Startup Việt tiếp tục hút vốn từ các quỹ đầu tư

Theo Thùy Dương/congthuong.vn

Trong năm 2018, tổng số vốn đầu tư vào startup Việt lên đến 889 triệu USD, gấp 3 lần so với năm trước. Nhờ nguồn vốn của các quỹ đầu tư, các startup Việt đã phát triển và tăng trưởng vượt bậc hơn, đủ sức cạnh tranh với những doanh nghiệp ngoại.

Gần 900 triệu USD vốn được “rót” cho các startup Việt trong năm 2018. Nguồn: Internet
Gần 900 triệu USD vốn được “rót” cho các startup Việt trong năm 2018. Nguồn: Internet

Gần 900 triệu USD vốn được “rót” cho các startup Việt

Theo Báo cáo thống kê tình hình đầu tư vào startup Việt năm 2017 do Topica Founder Institute (TFI) thực hiện cho thấy, nếu như trong năm 2017, Việt Nam tiếp nhận 92 thương vụ đầu tư startup với tổng số vốn hơn 291 triệu USD, tăng gần gấp đôi về mặt số lượng thương vụ và gần 50% về mặt tổng số vốn đầu tư so với năm 2016 (50 thương vụ với 205 triệu USD). Thì tới năm 2018, cùng số lượng thương vụ tiếp nhận là 92 nhưng tổng số vốn đầu tư vào startup Việt lên đến 889 triệu USD, gấp 3 lần so với năm trước.

Ông Trần Mạnh Công - Đồng Giám đốc TFI - đánh giá, có thể thấy 2018 là năm của những thương vụ đầu tư lớn, cùng tiếp nhận 92 thương vụ đầu tư nhưng chỉ với 10 giao dịch hàng đầu đã mang về 734 triệu USD, chiếm 83% tổng giá trị thỏa thuận, gồm những giao dịch trên 30 triệu USD đầu tư vào Yeah1, Sendo và Topica cùng 7 thương vụ không được tiết lộ khác.

Vốn đầu tư giúp startup Việt phát triển mạnh hơn

Nhìn nhận về xu thế startup bùng nổ trong những năm gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng đầu tư vào các startup không những góp phần thúc đẩy nền kinh tế mà còn đóng góp tích cực cho sự tiến bộ của xã hội, nâng cao tri thức cộng đồng và cập nhật những xu hướng mới trên thế giới tại Việt Nam. Các dự án khởi nghiệp được đầu tư nhiều năm qua thuộc lĩnh vực công nghệ giáo dục, thương mại điện tử, du lịch công nghệ, logistics, giáo dục công nghệ.

Đặc biệt, nhờ nguồn vốn từ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử như Tiki, Sendo đã có thể đủ sức cạnh tranh với Lazada và Shopee, hay trong lĩnh vực gọi xe công nghệ việc ra đời của các startup nội là Be, Fastgo, Vato đã giúp thị trường cạnh tranh sòng phẳng hơn với Grab, Go-VIET.

Một tín hiệu mừng là năm 2018 các quỹ đầu tư nội có tổng vốn cũng lớn, với tổng vốn của 6 quỹ tương đương 500 triệu USD. Nghĩa là các nhà đầu tư nội đã sẵn sàng đầu tư vào các công ty khởi nghiệp trong nước. Những tên tuổi này có thể kể tới như: Vingroup Ventures, Viet Capital Ventures, Viet Partners…

Bên cạnh đó, 2018 cũng là năm chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của các startup sau khi gọi vốn thành công. Đơn cử như trường hợp của MoMo. Tính đến thời điểm hiện tại, MoMo đã tiếp cận gần 10 triệu người dùng và là ứng dụng ví điện tử được đăng ký nhiều nhất trong năm 2018. Khối lượng giao dịch trên nền tảng của MoMo đã tăng hơn gấp ba lần trong năm vừa qua.

Ông Phạm Thành Đức - Tổng giám đốc MoMo - chia sẻ, kết quả kinh doanh của MoMo đã và đang tăng trưởng vượt kỳ vọng do tốc độ phát triển mạnh mẽ của phương thức thanh toán di động tại Việt Nam, với phần đông dân số trẻ yêu thích công nghệ, ưa chuộng phương thức thanh toán không tiền mặt, cho cả các giao dịch trực tuyến (online) và tại điểm bán hàng.

“2018 là một năm có nhiều chuyển biến ngoạn mục của MoMo. Chúng tôi đã ghi nhận số lượng giao dịch và con số khách hàng đăng ký sử dụng đạt mức lớn nhất từ trước đến nay. Chúng tôi sẽ tiếp tục gia tăng thị phần của mình với nguồn vốn được đầu tư trong thời gian tới”, ông Đức nhấn mạnh.

Hay với trường hợp của Công ty CP Công nghệ Logivan Việt Nam. Nhờ gọi vốn thành công 1,75 triệu USD trong năm 2018, doanh nghiệp này đã mở rộng dịch vụ tại nhiều thành phố lớn của Việt Nam, đồng thời nâng cấp các sản phẩm để phục vụ các công ty logistics lớn và tạo sự minh bạch trong việc theo dõi và quản lý xe tải.

Các startup Việt khẳng định, nguồn lực tài chính và sự hỗ trợ từ các quỹ đầu tư đã thay đổi “cuộc chơi” cho doanh nghiệp và tạo cơ hội để các dịch vụ nền tảng công nghệ tại thị trường Việt Nam có sự phát triển vượt bậc hơn.