Quy định pháp luật về mua bán và sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 8/2020

Mua bán và sáp nhập (M&A) là một phần không thể thiếu trong bức tranh kinh doanh toàn cầu, là yếu tố quan trọng của nền kinh tế các quốc gia.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Dưới góc độ pháp lý, M&A là một hoạt động đầu tư phức tạp, liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau như pháp luật chứng khoán, pháp luật doanh nghiệp, pháp luật cạnh tranh… Chỉ rõ các quy định pháp lý áp dụng cho hoạt động M&A ở Việt Nam và các cam kết quốc tế liên quan tới M&A, bài viết này mang lại cho các nhà quản lý, nhà đầu tư và doanh nghiệp góc nhìn tổng quát hơn về hoạt động này, qua đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường M&A tại Việt Nam.

Quy định pháp lý áp dụng cho hoạt động M&A ở Việt Nam

Pháp luật trong hoạt động M&A được hiểu là sự tổng hợp các quy phạm pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau, điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình các bên tiến hành hoạt động M&A. Theo đó, pháp luật về M&A doanh nghiệp (DN) được quy định cụ thể tại một số văn bản quy phạm pháp luật sau:

M&A theo quy định của Luật Doanh nghiệp

 Luật DN được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 (khoá XIII) ngày 26/11/2014 và có hiệu lực từ ngày 01/07/2015. Luật DN đưa ra khái niệm và trình tự thủ tục sáp nhập, hợp nhất, DN. Luật DN năm 2015 cũng xem xét M&A DN như hình thức tổ chức lại DN xuất phát từ nhu cầu tự thân của DN. Mặc dù, chưa định nghĩa rõ ràng về M&A DN, song Luật DN đã quy định cụ thể về việc M&A đối với từng loại hình DN, cụ thể như:

- Chương 2, Điều 18 (Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý DN) chỉ rõ, các tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty hợp danh, trừ trường hợp sau: Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào DN để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình; Các đối tượng không được góp vốn vào DN theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

- Chương 3, đối với công ty TNHH, Điều 52 (Mua lại phần vốn góp) và Điều 53 (Chuyển nhượng phần vốn góp) đã quy định cụ thể về một số vấn đề liên quan đến chuyển nhượng phần vốn góp của các thành viên công ty TNHH.

- Chương 5, đối với công ty cổ phần, Điều 125 (Bán cổ phần) và Điều 126 (Chuyển nhượng cổ phần) đã chỉ rõ HĐQT quyết định thời điểm, phương thức, giá bán cổ phần. Giá bán cổ phần không được thấp hơn giá thị trường tại thời điểm chào bán, hoặc giá trị được ghi trong sổ sách của cổ phần tại thời điểm gần nhất, trừ những trường hợp đặc biệt. Điều 126 (Chuyển nhượng cổ phần) cũng chỉ rõ, cổ phần của DN cổ phần được tự do chuyển nhượng. Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng hợp đồng theo cách thông thường hoặc thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán (TTCK)…

- Chương 9 cũng quy định cụ thể về một số vấn đề như: chia DN (Điều 192), tách DN (Điều 193), hợp nhất (Điều 194), thủ tục, hồ sơ, trình tự đăng ký DN nhận sáp nhập (Điều 195).

M&A doanh nghiệp theo quy định của Luật Đầu tư

 Luật Đầu tư được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (khoá XIII) ngày 26/11/2014, có hiệu lực từ ngày 01/07/2015. Luật Đầu tư năm 2015 thừa nhận 2 hình thức M&A, là sáp nhập và mua lại DN. Hoạt động M&A DN được coi là một trong những hình thức đầu tư trực tiếp. Việc mua lại DN có thể được thực hiện dưới hình thức mua lại một phần hoặc toàn bộ DN hoặc chi nhánh. Theo đó, nhà đầu tư có quyền góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế (Điều 24); Nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế (Điều 25 và Điều 26).

