"Sóng ngầm" cuộc đua chuyển mạng giữ số

Theo Thanh Hoa/thoibaokinhdoanh.vn

Sau 6 tháng triển khai, sự trồi sụt liên tục của những con số thống kê chuyển mạng giữ số cho thấy cuộc đua giành thị phần giữa các "ông lớn" viễn thông luôn gay gắt và quyết liệt đeo bám.

Thời gian qua, cơ quan này liên tục nhận được phản ánh về việc các nhà mạng "giữ chân" khách hàng không cho chuyển mạng. Nguồn: Internet
Thời gian qua, cơ quan này liên tục nhận được phản ánh về việc các nhà mạng "giữ chân" khách hàng không cho chuyển mạng. Nguồn: Internet

Theo số liệu công bố ngày 16/5 từ Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), nhà mạng Viettel đã thành công nhất trong việc hấp dẫn các thuê bao khác chuyển sang. MobiFone cũng bứt tốc với tỷ lệ chuyển đi thành công thấp hơn chuyển đến. Trong khi đó, Vinaphone ngậm ngùi "rớt hạng" với tỷ lệ đăng ký chuyển đến thấp hơn chuyển đi.

Thứ hạng thay đổi

Từ ngày 01 đến 12/5, MobiFone có 11.590 thuê bao đăng ký chuyển đến, 17.746 thuê bao đăng ký chuyển đi. Tỷ lệ thuê bao chuyển đến thành công của nhà mạng này đạt 73,3%, trong khi tỷ lệ chuyển đi thành công chỉ là 43,7%.

Trong khi đó, từ vị trí dẫn đầu với số lượng khách hàng đăng ký chuyển đến lớn nhất, trong kỳ thống kê lần này, Vinaphone đã "rớt hạng": 12 ngày đầu tháng 5 có 30.065 thuê bao đăng ký chuyển đến và 36.514 thuê bao đăng ký chuyển đi. Tỷ lệ chuyển đến và chuyển đi thành công lần lượt là 62,2% và 54,9%.

Đáng chú ý, Viettel từ vị trí có nhiều khách hàng đăng ký chuyển đi nhất đã "lội ngược dòng" trở thành nhà mạng được nhiều khách hàng chọn đến nhất: 50.900 thuê bao đăng ký chuyển đến, trong khi chỉ có 32.705 thuê bao đăng ký chuyển đi. Tuy nhiên, tỷ lệ chuyển đến và chuyển đi thành công của Viettel cũng "ngược" với các nhà mạng khác, đạt 48% và 69%.

Dẫu vậy, tính từ khi bắt đầu thực hiện chuyển mạng giữ số (ngày 16/11/2018 đến ngày 12/5/2019), Vinaphone vẫn là nhà mạng dẫn đầu về số lượng thuê bao đăng ký chuyển đến với 194.681 thuê bao, trong khi số thuê bao đăng ký chuyển đi là 138.378 thuê bao. Số thuê bao chuyển đến thành công sau gần 6 tháng thực hiện cũng dẫn đầu với 156.380 thuê bao, vượt xa các nhà mạng còn lại.

Trong khi đó, MobiFone và Viettel đều có số thuê bao đăng ký chuyển đi lớn hơn đăng ký chuyển đến. Cụ thể, số thuê bao đăng ký chuyển đi của MobiFone lớn hơn số đăng ký chuyển đến là 16.461 thuê bao; con số này của Viettel là 11.482 thuê bao.

Vietnamobile đang đuối sức trong "cuộc đua" này khi số thuê bao đăng ký chuyển đến chỉ là hơn 2.000 thuê bao, thấp hơn số đăng ký chuyển đi hơn 28.000 thuê bao.

Bảng thống kê của Cục Viễn thông cũng cho thấy ở kỳ gần nhất, tỷ lệ thuê bao chuyển đến và chuyển đi thành công của cả 3 nhà mạng lớn là MobiFone, Vinaphone và Viettel đều thấp hơn rất nhiều tỷ lệ trung bình kể từ khi bắt đầu thực hiện chuyển mạng giữ số mà chưa rõ lý do.

Phải "ghi điểm" với khách hàng

Theo đánh giá của các chuyên gia, những số liệu của chuyển mạng giữ số được xem là thước đo đối với nhà mạng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn trong bối cảnh thuê bao di động đã bão hòa.

Ngoài ra, phương châm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách hàng, không gây khó dễ khi họ muốn chuyển đi có thể tạo ra "thiệt hại" ban đầu khi so sánh con số chuyển đi và chuyển đến nhưng lại giúp nhà mạng "ghi điểm" về tính chuyên nghiệp và sự tôn trọng khách hàng.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số nhà mạng muốn "giữ chân" khách hàng bằng cách gây khó dễ khiến khách hàng bức xúc.

Cục Viễn thông cho biết, thời gian qua, cơ quan này liên tục nhận được phản ánh về việc các nhà mạng "giữ chân" khách hàng không cho chuyển mạng.

Cụ thể, tổng cộng có 1.780 khiếu nại tới đường dây nóng và trang web của Cục Viễn thông, trong đó trên 80% thuộc về MobiFone và Vietnamobile. Trên thực tế, tỷ lệ chuyển đi thành công của các thuê bao thuộc hai nhà mạng này cũng luôn ở mức thấp dưới 50%.

Các chuyên gia đánh giá, cuộc đua chuyển mạng giữ số sẽ còn tiếp tục và đi vào thực chất hơn. Nhà mạng nào muốn giành phần ưu thế buộc phải coi chất lượng mạng, dịch vụ chăm sóc là hàng đầu, đưa ra được những chính sách hấp dẫn về giá cước thì mới có cơ hội chiến thắng.

"Nhà mạng nào có hạ tầng tốt hơn, chất lượng dịch vụ tốt, ổn định và chính sách khuyến mãi, chăm sóc khách hàng tốt sẽ thu hút được thuê bao. Ngược lại, nhà mạng nào có hạ tầng kém, dịch vụ chưa tốt sẽ phải đối mặt với tình trạng thuê bao rời bỏ sang mạng khác", một chuyên gia nói.

Theo kế hoạch, tới tháng 8/2019, Cục Viễn thông sẽ thực hiện chuyển mạng giữ số 100% bằng hình thức tự động thay vì cách làm thủ công bằng tay như hiện nay. Đặc biệt, khi người dân đăng ký chuyển mạng gặp trục trặc với nhà mạng quá thời hạn cho phép, nhà mạng chuyển đến sẽ được phép "nhảy vào" can thiệp. Với các biện pháp quyết liệt này, các nhà mạng sẽ khó chơi "chiêu" hoặc làm khó để níu kéo giữ chân thuê bao như hiện nay.