Tác động của đại dịch Covid-19 đến hoạt động của doanh nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa và một số khuyến nghị chính sách

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 5/2020

Mục tiêu nghiên cứu này là đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Nhóm nghiên cứu tiến hành cuộc khảo sát với 512 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Kết quả khảo sát cho thấy những ảnh hưởng của đại dịch đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là rất lớn, cụ thể như: Có 85,5% doanh nghiệp được khảo sát bị tác động xấu bởi đại dịch Covid-19; 73% doanh nghiệp đang phải đối diện với vấn đề lượng khách hàng sụt giảm và 61% doanh nghiệp có vấn đề về gánh nặng trả lương cho công nhân.... Theo đó, số doanh nghiệp có lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái lên đến 93,8%. Trên cơ sở nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất một số khuyến nghị chính sách đối với Chính phủ và chính quyền địa phương trong và sau đại dịch.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

1. Đặt vấn đề

Thanh Hóa là tỉnh có diện tích rộng thứ năm cả nước và đứng thứ 3 về dân số. Là điểm cuối của Bắc Bộ và đầu Trung Bộ lại còn là vùng Tây Bắc nối dài, có rừng, có đồng bằng, có biển. Chính những yếu tố về địa lý, tự nhiên là lợi thế rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn 2015-2020, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội. Tăng trưởng kinh tế của Tỉnh đạt kết quả tích cực, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn dự kiến đạt 12,5%. Năm 2019, toàn Tỉnh đã thành lập mới 3.200 DN, đứng thứ 7 cả nước về số doanh nghiệp (DN) thành lập mới, đưa tổng số DN đăng ký lên 23.500 DN được thành lập, trong đó có khoảng gần 17.000 DN đang hoạt động; các DN trên địa bàn Tỉnh đóng góp khoảng 70% GRDP của toàn Tỉnh.

Từ đầu tháng 12/2019 đến nay, thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam đang phải đối diện với đại dịch Covid-19. Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội toàn cầu và Việt Nam, trong đó, hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế đều chịu tác động tiêu cực.

Vấn đề đặt ra là, ảnh hưởng của Covid-19 đến địa phương cấp tỉnh như thế nào, nhất là đối với hoạt động của các DN trên địa bàn. Trước tình hình trên, nghiên cứu này nhằm hướng tới với mục tiêu là “Tác động của đại dịch Covid-19 đến DN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và khuyến nghị chính sách” về các chỉ tiêu chính như doanh thu, lợi nhuận, việc làm, từ đó đề xuất khuyến nghị, giải pháp đối với Chính phủ và chính quyền địa phương.

2. Phương pháp nghiên cứu

Nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng khảo sát ngẫu nhiên được tiến hành từ ngày 10/4/- 23/4/2020 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đây là phương pháp nghiên cứu phổ biến nhằm lấy ý kiến của các đối tượng được mời khảo sát theo số đông.

Sau khi thu nhận được các bản câu hỏi trả lời, nhóm tác giả đã tiến hành làm sạch thông tin, lọc bảng câu hỏi và mã hóa những thông tin cần thiết trong bảng câu hỏi, nhập dữ liệu và phân tích dữ liệu bằng phần mềm SPSS phiên bản 20.0.

Tác động của đại dịch Covid-19 đến hoạt động của doanh nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa và một số khuyến nghị chính sách - Ảnh 1

Trong bảng hỏi khảo sát, nội dung bảng hỏi bao gồm phần thông tin cá nhân định danh (tên, giới tính, độ tuổi, số năm kinh nghiệm, vị trí công việc, trình độ học vấn), phần thông tin DN (số năm hoạt động, số lượng nhân viên, lĩnh vực hoạt động, địa điểm tỉnh/thành hoạt động) và các câu hỏi đưa ra tùy theo nội dung nghiên cứu. Các thang điểm hoặc ý kiến khẳng định/phủ định được giải thích khá đơn giản và đầy đủ. Bảng hỏi gồm nhiều loại dạng câu hỏi đảm bảo tính khoa học, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu. Câu hỏi được viết tường minh, dễ hiểu và tránh gây hiểu nhầm.

