Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Dự kiến ra mắt trong năm 2012

Theo VIR

Thành lập Quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV) là một trong những giải pháp quan trọng nhằm triển khai Kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2011 - 2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1231/2012/QĐ-TTg. Quỹ này sẽ hoạt động phi lợi nhuận và dự kiến thành lập ngay trong năm 2012.

Nhiều giải pháp hỗ trợ

Để triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2011 - 2015, việc hoàn thiện khung pháp lý, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng cho DNNVV phát triển là một trong những trọng tâm. Đặc biệt là tạo bước đột phá để DNNVV tiếp cận vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Hỗ trợ tăng cường năng lực nghiên cứu, phát triển công nghệ, đẩy mạnh chuyển giao, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa và năng lực cạnh tranh của DNNVV.

Từ những mục tiêu cơ bản trên, Chính phủ đã đề ra 8 nhóm giải pháp thực hiện. Trong đó có việc, hoàn thiện khung pháp lý về gia nhập, hoạt động và rút lui khỏi thị trường của DN; hỗ trợ tiếp cận tài chính, tín dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; hỗ trợ đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ mới; đẩy mạnh hình thành các cụm liên kết, cụm ngành công nghiệp, tăng cường tiếp cận đất đai cho các DNNVV... Trong các giải pháp này, một động thái cụ thể được các DN và thị trường rất quan tâm, đó là việc thành lập Quỹ hỗ trợ DNNVV, đẩy mạnh các chương trình đổi mới ứng dụng công nghệ, chú trọng phát triển công nghệ cao nhằm tạo ra các sản phẩm mới, trang thiết bị, máy móc hiện đại...

Quỹ hoạt động phi lợi nhuận

Ngay sau khi Quyết định số 1231/QĐ-TTg được phê duyệt, trao đổi với phóng viên ĐTCK, một lãnh đạo Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Chính phủ Đề án thành lập Quỹ phát triển DNNVV. Dự kiến, quỹ này sẽ được triển khai ngay trong năm 2012 này.

Qua kết quả nghiên cứu và báo cáo từ các cuộc khảo sát về DNNVV, khó khăn lớn nhất của DN hiện nay là khả năng tiếp cận tài chính, trong đó lãi suất vay vốn cao và DN chưa có đủ nền tảng nội tại để đáp ứng các điều kiện vay của ngân hàng là hai nguyên nhân chính khiến DN khó tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Mặc dù chưa có được thông tin chính thức về phương thức hoạt động của quỹ này, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, mục đích của Quỹ phải được xác định là hỗ trợ tài chính theo hình thức phi lợi nhuận cho các DNNVV có dự án khả thi, nhằm tăng thu nhập, tạo việc làm cho người lao động; nâng cao khả năng cạnh tranh của DN, nhất là những DN tạo ra những sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Vì vậy, Quỹ nên dùng để tài trợ không hoàn lại một phần kinh phí cho các DNNVV là đối tượng được trợ giúp của chương trình, kế hoạch, dự án ưu tiên phát triển DNNVV của Nhà nước; hoặc cho vay ưu đãi có thời hạn với các DNNVV có nhu cầu vay vốn thuộc đối tượng ưu tiên của Quỹ.

Trước đó, bà Phạm Thị Mùi, nguyên thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cũng đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ nên lập một quỹ hỗ trợ DNNVV, nguồn vốn để quỹ hoạt động có thể thông qua phát hành trái phiếu chính phủ. Nhiệm vụ chủ yếu của quỹ này là hỗ trợ cho DN thông qua lãi suất hoặc bảo lãnh vay vốn.

Một số chuyên gia kinh tế khi bàn về vấn đề này mặc dù cũng đồng tình với quan điểm quỹ sẽ hoạt động phi lợi nhuận, nhưng khuyến cáo, quỹ phải được điều hành theo nguyên tắc thị trường, nhằm bảo toàn và phát triển vốn. Ngoài ra, Quỹ cũng cần có chương trình mục tiêu cụ thể trong từng thời kỳ như nhắm vào ngành hàng nào, lĩnh vực nào mà DN đang gặp khó..., trong đó các DN được vay vốn với lãi suất ưu đãi thông qua các ngân hàng thương mại thẩm định. Vốn ban đầu xây dựng Quỹ là do Nhà nước cấp. Về lâu dài, có thể vay ưu đãi từ những nguồn vốn hỗ trợ phát triển của các nước và các tổ chức quốc tế dành cho DNNVV.