Tác động của Kế toán sáng tạo trong doanh nghiệp và một số vấn đề đặt ra

ThS. Đào Thị Thu Hà, ThS. Nguyễn Thị Bích Liên, ThS. Nguyễn Thị Mai Hiền Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội

Kế toán sáng tạo tuy không phải là hoạt động bất hợp pháp nhưng ranh giới giữa gian lận kế toán và việc sử dụng kế toán sáng tạo hợp pháp hiện nay rất khó xác định. Từ thực tế tính phức tạp và đa dạng của các nghiệp vụ kinh doanh đặc thù trong doanh nghiệp, mức độ tinh vi của các thủ thuật kế toán sáng tạo ngày càng tăng nên việc nghiên cứu các thủ thuật và dấu hiệu nhận biết các hành vi kế toán sáng tạo đang là chủ đề thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu...

DN niêm yết công bố kết quả kinh doanh thay đổi giữa trước và sau kiểm toán, đã gây nhiều lo lắng cho nhà đầu tư và các cơ quan quản lý. Nguồn: Internet
DN niêm yết công bố kết quả kinh doanh thay đổi giữa trước và sau kiểm toán, đã gây nhiều lo lắng cho nhà đầu tư và các cơ quan quản lý. Nguồn: Internet

Quan điểm kế toán sáng tạo

Theo Scott D., L., (2003), kế toán sáng tạo được hiểu là việc sử dụng kiến thức kế toán để tác động đến số liệu báo cáo tài chính (BCTC), nhằm mục đích phản ánh tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp (DN) theo cách mà lãnh đạo DN mong muốn, thay vì trình bày trung thực các số liệu này, trong khung khổ pháp luật và các quy tắc kế toán cho phép.

Theo Charles W. Mulford và Eugene E. Comiskey (2002), kế toán sáng tạo là sự lựa chọn có chủ ý các quy định kế toán, nhằm thao túng lợi nhuận, hướng tới mục tiêu làm lợi nhuận trở nên đẹp hơn, dù có thể kết quả không phải như vậy. Do vậy, kế toán sáng tạo luôn cố gắng thổi phồng giá trị trong BCTC. Việc áp dụng kế toán sáng tạo để điều chỉnh kết quả kinh doanh của DN về bản chất chỉ là thủ thuật chuyển đổi lãi/lỗ giữa các kỳ (tổng lãi/lỗ của DN của cả giai đoạn là không đổi). Đến một thời điểm nhất định trong tương lai, hành vi kế toán sáng tạo sẽ bị phát hiện khi DN không thể che giấu các khoản nợ hoặc lỗ lũy kế.

Theo Hussein và cộng sự (2013), động cơ thực hiện kế toán sáng tạo phụ thuộc vào đặc thù của mỗi DN trong từng thời kỳ nhất định. Thông thường, các công ty cổ phần thực hiện kế toán sáng tạo nhằm cải thiện kết quả kinh doanh hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư, đẩy giá cổ phiếu tăng, từ đó làm tăng giá trị DN. Trong khi đó, các công ty TNHH và DN tư nhân áp dụng kế toán sáng tạo chủ yếu nhằm tối thiểu hóa số thuế phải nộp trong kỳ. Mặt khác, cả 2 loại hình DN này đều cần tiếp cận vốn ngân hàng nên các chỉ tiêu trên BCTC sẽ được điều chỉnh thông qua áp dụng kế toán sáng tạo cho phù hợp với các tiêu chí cho vay của ngân hàng. Thực tế cho thấy, hầu hết, các nhà quản trị, các tổ chức tài chính và cơ quan quản lý thường không có cái nhìn thiện cảm về kế toán sáng tạo vì những rắc rối mà hoạt động này mang lại.

Như vậy, kế toán sáng tạo là việc vận dụng linh hoạt và sáng tạo các kỹ thuật trong kế toán, hay còn gọi là các "thủ thuật", để "biến tấu" thông tin trên BCTC, nhằm tác động đến nhận thức của người đọc BCTC. Kế toán sáng tạo là một quá trình, trong đó kế toán sử dụng các kiến thức về các nguyên tắc, chuẩn mực, phương pháp kế toán, để điều chỉnh các con số được trình bày trên BCTC của một DN. Dù có nhiều quan điểm khác nhau về kế toán sáng tạo song về cơ bản, các thủ thuật trong kế toán sáng tạo gồm: Kế toán cứng, quản lý lợi nhuận, làm mềm lợi nhuận và gian lận báo cáo.

