Áp lực giải ngân

Theo nld.com.vn

(Tài chính) Để bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, trong thời gian còn lại của năm, mỗi tháng cần phải giải ngân gần 40.000 tỷ đồng.

 Áp lực giải ngân
Trong thời gian còn lại của năm, mỗi tháng cần phải giải ngân gần 40.000 tỷ đồng. Nguồn: internet
Nợ xấu và tăng trưởng tín dụng là 2 nội dung khá nóng trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) năm 2013. Trong đó, tảng băng nợ xấu đã phần nào được giải quyết bằng cơ chế tự cơ cấu lại nợ của các ngân hàng thương mại (NHTM) cùng với việc bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC). Còn tăng trưởng tín dụng đang bứt phá để cố gắng cán đích mục tiêu 12% năm 2013.

Chỉ thị số 01/NHNN ngày 31/1/2013 nêu rõ năm nay, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16%, tín dụng tăng trưởng khoảng 12%. Số liệu của NHNN cho thấy tính đến hết tháng 10, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đã đạt khoảng 3.339.241 tỷ đồng, tăng 7,98% so với cuối năm 2012.

Theo ông Vũ Tiến Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN, mặc dù tín dụng đã có sự tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước nhưng so với mục tiêu tăng trưởng năm 2013 thì vẫn còn nhiều thách thức dù theo thông lệ càng về cuối năm tín dụng càng tăng trưởng nhanh.

Để bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, trong thời gian còn lại của năm, mỗi tháng giải ngân tín dụng phải tăng khoảng 1,5%, tương đương gần 40.000 tỉ đồng.

Nhấn mạnh đến con số ấn tăng trưởng tín dụng 7,89%, nếu gộp cả phần dư nợ tín dụng được xử lý qua trích lập dự phòng rủi ro, phát hành trái phiếu đặc biệt của VAMC và dự kiến tốc độ tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tin tưởng năm 2013 có thể cán đích mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12%.

“Trong quá trình điều hành, chúng tôi đã điều hòa lượng tiền lưu thông hợp lý. Ngoài ra cũng đã có số vốn tương ứng dự trữ để sẵn sàng cho tăng trưởng tín dụng cuối năm mà không ảnh hưởng tới kế hoạch cung tiền” – Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói.

Các giải pháp đang được NHNN tiếp tục thực hiện là: yêu cầu các NHTM tập trung nguồn vốn đáp ứng kịp thời cho các lĩnh vực ưu tiên, tiếp tục cơ cấu lại nợ và cho vay mới đối với những khách hàng gặp khó khăn tạm thời trong sản xuất, kinh doanh nhưng có phương án khả thi.

Đồng thời tích cực cho vay hỗ trợ tái canh cà phê, thu mua lúa gạo, đẩy mạnh cho vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho ngành bất động sản.

Bên cạnh đó, NHNN đang xem xét trình Thủ tướng cho vay vượt giới hạn cho phép (15% vốn tự có) đối với nhóm khách hàng có liên quan và vượt 25% vốn tự có đối với dự án quan trọng, dự án ưu tiên.