Sôi động hoạt động thoái vốn, cổ phần hóa năm 2018

PV.

Năm 2017, Việt Nam cũng ghi nhận thương vụ thoái vốn đình đám của Sabeco với số tiền nhà nước thu về trị giá 4,8 tỷ USD. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ khiến cho hoạt động thoái vốn, mua cổ phần năm 2018 trở nên sôi động hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, năm 2018, số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa và thoái vốn chiếm tương ứng hơn 50% và 44,6% của cả giai đoạn 2017-2020.
Do vậy, 2018 được coi là năm bản lề trong quá trình “tái thiết” doanh nghiệp nhà nước. Những đơn vị nằm trong danh sách cổ phần hóa, thoái vốn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2017 bắt buộc phải thực hiện trong năm 2018, nên áp lực cổ phần hóa, thoái vốn năm 2018 là rất lớn. 
Tuy nhiên, thành công của những thương vụ cổ phần hóa, thoái vốn năm 2017 được kỳ vọng sẽ là động lực, cơ sở khiến hoạt động này trở nên sôi động hơn trong năm 2018.

Năm 2018, số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa và thoái vốn chiếm tương ứng hơn 50% và 44,6% của cả giai đoạn 2017-2020.

Theo các chuyên gia kinh tế, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ gia tăng với tốc độ nhanh trong năm 2018 khi ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần. GS., TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI cho rằng, vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam, không chỉ vốn FDI, mà cả vốn đầu tư gián tiếp thông qua hình thức mua bán - sáp nhập (M&A), thoái vốn, cổ phần hoá.
Bên cạnh đó, hiện nay Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, mở ra sự cạnh tranh trong một số lĩnh vực mà trước đây chỉ do Nhà nước nắm giữ. Các nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm đến những bước đi gần đây nhất của Chính phủ về cổ phần hóa và thoái vốn.

Chia sẻ quan điểm về kịch bản tươi sáng của hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn năm 2018, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, năm 2018, thị trường chứng khoán sẽ tiếp nối đà bứt phá của năm 2017, cộng với cơ chế, chính sách đã được hoàn thiện, nên sẽ giải quyết hết số doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn nằm trong danh sách phải thực hiện năm 2018 và doanh nghiệp chưa hoàn thành năm 2017 chuyển sang.

Một số ý kiến cho rằng, nhìn chung các doanh nghiệp được thoái vốn trong thời gian tới hầu hết là những những doanh nghiệp có vị thế đầu ngành, kinh doanh hiệu quả, có nhiều yếu tố thu hút nhà đầu tư như: thương hiệu, thị trường, nhân sự và cả bề dày lịch sử hoạt động. Nhà đầu tư có cơ hội mua được số lượng lớn cổ phần, nói cách khác là mua thâu tóm được cả doanh nghiệp. Do đó, đây là dịp mà được nhiều nhà đầu tư nước ngoài trông đợi nhất.

Báo cáo mới nhất của Quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) thuộc Tập đoàn VinaCapital, VOF đã chi ra gần 45 triệu USD để mua cổ phiếu của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) trong các đợt IPO của 2 đơn vị này tháng 1 vừa qua. Trước đó, VinaCapital cùng Dragon Capital đã chi 11 triệu USD để mua 6 triệu cổ phiếu tương đương với 30% vốn điều lệ của FPT retail...

Thống kê cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2018, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 2 tháng năm 2018 còn có 873 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là hơn 1,253 tỷ USD, tăng 102,5% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có 471 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 858,9 triệu USD và 402 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 394,5 triệu USD. Đây là kết quả có cơ sở khi dự kiến 181 doanh nghiệp nhà nước sẽ IPO, thoái vốn trong năm 2018, chiếm 70% tổng số đơn vị dự kiến sẽ được thoái vốn trong giai đoạn 2018 – 2020...