Tác động của kế toán sáng tạo và một số vấn đề đặt ra

Nhận định của nhiều chuyên gia cho rằng, kế toán sáng tạo không phải là hoạt động bất hợp pháp. Theo Farlex Financial Dictionary (2017), kế toán sáng tạo nhằm mục đích che giấu thực chất tài chính của DN nhưng “kế toán sáng tạo về cơ bản là hợp pháp”. Việc kết luận kế toán sáng tạo có lợi hay gây hại cho DN, phần lớn tùy thuộc vào lý do, động cơ, cách thức sử dụng, bản chất và sự kiểm soát hành vi kế toán của DN. Bản thân việc thực hiện kế toán sáng tạo không phải là hành vi tiêu cực. Nó chỉ mang ý nghĩa tiêu cực khi động cơ của việc thực hiện là nhằm tạo ra thông tin sai lệch để đánh lừa những người quan tâm đến BCTC của DN. Tuy nhiên, không ít thời điểm, kế toán sáng tạo vẫn bị coi là “tội đồ” gây ra những sai sót trên BCTC và những hệ lụy cho các bên, cụ thể:

- Về phía DN: Kế toán sáng tạo ảnh hưởng tới mục tiêu dài hạn của DN, bởi đôi khi người ra quyết định chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt trong ngắn hạn mà bỏ qua các mục tiêu lớn trong dài hạn. Mức độ ảnh hưởng của việc áp dụng kế toán sáng tạo đến tương lai và các quyết định kinh doanh của DN chưa được Ban Điều hành và kế toán DN quan tâm đúng mức, do các đối tượng này chỉ tập trung vào các lợi ích trước mắt mà chưa quan tâm tới tác động tiêu cực trong dài hạn của các hành vi kế toán sáng tạo. Nếu kéo dài hay lặp lại nhiều lần, hành vi kế toán sáng tạo có thể dần gây tổn thất lớn cho DN, chính DN lạm dụng và bị phụ thuộc vào kế toán sáng tạo.

- Về phía nhà đầu tư hoặc đối tác: Bằng cách “làm phép” số liệu, kế toán sáng tạo giúp tăng khả năng huy động vốn của DN, hoặc để thuyết phục nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư vào DN hay khi đi vay các tổ chức tín dụng, dẫn tới DN sẽ có các hành vi điều chỉnh lợi nhuận để tránh vi phạm các điều khoản. Hậu quả là lòng tin của các nhà đầu tư, khách hàng, nhà cung cấp và các đối tượng sử dụng thông tin BCTC bị xói mòn.

- Về phía cơ quan quản lý nhà nước: Kế toán sáng tạo có thể giúp DN lách luật để giảm các khoản thuế phải nộp cho Nhà nước. Khi sử dụng kế toán sáng tạo với mục đích không tích cực, nó có thể là công cụ hữu hiệu thực hiện hành vi tham nhũng hoặc tạo bình phong che dấu hoạt động kinh doanh đang giảm sút của DN, từ đó gây tác hại không nhỏ cho Nhà nước, các nhà đầu tư và nền kinh tế.

Tác động của Kế toán sáng tạo trong doanh nghiệp và một số vấn đề đặt ra - Ảnh 1

- Về phía khách hàng: Tại nhiều quốc gia, khách hàng thậm chí có thể tẩy chay sản phẩm của DN nếu DN dính líu đến bê bối tài chính, dẫn đến kết quả kinh doanh bị sa sút, làm ảnh hưởng trầm trọng đến uy tín của DN.

Theo các chuyên gia kế toán, kỹ thuật kế toán sáng tạo đang thay đổi theo thời gian. Khi các tiêu chuẩn, quy tắc và quy định kế toán thay đổi do các nhà lập pháp đưa ra, nhằm phù hợp với thực tế, những người làm kế toán sáng tạo cũng đang từng bước phải thay đổi kỹ thuật hoặc thủ thuật của họ. Vấn đề đặt ra là việc sử dụng kế toán sáng tạo hợp pháp và gian lận kế toán có ranh giới không rõ ràng và rất khó xác định. Để làm rõ vấn đề này, Charles W. Mulford và Eugene E. Comiskey (2000) đã thực hiện một nghiên cứu về kế toán sáng tạo và đưa ra 20 hành vi kế toán sáng tạo, hỏi ý kiến 159 chuyên gia, trong đó 59 người là học giả về kế toán, 30 người là giám đốc tài chính, 24 người làm phân tích, thạc sĩ quản trị kinh doanh, nhằm phân loại những hành vi nào chỉ nằm trong giới hạn của kế toán chưa vượt ra ngoài khuôn khổ của các nguyên tắc kế toán chấp nhận chung. Kết quả khảo sát cho thấy, ranh giới của các nguyên tắc kế toán chấp nhận chung, kế toán sáng tạo cho phép và gian lận có những điểm khác nhau nhưng lại có một ranh giới khó xác định cụ thể. Việc đánh giá kế toán sáng tạo hợp pháp hay không hợp pháp cơ bản phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm của người đánh giá. Có những hành động chuyên gia này cho rằng, nó là kế toán sáng tạo nhưng người khác lại cho đây chỉ là hành động bình thường dựa trên các nguyên tắc kế toán chấp nhận chung để có thể làm tăng lợi nhuận. Do vậy, để phân biệt lợi và hại của kế toán sáng tạo, gần như người ta chỉ dựa trên nguyên tắc: Những hành vi đó có thể gây nguy hiểm như thế nào trên BCTC và tổn hại cho các đối tượng liên quan ra sao?