Trước khi gửi đi khảo sát tại các DN, tác giả có gửi bảng hỏi sơ bộ đến 20 chuyên gia bao gồm chuyên gia tại DN và chuyên gia nghiên cứu quản trị kinh doanh để lấy ý kiến hiệu chỉnh nội dung, hình thức của bảng hỏi cho phù hợp.

Mẫu nghiên cứu được chọn khoa học, đảm bảo tính đại diện, tính đa dạng về ngành nghề và loại hình kinh doanh. Kích thước mẫu tối ưu phụ thuộc vào kỳ vọng về độ tin cậy, phương pháp phân tích dữ liệu, phương pháp ước lượng được sử dụng trong nghiên cứu, các tham số cần ước lượng. Nghiên cứu này phân tích giá trị trung bình và độ lệch chuẩn, hệ số độ tin cậy của các nhân tố trong thang đo. Để phục vụ cho kiểm định thang đo, các nhà nghiên cứu không đưa ra con số cụ thể về số mẫu cần thiết mà đưa ra tỷ lệ giữa số mẫu cần thiết và số tham số cần ước lượng. Đối với phân tích nhân tố, kích thước mẫu sẽ phụ thuộc vào số lượng biến được đưa trong phân tích nhân tố, theo Hair và công sự (2006) cho rằng, số lượng mẫu cần gấp 4-5 lần so với số lượng biến quan sát.

Theo số liệu thống kê đến 31/12/2019, Thanh Hóa có khoảng 9.900 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được phân bố chủ yếu tại TP. Thanh Hóa (41%), Bỉm Sơn (13%); Sầm Sơn (11%), Hoàng Hóa (6%); Quảng Xương (8%); Đông Sơn (5%), Ngọc Lặc, Thọ Xuân (8%) còn lại là các huyện Nông Cống, Tĩnh Gia, Nga Sơn. Dựa trên số liệu thống kê DN tác giả phân chia tỷ lệ lấy mẫu theo địa bàn phân bổ tương ứng.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Thống kê mô tả

Kích thước mẫu dự kiến đủ tiêu chuẩn là 250 phiếu trả lời, nhưng thực tế nghiên cứu từ ngày 10-23/4/2020 nhóm đã thu thập được 512 phiếu trả lời thông qua bảng hỏi google docs (https://forms.gle/oAysjyG6DWivVkLT8), phỏng vấn qua điện thoại, skype, zalo, facebook. Mẫu nghiên cứu được thống kê mô tả tóm tắt như sau:

Kết quả nghiên cứu 512  DN trong toàn Tỉnh được phân bổ theo các lĩnh vực như sau: 55% là các DN thương mại dịch vụ, 19% DN xây dựng; 14,5% DN sản xuất, DN giáo dục, du lịch đều chiếm 3%,  còn lại là DN nông nghiệp, giày da xuất khẩu…

Tác động của đại dịch Covid-19 đến hoạt động của doanh nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa và một số khuyến nghị chính sách - Ảnh 2

Trong các DN nghiên cứu có 72,3% là công ty TNHH, 19,1% là công ty cổ phần còn lại là DN tư nhân và các loại hình DN khác.

Đa phần DN trong nghiên cứu có quy siêu nhỏ, nhỏ và vừa với số lượng lao động dưới 20 người chiếm 66,8%, đa phần là DN thương mại, dịch vụ và giáo dục. Có 18,3% DN có từ 20-49 lao động; 5,1% DN có từ 50-99 lao động, 4,3% DN có từ 100-199 lao động và 5,5% DN có từ 200 lao động trở lên. Những DN có số lao động lớn tập trung ở các ngành như: xây dựng, viễn thông, may mặc, sản xuất phân bón, hàng thuỷ sản xuất khẩu.

