Ai chiến thắng trong cuộc đua giành Vinamilk?

Theo Baodautu.vn

Những con mắt thèm thuồng của nhà đầu tư đang đang muốn sở hữu Vinamilk. Liệu trong đợt bán cổ phần Vinamilk sắp tới, ai sẽ là người thắng cuộc?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Có tiền chưa chắc mua được

Trước tiên, hãy xem ai có cơ hội với Vinamilk. Hiện tại, các cổ đông lớn của Vinamilk, ngoại trừ SCIC (Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước), là Quỹ Dragon Capital (nắm hơn 7%), Deutsch Bank (10%) và F&N (11%). Hai cổ đông đầu là nhà đầu tư tài chính, không có nhiều lý do mua thêm nhiều cổ phần. Chỉ F&N có cơ sở đặt tham vọng sở hữu chi phối Vinamilk.

F&N là công ty ở Singapore, nhưng có ông chủ là tỷ phú giàu thứ ba Thái Lan - Charoen Sirivadhanabhakdi. Có ý kiến cho rằng, F&N (chuyên kinh doanh nước uống, sữa và xuất bản) sẽ không đủ tiền mua hết lượng cổ phần mà SCIC bán ra. Vậy hãy xét khả năng của công ty này đến đâu.

F&N có nguồn tiền mặt khoảng 200 triệu USD, chỉ bằng 1/10 tài sản. Trong khi đó, cái giá mua hết số cổ phần của SCIC được cho là lên đến 4,5 tỷ USD, lớn hơn tài sản F&N rất nhiều. Tuy nhiên, ông chủ thực sự của F&N có tài sản hàng chục tỷ USD, nếu muốn bỏ ra số tiền lớn hơn một công ty con không khó.

Ngoài nguồn tiền mặt hiện có, Charoen có thể huy động từ các công ty con khác trong hệ thống, hoặc đi vay từ thị trường vốn quốc tế. Charoen từng làm như vậy, như trong thương vụ mua Metro Việt Nam, Berli Jucker (một nhánh kinh doanh của Charoen) dự định chi đến 64% tài sản công ty, chủ yếu là đi vay.

Nếu F&N có tiền thì cũng có không ít nhà đầu tư khác dư dả tài chính và cũng muốn mua Vinamilk. Vinamilk cho rằng, nên đấu giá khi bán cổ phần SCIC nắm giữ. Mỗi đợt bán ít nhất 10% trong tổng số 45% cổ phần của SCIC. Đấu giá sẽ bán được giá cao, đồng thời phương án này cũng giúp Công ty có cơ cấu cổ đông đa dạng. Nếu được thực hiện, đây sẽ là cơ hội cho những nhà đầu tư ngoại cùng ngành với Vinamilk đang có mặt tại Việt Nam như Mead Johnson, Abbott hay Dutch Lady...

Ngoài ra, một số nhà đầu tư tài chính, nhất là cổ đông cũ cũng sẽ mua vào. Quỹ VinaCapital hiện nắm dưới 5% cổ phần Vinamilk. Đại diện quỹ này cho biết, nếu giá tốt thì họ sẽ mua thêm. “Nhưng giá mà F&N đưa ra, theo thông tin trước đó, là quá cao”, vị này đánh giá.

Nhưng tiền nhiều chưa hẳn là yếu tố quyết định để thắng trong cuộc đua này. Vinamilk đã đề xuất cho nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu 100% cổ phần tại đây. Điều đó có nghĩa cơ hội cho nhà đầu tư ngoại sẽ tăng thêm, nhưng không phải không có cho nhà đầu tư nội. Thị trường có không ít nhà đầu tư nội lắm tiền. Cũng như những nhà đầu tư quốc tế, họ có thể nhờ sự hỗ trợ của ngân hàng trong nước để nắm bắt cơ hội.

Nhìn ở góc độ khác, việc bán cổ phần Vinamilk như thế nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Sữa không phải ngành nhạy cảm, nhưng bán thế nào cho được giá lại là điều quan trọng. Rõ ràng, bán mỗi lần 10% chưa chắc thu được nhiều tiền hơn bán cho nhà đầu tư chiến lược toàn bộ cổ phần. Ngoài giá thương lượng, Vinamilk còn thu được một phần nữa nhờ lợi thế sở hữu số lượng lớn của đối tác. Riêng với F&N, mức giá họ phải trả sẽ cao hơn nhà đầu tư khác, vì họ được lợi thế chi phối công ty, tức khoảng 56% sau khi mua trọn phần SCIC nắm giữ.

