Startup và câu chuyện phá sản

Theo Phương Linh/nhadautu.vn

Câu chuyện startup "ngã ngựa" xưa nay không hiếm, tuy nhiên điều này khiến sự hào hứng của giới đầu tư mạo hiểm đối với các startup bắt đầu hạ nhiệt.

Theo thống kê của CB Insights (công ty chuyên xây dựng phần mềm dự đoán xu hướng công nghệ mới), tỷ lệ startup thất bại trên thế giới nói chung dao động từ 75% - 90%.

Những bất cập trong quản lý dòng tiền, mất kiểm soát trong quản lý hệ thống khách hàng và đối tác luôn là vấn đề đau đầu của các startup hiện nay.

WeFit phá sản

Sáng 11/5, Công ty công nghệ Onaclover – chủ sở hữu của ứng dụng WeFit sau được đổi tên thành WeWow, gửi email thông báo cho khách hàng về việc phá sản.

"Sau những khủng hoảng từ đầu năm 2020, mặc dù đã rất nỗ lực để cải tổ, chúng tôi lại khó khăn về tình hình kinh doanh và tài chính do Covid-19, vốn hoạt động của chúng tôi đã cạn kiệt hoàn toàn", thông báo của công ty ghi.

Đại dịch COVID-19 được xem là một trong những lý do khiến WeFit phá sản
Đại dịch COVID-19 được xem là một trong những lý do khiến WeFit phá sản

Trên thực tế, công ty đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty công nghệ Onaclover tại Toà án Nhân dân TP Hà Nội từ ngày 29/4. Họ cũng đã gửi thông báo tới các chủ nợ, cổ đông của công ty rằng họ không còn khản năng thanh toán các khoản nợ do quá khó khăn về tài chính. Một số chủ phòng gym cho biết họ đang có khoản nợ chưa được thanh toán từ hàng chục đến vài trăm triệu.

WeFit được thành lập từ năm 2016 và tới năm 2019 đổi tên thành WeWow, là ứng dụng di động, cung cấp cho người dùng các gói dịch vụ tập luyện và chăm sóc sắc đẹp. Đầu năm 2018, nhà sáng lập của WeFit là Nguyễn Khôi được Forbes lựa chọn vào danh sách "30 Under 30".

Đầu 2019, WeFit thông báo gọi vốn được một triệu USD trong vòng đầu tư pre-series A tiếp theo từ CyberAgent Capital và một số quỹ đầu tư thiên thần khác. 

Tuy nhiên từ cuối năm 2019, WeFit bắt đầu vướng vào "bê bối" khi nhiều phòng tập, spa tố nợ tiền và sau đó tới đầu năm nay, Phó tổng giám đốc Nguyễn Hải Đăng đã thay nhà sáng lập Nguyễn Khôi đảm nhận vị trí CEO, được cho là để tiến hành cải tổ. 

Sự sụp đổ của WeWork

WeWork gây chấn động nhất trong năm 2019 sau khi hủy bỏ kế hoạch IPO vì kết quả kinh doanh thảm hại. Tập đoàn SoftBank của Nhật Bản và các nhà đầu tư đối mặt với những khoản lỗ khổng lồ.

Tỷ phú Nhật Bản thừa nhận 'dại dột' vì đầu tư hàng tỷ USD vào WeWork
Tỷ phú Nhật Bản thừa nhận 'dại dột' vì đầu tư hàng tỷ USD vào WeWork

 

Trong quý III/2019, quỹ Vision Fund của SoftBank ôm lỗ nặng vì 20 công ty mà quỹ này đầu tư, bao gồm Uber, làm ăn thất bát. SoftBank là nhà đầu tư công nghệ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Và năm 2019 thảm hại cũng gây tác động tiêu cực dữ dội lên nền kinh tế chia sẻ toàn cầu.

Thất bại của WeWork và kết quả kinh doanh đáng thất vọng của các công ty đã niêm yết khác cho thấy một số nhà đầu tư mạo hiểm như SoftBank đã quá ảo tưởng về giá trị của các startup này.

Mới đây, ngày 18/5, SoftBank thông báo quỹ Vision Fund lỗ 17,7 tỷ USD trong năm tài chính vừa qua, với 4,6 tỷ USD đến từ khoản đầu tư vào WeWork. Nguồn tin từ WeWork tiết lộ SoftBank đã đổ tới 18,5 tỷ USD vào công ty này.