3.2. Đánh giá tác động của Covid-19 đến hoạt động của doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa

3.2.1. Phản ứng của DN trên địa bàn khi đại dịch Covid-19 xảy ra

Không nằm ngoài vòng xoáy tác động của đại dịch Covid 19, tất cả các loại hình lĩnh vực DN trong tỉnh Thanh Hóa đều bị tác động, kết quả khảo sát cho thấy, có đến 85,5% DN bị tác động xấu bởi dịch Covid-19. Cụ thể, có 10,2% DN phải dừng hoạt động; 73% DN cắt giảm hoạt động, cho nhân viên nghỉ việc không lương hoặc có hỗ trợ. Có 2,3% DN chuyển đổi tạm thời hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực mới nhằm giảm thiểu sự thiệt hại và có thêm thu nhập trang trải chi phí cho DN. Chỉ có 14,5% DN hoạt động bình thường (có điều chỉnh cách thức và phương pháp hoạt động), trong các DN hoạt động bình thường thì có 1,3% DN hoạt động tốt hơn trong mùa Covid-19 đó là DN kinh doanh hàng tiêu dùng, thực phẩm, ship đồ… Qua đây có thể thấy, gần như các DN đều nằm trong vòng xoáy tác động của đại dịch.

3.2.2 Phân tích các yếu tố tác động chính do đại dịch Covid-19 gây ra cho DN trên địa bàn

Tác động của Covid 19 đến hoạt động của DN được phân tích cụ thể dựa trên mức độ tác động và tần suất tác động. Trong nghiên cứu, đa phần DN bị tác động dẫn đến sụt giảm doanh thu, thị phần và lợi nhuận do những nguyên nhân chính sau: Tác động nhiều nhất là do “lượng khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ giảm” tác động đến 71,3% DN được hỏi: Nguyên nhân tiếp theo là do “gánh nặng lương công nhân” tác động đến 61% DN, “gánh nặng lãi vay ngân hàng” tác động đến 56,1% DN trong khảo sát. Hàng sản xuất ra không bán được và gánh nặng chi phí thuê đất, mặt bằng lần lượt tác động đến 25 và 30% DN. Hầu hết các DN bị tác động kép bởi lượng khách hàng sụt giảm, gánh nặng trả lương công nhân và lãi vay ngân hàng (chiếm 67% tổng DN được hỏi). 100% DN liên quan đến may mặc xuất khẩu đều thiếu nguyên liệu sản xuất và sản xuất hàng hoá không xuất được.

Tác động của đại dịch Covid-19 đến hoạt động của doanh nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa và một số khuyến nghị chính sách - Ảnh 3

Kết quả nghiên cứu một lần nữa khẳng định, thông qua chỉ số phân tích mean mức độ tác động của các nhân tố do Covid-19 gây ra đối với DN, cụ thể:

Mức tác động mạnh nhất vẫn là khách hàng sử dụng sản phẩm dịch vụ giảm sút với mean = 3,52 (tác động rất mạnh đến toàn DN). Nguyên nhân do quá trình giãn cách xã hội cấm tụ tập, hạn chế ra đường và tâm lý lo lắng của khách hàng không muốn ra ngoài, kết hợp với tác động của dịch Covid-19 làm suy giảm việc làm, thu nhập bình quân cá nhân… từ đó, khách hàng siết chặt chi tiêu (gần như chỉ sử dụng cho các sản phẩm thiết yếu như thực phẩm, thuốc, khẩu trang, sát khuẩn…). Chính vì vậy, nguyên nhân kép khiến DN thiệt hại đó là hàng hoá sản xuất ra không bán được với mean = 2,71, từ đó kéo theo gánh nặng hàng tồn kho và chi phí mặt bằng với mean = 2,77 và 2,82. Nguyên nhân tiếp theo tác động đến DN trong mùa Covid-19 là “gánh nặng lương công nhân” với mean = 3,3. Qua khảo sát nhóm nghiên cứu được biết sau Tết công ty bắt đầu hoạt động được 1 tháng thì bắt đầu phải cắt giảm nhân sự vì hàng hoá ế ẩm do sức mua giảm sau Tết nguyên đán cộng với tác động của dịch bệnh làm cho DN không đủ sức để hỗ trợ công nhân, từ đó phải đưa ra quyết định cho công nhân nghỉ việc hàng loạt, có đến 83% DN trong nghiên cứu phải cho từ 70-90% lao động nghỉ việc không lương, không trợ cấp, còn lại là cho lao động nghỉ việc có trợ cấp đóng bảo hiểm xã hội. Trong vòng khó khăn thị trường, hàng hoá không tiêu thụ được, gánh nặng về chi phí làm cho DN khó khăn, thêm đó gánh nặng lãi vay ngân hàng và vay tín dụng ngoài cùng là mối lo của 51,6% DN được khảo sát với mean = 3,18.