Vinamilk là “con bò sữa”, giá trị cổ phần bán ra lại lớn, nên có thể quá trình bán không chỉ do mình SCIC quyết định. Vai trò của Chính phủ và Bộ Công thương trong trường hợp này cũng cần được xét đến, trước khi có quyết định cuối cùng. Bởi vậy, ông Nguyễn Thành Chung, chuyên gia tư vấn doanh nghiệp nhận xét, rất khó để dự đoán ai sẽ “về đích” trước. “Nhưng đó hẳn phải là đơn vị có kinh nghiệm trong ngành sữa và đáp ứng được kỳ vọng đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam”, ông Chung nói.

Nếu SCIC rút lui...

Sau khi SCIC bán hết cổ phần, chuyện cần quan tâm là ai sẽ nắm quyền chi phối tại Vinamilk. Có thể có 2 kịch bản xảy ra.

Nếu theo phương án mà Vinamilk đề xuất, chia nhỏ cổ phần ra đấu giá, sẽ khó có nhà đầu tư nào chi phối hoàn toàn. Nếu Vinamilk đấu giá 3 đợt, với 45% cổ phần, may mắn lắm thì một nhà đầu tư mới mua được hết. Nhưng khả năng mua thành công trong hai đợt có thể xảy ra, tức nắm trên 30% cổ phần. Ngoài ra, nếu khéo léo, họ sẽ mua lại được số cổ phần từ hai quỹ đầu tư lớn là Dragon Capital và Deutsch Bank, khoảng 17% nữa. Tính tổng số vẫn chưa đủ 51%. Nhìn chung, nếu muốn chi phối Vinamilk, chỉ có cách mua trọn phần SCIC bán ra.

Trường hợp còn lại, để bán được giá cao, SCIC sẽ cân nhắc thương lượng với một nhà đầu tư chiến lược nào đó. Giả sử sau đó họ có thể mua lại từ hai quỹ đầu tư trên, thì khả năng chi phối hoàn toàn có thể xảy ra. Các quỹ đầu tư giữ cổ phiếu chủ yếu vì chênh lệch giá, chứ không nhắm đến mục tiêu lâu dài. Do đó, nếu đạt được giá tốt thì có thể thương lượng được với họ. Khả năng chi phối riêng với F&N càng dễ dàng hơn, bởi cổ đông này đã nắm sẵn 11%.

Với doanh nghiệp có nhiều lợi thế như Vinamilk, nhất là cơ hội Nhà nước thoái hết vốn xuất hiện, hẳn bất cứ nhà đầu tư chiến lược nào cũng muốn được chi phối. Hiện tại, ngoài tỷ suất lợi nhuận hàng năm khá tốt, Vinamilk còn đứng đầu thị trường về thị phần các sản phẩm sữa. Không những vậy, Vinamlk còn tạo lập được mạng lưới kinh doanh rộng lớn sang cả châu Âu, Mỹ.

Đặc biệt, tại một số quốc gia liền kề Việt Nam, theo khảo sát của ông Chung, Vinamilk đang chiếm độ phủ hơn phân nửa. Với nền tảng này, nhà đầu tư cùng ngành sẽ dễ dàng thâm nhập thị trường Việt Nam và vươn ra thế giới.

Đã có sẵn thương hiệu, việc nhà đầu tư mới sẽ làm là phát triển hệ thống phân phối. Bản chất hiện nay, Vinamilk vẫn phân phối qua các kênh trung gian như siêu thị, phải chiết khấu khá nhiều. Theo ông Chung, để tăng hiệu quả quy mô và hoạt động, việc xây dựng kênh phân phối riêng là rất cần thiết với mặt hàng thiết yếu như sữa.

Sau khi Vinamilk có nhà đầu tư chiến lược mới, điều được trông đợi là cân bằng cán cân cạnh tranh, dẫn đến thay đổi về giá theo hướng có lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, ông Đỗ Hòa, Giám đốc Công ty Tư vấn Tinh hoa Quản trị cho rằng, không dễ đạt được ngay. Ngược lại, Vinamilk trong diện mạo mới có thể sẽ tăng giá sữa để bù đắp phần chi phí đã mua cổ phần, trừ một số sản phẩm sữa chuyên biệt được Nhà nước áp trần. Ngoài ra, họ cũng sẽ dần dần đưa sản phẩm mang thương hiệu riêng vào, đẩy các doanh nghiệp nội vào cuộc đua gay gắt hơn.

Cạnh tranh khốc liệt hơn chắc chắn là điều các doanh nghiệp nội phải đối mặt. Nhưng qua đó, ông Chung cho rằng, người tiêu dùng có thể kỳ vọng chất lượng sữa được nâng lên, thông tin sẽ minh bạch hơn. Trước giờ, không nhiều khách hàng hiểu được đâu là sữa tươi, sữa hoàn nguyên, nhất là tình trạng niêm yết và tăng giá vô chừng của các hãng sữa.