M&A doanh nghiệp theo quy định của Luật Cạnh tranh

Luật Cạnh tranh được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (khoá XIV) ngày 12/06/2018, có hiệu lực từ ngày 01/7/2019 quy định các hình thức tập trung kinh tế bao gồm: Sáp nhập DN; Hợp nhất DN; Mua lại DN; Liên doanh giữa các DN; Các hình thức tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật. Trong đó, sáp nhập DN là việc một hoặc một số DN chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một DN khác, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của DN bị sáp nhập. Hợp nhất DN là việc hai hoặc nhiều DN chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một DN mới; đồng thời, chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của các DN bị hợp nhất.

Mua lại DN là việc một DN trực tiếp hoặc gián tiếp mua toàn bộ hoặc một phần vốn góp, tài sản của DN khác đủ để kiểm soát, chi phối DN hoặc một ngành, nghề của DN bị mua lại. Liên doanh giữa các DN là việc hai hoặc nhiều DN cùng nhau góp một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một DN mới. Điển hình như: Điều 30 đề cập cụ thể các hình thức tập trung kinh tế bị cấm khi DN thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam.

Theo quy định của Luật Cạnh tranh, việc sáp nhập DN, hợp nhất DN và mua lại DN là hành vi tập trung kinh tế, do đó, việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại DN bị cấm trong trường hợp việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại DN tạo ra thị phần kết hợp của các DN tham gia tập trung kinh tế, gây tác động hoặc khả năng tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam.

M&A doanh nghiệp theo quy định của Luật Chứng khoán

Luật Chứng khoán được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 (khoá XIV) ngày 26/11/2019, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 thay thế cho Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 và Luật Chứng khoán số 62/2010/QH12 sửa đổi đã quy định cụ thể về việc chia, tách, sáp nhập, hợp nhất công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ phải được chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trước khi thực hiện.

M&A doanh nghiệp theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng

 Việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập của tổ chức tín dụng (TCTD) phải được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và thực hiện theo Luật số 17/2017/QH14 ngày 20/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD và có hiệu lực từ ngày 15/01/2018.

Cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến M&A doanh nghiệp

Đến nay, Việt Nam đã ký kết và tham gia nhiều hiệp định về đầu tư hoặc liên quan đến đầu tư như: Các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư ký kết với trên 50 nước; các hiệp định/chương đầu tư trong khuôn khổ FTA; các cam kết khác liên quan đến đầu tư như: Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các hiệp định về dịch vụ trong WTO và các FTA, hiệp định thành lập tổ chức bảo đảm đầu tư đa phương, Công ước New York 1958 về công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài... 

Nhìn chung, các hiệp định, cam kết của Việt Nam liên quan đến hoạt động M&A thể hiện dưới hình thức tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các DN Việt Nam, hoặc được thể hiện dưới dạng cam kết cho phép các nhà đầu tư nước ngoài hiện diện thương mại, thâm nhập trong các ngành, lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam.

Cam kết trong GATS/WTO

Việt Nam đã gia nhập WTO với cam kết mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài theo lộ trình. Kể từ năm 2009, nhiều lĩnh vực dịch vụ đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài được tham gia cung cấp như kiến trúc, nghiên cứu thị trường, giáo dục, phân phối hàng hóa và quảng cáo. Sự mở rộng này là cơ hội cho hoạt động đầu tư thông qua hình thức M&A. Một số hạn chế về tỷ lệ sở hữu cổ phần không có thời hạn dỡ bỏ như:

- Dịch vụ liên quan đến lâm nghiệp, săn bắn và nông nghiệp: Chỉ cho phép thành lập liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh. Phần vốn góp của phía nước ngoài không vượt quá 51% vốn pháp định của liên doanh.

- Dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng: Phần vốn góp của phía nước ngoài trong liên doanh không vượt quá 65% vốn pháp định của liên doanh.