3.2.3 Tác động của đại dịch Covid-19 đến doanh thu, lợi nhuận của DN trên địa bàn Thanh Hóa

Biểu hiện rõ nhất của sự tác động từ Đại dịch covid 19 là doanh thu và lợi nhuận của DN giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. 88,3% DN được hỏi có doanh thu giảm, 8,6% doanh thu giữ nguyên và 3,1% DN ghi nhận doanh thu tăng so với cùng kỳ năm 2019. Trong số các DN có doanh thu giảm thì có đến gần 30% DN giảm trên 50% doanh thu gần 52,6% giảm từ 10-30% doanh thu.

Doanh thu giảm kéo theo hệ lụy tất yếu lợi nhuận giảm, có đến 93,8% DN có lợi nhuận kinh doanh giảm trong đó có 30% DN ghi nhận lợi nhuận giảm trên 50%; 36% DN có lợi nhuận giảm từ 10-30%.

Kết quả nghiên cứu mối liên hệ giữa lĩnh vực kinh doanh và mức độ tác động nhận thấy, số DN có lợi nhuận giảm nhiều nhất thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ, giáo dục, tư vấn. Những DN sản xuất hàng tiêu dùng, nông nghiệp duy trì được doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2019.

4. Khuyến nghị chính sách

Trên cơ sở kết quả khảo sát, nghiên cứu, đánh giá thực trạng, cũng như tổng hợp kiến nghị, đề xuất của DN, nhóm nghiên cứu khuyến nghị một số gợi ý chính sách để hỗ trợ DN tồn tại, phát triển và vượt qua đại dịch theo một số hướng sau:

Một là, có các chính sách miễn thuế, giảm thuế, giảm lãi suất ngân hàng và giãn thời gian trả nợ cho các DN. Đây là một trong những nhóm giải pháp quan trọng hỗ trợ DN vượt qua đại dịch, nhất là trong điều kiện các DN chủ yếu có quy mô nhỏ với số vốn hạn chế và thị trường khách hàng chiếm thị phần giới hạn. Nếu không kịp thời có các tác động trực tiếp từ thuế, lãi suất và giãn thời gian trả nợ có thể DN sẽ khó có thể đủ sức vượt được qua đại dịch.

Hai là, kịp thời triển khai các gói hỗ trợ góp phần ổn định sản xuất và phục hồi DN: Các gói hỗ trợ kịp thời sẽ tạo điều kiện để DN duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện thị trường bị thu hẹp do gián đoạn về chuỗi sản xuất (gián đoạn lưu thông thị trường), cũng như duy trì hoạt động của những DN có quy mô lớn với số lượng công nhân đông đảo thuộc các nhóm ngành nghề khác nhau. Trong bối cảnh đó, nếu có các hỗ trợ kịp thời về tín dụng, nguồn vốn, DN sẽ đảm bảo quy mô sản xuất ổn định, đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất và việc làm cho người lao động.

Ba là, tăng cường kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại và đẩy mạnh hợp tác giữa các DN. Trong gian đoạn khó khăn dưới tác động của dịch Covid-19, thúc đẩy hợp tác giữa các DN thuộc các lĩnh vực ngành nghề, các chuỗi sản xuất khác nhau nhưng có liên quan về một khía cạnh nào đó có thể là một trong những con đường quan trọng giúp DN vượt qua được khó khăn trong đại dịch. Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò của các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp trong việc làm cầu nối với các cơ quan nhà nước, cũng như thúc đẩy xúc tiến thương mãi hỗ trợ DN vượt qua đại dịch Covid-19.   

Tài liệu tham khảo:

Cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa, Niên giám thống kê tỉnh Thanh Hóa 2018, NXB Thống kê;

Ðại học Kinh tế Quốc dân (2020), Báo cáo đánh giá tác động của Covid-19 đến nền kinh tế và các khuyến nghị chính sách;

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (2020), Báo cáo tình hình doanh nghiệp năm 2019;

Trường Ðại học Hồng Ðức (2020), Báo cáo “Ðánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa”;

UBND tỉnh Thanh Hóa (2020), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa năm 2019.