SCIC thoái vốn trong lĩnh vực viễn thông

Đức Huy (theo baodautu.vn)

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã hoàn tất việc bán đấu giá 15,3% vốn góp trong Công ty cổ phần Hạ tầng viễn thông CMC (CMC TI) và đang xem xét thoái vốn khỏi FPT Telecom.

Trao đổi với giới báo chì về việc SCIC quyết định thoái vốn khỏi CMC TI, đại diện CMC khẳng định, việc thoái vốn này đã được hoàn tất. Theo đó, SCIC dành một phần vốn góp trong CMC TI bán cho cán bộ, công nhân viên và phần còn lại bán đấu giá ra công chúng. SCIC nắm giữ 51% vốn điều lệ của CMC TI.

Tổng số lượng cổ phần được bán đấu giá ra công chúng là 1.040.400 cổ phần, tương đương 15,3% vốn điều lệ của CMC TI. Theo đại diện của CMC, đã có hai nhà đầu tư tham gia đấu giá, trong đó một là tổ chức và một là cá nhân. Tổng giá trị cổ phần bán được sau khi đấu giá là trên 15,6 tỷ đồng, tương đương 15.000 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, đại diện của CMC không tiết lộ danh tính của hai nhà đầu tư này.

Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư, CMC với tư cách là công ty liên doanh liên kết (tỷ lệ góp vốn 48,98%) đã không mua lại số cổ phần bán đấu giá trên, để hợp nhất CMC TI về thành công ty con của Công ty thay cho hình thức công ty liên kết như hiện nay.

Như vậy, với việc thoái vốn của SCIC, CMC TI sẽ trở thành công ty có hạ tầng mạng viễn thông 100% vốn tư nhân đầu tiên tại thị trường Việt Nam. Theo bình luận của ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), việc hình thành các doanh nghiệp có hạ tầng mạng theo hình thức sở hữu tư nhân là xu hướng phát triển tất yếu của thị trường.

Vấn đề đặt ra là, liệu việc mua lại phần vốn góp này có mang lại lợi ích cho nhà đầu tư hay lợi ích cho chính CMC TI hay không?

Theo báo cáo tài chính của CMC TI, trong 3 năm liên tiếp sau khi thành lập (từ năm 2009 đến 2011), Công ty vẫn chưa hoạt động có lãi. Lợi nhuận sau thuế của Công ty trong năm 2009 là 1,9 tỷ đồng; năm 2010 là âm 26 tỷ đồng và năm 2011 là âm 45,6 tỷ đồng. Tổng số lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán của Công ty tại thời điểm ngày 31/12/2011 là 73,9 tỷ đồng, bằng 108,69% vốn đầu tư của chủ sở hữu.

Số lỗ lũy kế trên được lý giải là do trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trên thị trường viễn thông, Công ty đang tập trung phát triển mạng lưới sâu rộng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và đẩy mạnh quá trình khai thác, tìm kiếm khách hàng. Phần lớn số lỗ này là do các chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp của Công ty trong giai đoạn đầu còn cao.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - tổ chức tư vấn chuyên nghiệp, nếu không có những biến động bất thường và bất khả kháng tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thì kế hoạch kinh doanh mà CMC TI đưa ra là có tính khả thi và Công ty sẽ kinh doanh hiệu quả trong những năm sắp tới.

Năm 2012, CMC TI đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế là 13,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt cũng lưu ý, với số lỗ hiện tại khá lớn, các nhà đầu tư nên cân nhắc trước khi quyết định đăng ký tham dự đấu giá.

Một công ty khác trong lĩnh vực viễn thông là FPT Telecom cũng đang được SCIC xem xét thoái vốn. Tuy nhiên, trái ngược với CMC TI, trong khi CMC không quyết định mua lại phần vốn góp của SCIC trong CMC TI, thì FPT (công ty liên kết trong FPT Telecom) lại tuyên bố đang nỗ lực làm việc với SCIC để có thể mua lại toàn bộ phần vốn góp của SCIC (50,7%) trong FPT Telecom, nhằm hợp nhất công ty này vào công ty mẹ FPT ngay trong năm nay.

Có thể nhìn nhận sự khác biệt giữa quyết định của FPT và CMC ở khía cạnh lợi nhuận mà FPT Telecom đóng góp vào tổng lợi nhuận chung của FPT trong thời gian qua. Theo báo cáo tài chính quý I/2012 của FPT, lợi nhuận do FPT Telcom mang lại cho FPT chiếm 29% tổng lợi nhuận của FPT, tương đương 186 tỷ đồng. Còn trong năm tài chính 2011, con số này là 801 tỷ đồng, tương đương 31% tổng lợi nhuận của FPT.