Cam kết trong khu vực ASEAN

Các cam kết quốc tế của Việt Nam trong khu vực ASEAN về M&A chủ yếu được thể hiện ở Hiệp định khung về khu vực đầu tư ASEAN. Một trong những mục tiêu của Hiệp định là xây dựng một Khu vực Đầu tư ASEAN có môi trường đầu tư thông thoáng và rõ ràng hơn giữa các quốc gia thành viên ASEAN. Theo đó, các quốc gia thành viên cam kết thực hiện các biện pháp thích hợp để bảo đảm tính rõ ràng và nhất quán trong việc áp dụng và giải thích các luật, quy định và thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư của nước mình, nhằm tạo ra và duy trì một chế độ đầu tư có thể dự đoán trước trong ASEAN.

Các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư

Các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký kết (với 54/55 quốc gia) có nội dung tương đối thống nhất theo mô hình các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư truyền thống trên thế giới.

Các cam kết quốc tế về đầu tư song phương có yếu tố tự do hoá liên quan đến M&A

Các cam kết này bao gồm Hiệp định khuyến khích, bảo hộ và tự do hoá đầu tư Việt Nam - Nhật Bản và trong Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ. Bên cạnh cam kết về bảo hộ đầu tư, Việt Nam còn cam kết về quyền thành lập đối với nhà đầu tư nước ngoài. Hai hiệp định này đều sử dụng phương pháp chọn bỏ, tức là đưa ra các cam kết chung và các Bên ký kết có quyền duy trì hoặc ban hành các biện pháp không phù hợp với các nghĩa vụ chung này và phải liệt kê các biện pháp đó trong một số phụ lục.

Tại Phụ lục H của Hiệp định BTA, Việt Nam cam kết với Hoa Kỳ xóa bỏ mọi hạn chế về việc chuyển nhượng vốn đầu tư. Theo đó, DN 100% vốn đầu tư nước ngoài không bắt buộc phải ưu tiên chuyển nhượng cho DN Việt Nam. Ngoài ra, Phụ lục H cũng cam kết về việc cho phép nhà đầu tư Hoa Kỳ thành lập công ty cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài và nới lỏng các hạn chế về sở hữu vốn của nhà đầu tư Hoa Kỳ. Theo quy định của BTA, trong vòng 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, nhà đầu tư Hoa Kỳ được phép thành lập công ty cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

FTA có cam kết về đầu tư

Các FTA có cam kết về đầu tư mà Việt Nam không liên quan nhiều đến việc M&A DN. Việc tham gia góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào DN Việt Nam theo Hiệp định này được thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

Hoạt động M&A tại Việt Nam được quy định chủ yếu tại Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật DN năm 2014, Luật Cạnh tranh năm 2018, Luật Chứng khoán năm 2019, Luật Đầu tư năm 2014 và phù hợp với các cam kết quốc tế liên quan đến hoạt động M&A mà Việt Nam là thành viên. Do tính chất phức tạp của M&A mà pháp luật về M&A không chỉ điều chỉnh các vấn đề về sở hữu hay quản trị DN mục tiêu, mà còn đề cập đến các vấn đề liên quan như: đăng ký thay đổi chủ sở hữu DN, đăng ký về thủ tục M&A, các nghĩa vụ về thuế, xác định giá trị DN mục tiêu, pháp luật cạnh tranh để kiểm soát hoạt động M&A.

 

Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2015), Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13;
2. Quốc hội (2014), Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13;
3. Quốc hội (2018), Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14;
4. Quốc hội (2006), Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11;
5. Quốc hội (2010), Luật Chứng khoán số 62/2010/QH12;
6. Quốc hội (2019), Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14;
7. Quốc hội (2014), Luật Đầu tư số 67/2014/QH13;
8. Quốc hội (2010), Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12;
9. Phạm Trí Hùng- Đặng Thế Đức (2011), M&A Sáp nhập và mua lại doanh nghiệp ở Việt Nam - Hướng dẫn cơ bản dành cho bên bán, NXB Lao động - Xã hội, Hà Nội;
10. Trần Thị Bảo Ánh (2014), Pháp luật về mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam, Luận án Tiến sỹ, Trường Đại học Luật Hà Nội.