"Chúng tôi đã đầu tư thất bại vào WeWork và tôi thừa nhận rằng có những lúc tôi đã dại dột", ông Son nói. WeWork còn có thể tiếp tục lún sâu vào thua lỗ do dịch Covid-19.

Tuyên bố phá sản sau khi huy động được gần 1 triệu USD

Theo trang The Verge, sau khi huy động được gần 1 triệu USD trên các trang gây quỹ cộng đồng để phát triển dự án đồng hồ báo thức tích hợp AI, công ty Holi của Pháp đã nộp đơn xin phá sản trong khi chưa giao thiết bị cho những người đã ủng hộ. Startup này chỉ thực hiện được khoảng 1.000 sản phẩm trong số gần 7.000 đơn vị cần giao.

Đồng hồ Bonjour được tích hợp trợ lý thông minh hỗ trợ xem thời tiết, phát nhạc và đồng bộ lịch. Ảnh: Holi
Đồng hồ Bonjour được tích hợp trợ lý thông minh hỗ trợ xem thời tiết, phát nhạc và đồng bộ lịch. Ảnh: Holi

 

Holi đã chạy các chiến dịch kêu gọi ủng hộ trên Kickstarter và Indiegogo vào cuối năm 2016 để phát triển mẫu đồng hồ có tên gọi Bonjour. Thiết bị này sẽ được tích hợp các tính năng trợ lý thông minh như thời tiết, đồng bộ lịch và phát nhạc.

Tuy nhiên hiện tại, Holi đã đưa ra thông báo công ty sẽ nộp đơn phá sản. Toàn bộ tài sản còn lại sẽ được dùng vào việc trả nợ. Trong một thông báo mới nhất, Holi cho biết nguyên nhân ngừng hoạt động đến từ việc đánh giá sai khả năng tài chính của công ty và không nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật từ các nhà cung cấp linh kiện.

Startup chia sẻ xe đạp phá sản vì khủng hoảng tài chính

Một tòa án Trung Quốc đã đưa ra phán quyết rằng Ofo, một startup cung cấp dịch vụ chia sẻ xe đạp từng có giá trị 2 tỷ USD, không có khả năng thanh toán các khoản nợ cho các đối tác và cả người dùng. Vụ việc này là cảnh báo mới nhất cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực startup Trung Quốc.

Theo phán quyết của tòa án Thiên Tân vào hôm 17/6, Ofo về cơ bản không còn bất cứ tài sản nào nên không thể trả nợ cho Công ty xe đạp Thiên Tân Fuji-Ta.

 Startup và câu chuyện phá sản  - Ảnh 1

Ofo, được thành lập 5 năm trước, từng kỳ vọng rằng ngày càng nhiều người Trung Quốc sẽ sử dụng xe đạp để di chuyển những quãng ngắn để đi đến/ra về từ bãi đỗ xe hoặc điểm bắt phương tiện công cộng. Trong 8 vòng gây vốn từ năm 2015 đến 2018, Ofo đã huy động được tới 2,2 tỷ USD từ các hãng tên tuổi như Alibaba, Didi Chuxing và các nhà đầu tư khác. Trong cùng thời gian đó khi mảng chia sẻ xe đạp phát triển, Mobike, đối thủ chính của Ofo, cũng huy động được 900 triệu USD. Thậm chí, nó còn truyền cảm hứng cho một loạt loại hình kinh doanh chia sẻ khác.

Các hãng chia sẻ xe đạp đã thiết lập một số điểm cung cấp xe trên khắp các thành phố của Trung Quốc, nơi người dùng có thể thuê xe với mức phí chỉ từ 99 CNY, thậm chí thuê theo giờ còn rẻ hơn nữa. Nhưng vấn đề là những chiếc xe đạp cho thuê ấy phải đối mặt với hành vi phá hoại hoặc trộm cắp và bị bỏ lại chất đống ở vỉa hè, lòng đường khiến chính quyền các thành phố cũng phải đau đầu. Có thời điểm, Ofo mất hoặc bị trộm tới 90% số xe đạp của mình.

Startup của mỹ nhân công nghệ Thung lũng Silicon

Elizabeth Holmes, người sáng lập và CEO Theranos
Elizabeth Holmes, người sáng lập và CEO Theranos

 

Theranos từng là startup công nghệ y học nổi tiếng tại Thung lũng Silicon. Với ý tưởng thử máu sử dụng công nghệ độc quyền chỉ dùng mẫu máu nhỏ, công ty này được truyền thông ca ngợi như một hiện tượng của cộng đồng khởi nghiệp và thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư.

