Siết chặt, xử lý nghiêm nhập khẩu phế liệu trái phép vào Việt Nam

PV.

Việc nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu nếu không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ sẽ bị lợi dụng để đưa chất thải vào nước ta và là kẽ hở để nước ta có nguy cơ trở thành nơi tiếp nhận chất thải và công nghệ sản xuất, tái chế lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường từ các nước khác trên thế giới. Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã rất quyết liệt ngăn ngừa tình trạng này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vào cuộc mạnh mẽ

Thực hiện Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 17/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về "Một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất", Tổng cục Hải quan đã vào cuộc mạnh mẽ, tích cực.

Theo đó, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các cơ quan Hải quan địa phương, các đơn vị nghiệp vụ của ngành Hải quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu, xử lý nghiêm những trường hợp có hành vi gian lận, nhập khẩu phế liệu không đáp ứng điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật; chủ động xây dựng và triển khai các kế hoạch kiểm soát rủi ro, phòng chống buôn lậu, kiểm tra sau thông quan, giám sát quản lý đối với mặt hàng phế liệu nhập khẩu.

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, bên cạnh việc tái chế chất thải, tận dụng phế liệu phát sinh trong nước làm nguyên liệu sản xuất, để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu của một số ngành sản xuất, Nhà nước đã cho phép nhập khẩu phế liệu với các điều kiện quy định cụ thể tại Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu.

Tuy nhiên, việc nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu nếu không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ sẽ bị lợi dụng để đưa chất thải vào nước ta và là kẽ hở để nước ta có nguy cơ trở thành nơi tiếp nhận chất thải và công nghệ sản xuất, tái chế lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường từ các nước khác trên thế giới.

Nhằm tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu, sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 17/9/2018, yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan áp dụng các biện pháp ngăn chặn từ xa các lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các quy định của pháp luật Việt Nam, kiên quyết buộc tái xuất các lô hàng lợi dụng nhập khẩu phế liệu để đưa chất thải vào Việt Nam, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, triển khai xây dựng quy chế phối hợp liên ngành về quản lý nhập khẩu phế liệu tại các cửa khẩu…

Thực hiện chủ trương trên, Tổng cục Hải quan đã tổ chức, triển khai nhiều giải pháp tích cực, cụ thể. Trong đó, Tổng cục Hải quan đã ban hành công văn số 4202/TCHQ-PC ngày 17/7/2018 gửi Cục Hải quan các  tỉnh, thành phố hướng dẫn quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam, nêu rõ các điều kiện để được nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài vào Việt Nam; Công văn số 6644/TCHQ-GSQL ngày 13/11/2018 của Tổng cục Hải quan hướng dẫn tổng quát các vấn đề liên quan đến tiếp nhận, kiểm tra, xử lý phế liệu dỡ xuống cảng và thủ tục hải quan đối với phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài; …

Bên cạnh đó, đoàn công tác do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra tại Cục Hải quan Hải Phòng về tình hình triển khai việc quản lý phế liệu nhập khẩu; việc khai báo, phân tích manifest, thực hiện thủ tục nhập cảnh cho phương tiện vận tải… kiểm tra việc thực hiện thủ tục hải quan trực tiếp tại chi cục hải quan đang thực hiện thủ tục nhập khẩu các lô hàng là phế liệu như: Giám sát, kiểm tra, lấy mẫu, chụp ảnh, niêm phong, lập biên bản lấy mẫu, phiếu ghi kết quả thực tế…

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm

Luật Bảo vệ môi trường đã đưa ra những quy định rất cụ thể, phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu. Các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Mặc dù vậy, vì lợi nhuận vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp bất chấp những quy định cấm của pháp luật thực hiện hành vi sai trái. Thực tế thời gian qua cho thấy, một số vụ việc điều tra, xử lý, cơ quan Hải quan phát hiện một số doanh nghiệp có Giấy phép nhập khẩu nhưng không sản xuất, thậm chí không có nhà xưởng, máy móc sản xuất. Bên cạnh đó, việc cấp phép đối với từng lô hàng có đủ tiêu chuẩn nhập khẩu nhưng thực tế lô hàng không đáp ứng đủ tiêu chuẩn.

Tính đến nay, cơ quan hải quan đã khởi tố hơn 10 vụ việc liên quan đến nhập lậu phế liệu (chuyển một số vụ đến cơ quan công an mở rộng điều tra làm rõ); trong đó Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan khởi tố 4 doanh nghiệp, Cục Hải quan Hải Phòng khởi tố 2 doanh nghiệp, Cục Hải quan An Giang khởi tố 7 cá nhân nhập lậu phế liệu. Cơ quan hải quan cũng đã chuyển cơ quan công an khởi tố vụ buôn lậu phế liệu có liên quan đến nguyên Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bến Tre và 1 cán bộ Chi cục Tài nguyên vả Môi trường tỉnh Bến Tre...

Đối với hơn chục nghìn container phế liệu ùn ứ tại các cảng trên cả nước, gây ách tắc, chiếm dụng kho bãi tại các cảng biển, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo cụ thể, trong đó phân công rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, cơ quan liên quan đến khai thác cảng biển.

Bộ Tài chính đã và đang chỉ đạo Tổng cục Hải quan tiến hành tổng rà soát, phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý. Đồng thời, cơ quan hải quan tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý các cá nhân, doanh nghiệp có hành vi nhập rác phế liệu...