Tại Việt Nam, nghiên cứu của Nguyễn Thị Hương Liên, Đào Thị Ngân (2016) thực hiện khảo sát thực trạng áp dụng kế toán sáng tạo tại các DN trên địa bàn TP. Hà Nội trong khoảng thời gian từ tháng 3-5/2016 với tổng số 100 DN được lựa chọn khảo sát (gồm 44 công ty cổ phần, 43 công ty TNHH, 11 DNNN và 2 DN tư nhân) và tâp trung vào 2 nhóm đối tượng là: Ban Điều hành và bộ phận kế toán vì đây là các đối tượng trực tiếp liên quan đến việc áp dụng kế toán sáng tạo tại DN. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hầu hết các DN đều áp dụng kế toán sáng tạo nhưng ở các mức độ sử dụng khác nhau, trong đó công ty TNHH và DN nhà nước có mức độ áp dụng cao nhất, chủ yếu vì mục đích tối ưu hóa lợi ích về thuế và đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Điều đáng quan tâm là nhiều nhà lãnh đạo DN và kế toán viên trong các DN Việt Nam còn chưa hiểu rõ và đầy đủ về các hành vi kế toán sáng tạo và tác động của kế toán sáng tạo đến chất lượng thông tin BCTC. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Hương Liên, Đào Thị Ngân (2016) cũng cho thấy, Ban Điều hành DN cũng không xác định được mức độ ảnh hưởng của kế toán sáng tạo. Đây là một thực tế đáng lo ngại khi ban giám đốc DN chỉ tập trung vào các lợi ích ngắn hạn (tăng giá cổ phiếu, giảm thuế phải nộp, hoàn thành kế hoạch nhiệm vụ trong kỳ) mà chưa quan tâm tới tác động tiêu cực của hành vi kế toán sáng tạo trong dài hạn. Việc áp dụng một mô hình nhưng không hình dung ra ảnh hưởng sẽ gây ra những hệ quả khôn lường cho cả chính DN lẫn nền kinh tế.

Đối với Việt Nam nền kinh tế đang phát triển với thị trường vốn non trẻ, trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, các hành vi kế toán sáng tạo cần được kiểm soát chặt chẽ nhằm đáp ứng yêu cầu về minh bạch và chất lượng công bố thông tin. Thị trường chứng khoán tại Việt Nam đã và đang bước vào giai đoạn ổn định, chất lượng thông tin BCTC của các công ty niêm yết ngày càng được quan tâm. Do đó, cần thiết phải đánh giá các BCTC đó có sử dụng các thủ thuật kế toán sáng tạo hay không bởi việc lạm dụng kế toán sáng tạo trong các BCTC sẽ làm mất niềm tin của các nhà đầu tư.

Thực tế tại Việt Nam trong những năm gần đây cũng cho thấy, không ít DN niêm yết công bố kết quả kinh doanh thay đổi giữa trước và sau kiểm toán, đã gây nhiều lo lắng cho nhà đầu tư và các cơ quan quản lý. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần ban hành thêm một số quy định chặt chẽ hơn nữa về việc trình bày BCTC của các công ty, nhất là các công ty niêm yết, nhằm hạn chế thấp nhất mặt tiêu cực của kế toán sáng tạo.

Tài liệu tham khảo:

  1. Trần Thị Cẩm Thanh (2016), Kế toán sáng tạo: Tích cực hay tiêu cực,
    Tạp chí Kế toán Kiểm toán số tháng 4/2016;
  2. Nguyễn Thị Hương Liên, Ths. Đào Thị Ngân (2017), Nghiên cứu mức độ sử dụng kế toán sáng tạo tại các doanh nghiệp Việt Nam, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Kinh tế và Kinh doanh, Tập 33, số 4 (2017) 47-54;
  3. Đặng Thu Hằng, Kế toán sáng tạo nhằm thao túng Báo cáo tài chính trong doanh nghiệp, Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số tháng 5/2018;
  4. Creative accounting – definition and meaning, Cổng tài chính marketbusinessnews.com;
  5. Creative Accounting, Cổng thông tin tài chính investopedia.com;
  6. Hussein, H.N., Kasim, N., Aurumugam V.,“A Review of Creative Accounting Practices and its Area, Technique and Ways of Prevention”, International Journal of Science and Research (IJSR), 4 (2013) 10;
  7. Naser, K., “A Note on the Use of Creative Accounting”, British Accounting Review, 24 (1992) 2, 111-118.