Thậm chí, Elizabeth Holmes – người sáng lập và CEO Theranos còn được ví như 'Steve Jobs phiên bản nữ', lọt vào bảng xếp hạng tỷ phú USD của Forbes và có mặt trong danh sách 100 người ảnh hưởng nhất thế giới của Time.

Thế nhưng, vào tháng 8/2018, startup này phải tuyên bố phá sản sau khi bị phóng viên John Carreyrou lật tẩy về những âm mưu lừa đảo của dự án, đưa Theranos đối mặt với nhiều cáo trạng về pháp lý, thương mại từ giới chức, nhà đầu tư, ủy ban giao dịch chứng khoán, bệnh nhân, đối tác...

Blippar - ứng dụng thực tế tăng cường

Ambarish Mitra, người sáng lập Blippar. Ảnh: Blippar
Ambarish Mitra, người sáng lập Blippar. Ảnh: Blippar

 

Blippar - ứng dụng thực tế tăng cường (AR) và trí tuệ nhân tạo (AI) sử dụng trên thiết bị di động - do doanh nhân người Ấn Độ Ambarish Mitra sáng lập. Thông qua camera trên thiết bị, ứng dụng Blippar có thể nhận dạng hình ảnh và các đối tượng trong thế giới thực, sau đó hiển thị những nội dung số liên quan. Startup này từng có giai đoạn phát triển rất nhanh, với hơn 65 triệu người dùng tại 170 quốc gia (tính đến 2016).

Trong bối cảnh các 'ông lớn' công nghệ ngày càng đầu tư mạnh vào AR, Blippar buộc phải 'đốt' một số tiền lớn để tìm khách hàng mới và cuối cùng ngừng hoạt động do hết vốn.

Rethink Robotics – startup về robot cho ngành sản xuất

Doanh thu của công ty không đủ duy trì hoạt động. Ảnh: Rethink Robotics
Doanh thu của công ty không đủ duy trì hoạt động. Ảnh: Rethink Robotics

 

Được sáng lập bởi Rod Brooks (đồng sáng lập iRobot) và Ann Whittaker (cựu nhân viên nghiên cứu của Phòng thí nghiệm khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo MIT), Rethink Robotics được đánh giá cao trong ngành công nghiệp robot với những sản phẩm như Baxter và Sawyer.

Dù sở hữu những bộ óc thông minh cùng khoản đầu tư 150 triệu USD, lợi nhuận của startup này vẫn không đủ để duy trì hoạt động. Tháng 10 vừa qua, Rethink Robotics buộc phải đóng cửa do không tìm được nguồn tài trợ bổ sung và thỏa thuận bán lại công ty thất bại.

Shyp - nền tảng vận chuyển theo nhu cầu

Với kỳ vọng cách mạng hóa ngành công nghiệp vận chuyển, Shyp từng thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư lớn. Họ ca ngợi startup có trụ sở ở San Francisco này là "công ty đầu tiên cho phép vận chuyển hàng hóa cá nhân một cách dễ dàng đến thế, dễ đến mức như là một phép màu".

Shyp thất bại vì chi phí hoạt động quá lớn. Ảnh: Shyp
Shyp thất bại vì chi phí hoạt động quá lớn. Ảnh: Shyp

 

Ứng dụng của Shyp được đánh giá thân thiện với người dùng, nhân viên chuyên nghiệp, giao hàng nhanh chóng... Nhưng đằng sau 'phép màu' mà công ty này mang đến là một mô hình với chi phí hoạt động rất cao. Doanh thu không bù đắp được chi phí khiến Shyp rơi vào tình trạng thua lỗ triền miên. Công ty dần sử dụng hết số tiền đầu tư và buộc phải tuyên bố phá sản.

Dù ý tưởng được đánh giá cao và thu hút vốn đầu tư 'khủng', nhiều startup vẫn phải ngậm ngùi đóng cửa do kết quả kinh doanh không được như kỳ vọng. Ngoài ra, còn có rất nhiều những startup khác đang đứng trên bờ vực phá sản hoặc thậm chí tương lai mù mịt như WeWork, Airbnb...