500 nghìn hộ kinh doanh, 1.400 doanh nghiệp được xóa nợ thuế

Theo tapchithue.com.vn

(Tài chính) Ngay sau khi Bộ Tài chính hoàn tất dự thảo Thông tư hướng dẫn xóa nợ tiền thuế, tiền phạt không có khả năng thu hồi phát sinh trước ngày 1/7/2007, ông Trịnh Hoàng Cơ, Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ (Tổng cục Thuế) đã có cuộc trao đổi xung quanh quy định về đối tượng được xóa nợ tiền thuế, điều kiện và số thuế được xóa nợ.

PV: Xin ông cho biết đối tượng nào sẽ được xóa nợ tiền thuế, tiền phạt và điều kiện để được xóa nợ như thế nào?
 
 500 nghìn hộ kinh doanh, 1.400 doanh nghiệp được xóa nợ thuế  - Ảnh 1
Ông Trịnh Hoàng Cơ,
Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ
Ông Trịnh Hoàng Cơ: Theo quy định, đối tượng được xem xét để xóa nợ tiền thuế, tiền phạt không có khả năng thu hồi phát sinh trước ngày 1/7/2007, bao gồm: hộ gia đình, cá nhân còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 1/7/2007 gặp khó khăn, không thanh toán được số tiền thuế nợ, đã ngừng kinh doanh; doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã có quyết định giải thể của cơ quan có thẩm quyền còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 1/7/2007; DNNN đã thực hiện cổ phần hóa, được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành lập pháp nhân mới, còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 1/7/2007 mà các khoản tiền thuế, tiền phạt này chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý giảm vốn nhà nước khi xác định giá trị DN cổ phần hóa hoặc khi chuyển thành công ty cổ phần; DNNN thực hiện giao, bán đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 1/7/2007 mà khoản tiền thuế, tiền phạt đó không được tính vào giá trị DN để giao, bán.
 
Nếu đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chí đó thì số nợ tiền thuế, tiền phạt được xóa là bao nhiêu?
 
Theo báo cáo của các Cục Thuế, số trường hợp được xóa nợ theo quy định này khá lớn, nhưng số tiền thuế nợ chiếm tỷ trọng nhỏ, khoảng 0,2%/tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN). Có hai nhóm đối tượng được xóa nợ thuế theo qui định này là: hơn 500 nghìn hộ gia đình, cá nhân còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 1/7/2007 gặp khó khăn, không thanh toán được số tiền thuế nợ, đã ngừng kinh doanh (trong đó, có hàng chục nghìn là hộ đánh bắt hải sản bị ảnh hưởng của các cơn bão lớn đã bị mất tàu thuyền) với số tiền thuế, tiền phạt còn nợ chiếm gần 0,1% trong tổng NSNN, và gần 1400 trường hợp DNNN đã giải thể, cổ phần hóa, chuyển đổi sở hữu còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 1/7/2007 với số tiền thuế chiếm hơn 0,1%/tổng thu NSNN.
 
Việc xóa nợ tiền thuế, tiền phạt liệu có tác động đến công tác quản lý thuế?
 
Việc xóa nợ tiền thuế, tiền phạt cho các trường hợp trên là phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. 
 
Đối với cơ quan thuế, việc phải tổ chức theo dõi hàng trăm ngàn hộ gia đình, cá nhân và hàng ngàn DN nợ thuế nhưng không có khả năng thu được, dẫn đến vướng mắc trong thực hiện, làm gia tăng tỷ lệ nợ đọng thuế, hiệu quả công tác quản lý thuế cũng giảm. Một số địa bàn có số lượng hộ gia đình, cá nhân thuộc các trường hợp nợ thuế chiếm tỷ trọng lớn trong số đối tượng quản lý, tạo ra gánh nặng trong công việc hàng ngày, gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội. Vì thế, việc xóa được các khoản nợ thuế trước 1/7/2007 tuy không lớn, nhưng giúp cho cơ quan thuế có điều kiện tập trung nguồn nhân lực đôn đốc thu kịp thời các khoản thu phát sinh, các khoản nợ đọng lớn, góp phần hoàn thành dự toán thu NSNN.
 
Có ý kiến lo ngại, nếu có tiền lệ về xóa nợ thuế thì sẽ có không ít DN, người nộp thuế kéo dài nợ thuế, nợ phạt, trây ỳ không nộp thuế để chờ được xóa nợ, khi đó sẽ gây khó khăn cho cơ quan thuế. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
 
Luật Quản lý thuế qui định người nộp thuế có trách nhiệm thực hiện nghiêm nghĩa vụ nộp thuế, đồng thời trao cho cơ quan thuế quyền hạn, trách nhiệm trong việc đôn đốc thu tiền thuế phát sinh đã kê khai phải kịp thời nộp vào NSNN. Đối với các trường nợ thuế kéo dài, chây ỳ thì phải thực hiện cưỡng chế. Theo kinh nghiệm các nước, nếu tỷ lệ tiền thuế nợ hàng năm trên tổng thu ngân sách dưới 5% chứng tỏ cơ quan thuế quản lý có hiệu quả, trong khi đó ở Việt Nam hiện nay, tỷ lệ nợ khó thu trên tổng thu ngân sách chỉ hơn 1%, nên tình hình thực tế và việc xử lý các khoản tiền nợ thuế theo chính sách hiện hành hoàn toàn có thể chấp nhận được.
 
Tôi nhấn mạnh rằng, số tiền thuế, tiền phạt dự kiến được xóa chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng thu NSNN. Tuy nhiên, khi xây dựng dự thảo thông tư, Bộ Tài chính đã quy định rất cụ thể hồ sơ, thủ tục, trình tự giải quyết xóa nợ tiền thuế, tiền phạt để tránh tình trạng lợi dụng, chiếm dụng tiền thuế.
 
Xin cảm ơn ông!