn phải hạ giá vì áp lực cạnh tranh, đây vẫn là mức giảm nhẹ hơn rất nhiều so với những lần giảm trước đây khi thực hiện giãn cách xã hội.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất vẫn có cái nhìn lạc quan về triển vọng sản xuất trong 12 tháng tới khi đưa ra kỳ vọng về số lượng đơn hàng mới và sản lượng sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng.

Ở chiều tăng điểm, đã ghi nhận số lượng đơn đặt hàng mới lần đầu tiên tăng kể từ đầu năm đến nay và tăng mạnh và nhanh nhất trong vòng một năm trở lại đây. Trong đó, hàng hóa tiêu dùng và trung gian đều ghi nhận tăng mạnh hơn cả. Theo đó, niềm tin vào triển vọng kinh doanh vì thế cũng tốt hơn khi số lượng đơn hàng và sản lượng đã tăng trở lại.