APEC với chuỗi hoạt động lớn thứ 2 trong năm

Theo baocongthuong.com.vn

Bên cạnh Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp APEC (SOM 2), các hoạt động trọng tâm trong Năm APEC 2017 cũng sẽ diễn ra sôi động trong các từ ngày 9-21/5/2017 tại Hà Nội và Ninh Bình.

Dự kiến sẽ có khoảng 2.000 đại biểu sẽ tham dự các hoạt động của APEC trong tháng 5 này. Nguồn: Internet
Dự kiến sẽ có khoảng 2.000 đại biểu sẽ tham dự các hoạt động của APEC trong tháng 5 này. Nguồn: Internet

Hội nghị Bộ trưởng Thương mại lần thứ 23 (MRT 23)

Trong buổi thông báo về lịch hoạt động của APEC sắp tới, bà Phạm Quỳnh Mai, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết: Hội nghị MRT 23 sẽ diễn ra trong các ngày 19-21/5/2017 tại Hà Nội. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh sẽ chủ trì Phiên khai mạc vào sáng 19/5.

Thêm nữa, trong ngày 19/5, hội thảo APEC về Đổi mới và Sáng tạo diễn ra với sự có mặt của 250 đại diện đến từ các doanh nghiệp trong khu vực, là cơ hội để các doanh nghiệp trao đổi về kinh nghiệm trong đổi mới và sáng tạo. Được biết, những sáng kiến của Việt Nam tại APEC 2017 gồm tăng trưởng bền vững, sáng tạo, bao trùm; Sáng kiến về hỗn hợp doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; Phát triển nguồn nhân lực; An ninh lương thực và phát triển bền vững.

MRT 23 còn có sự tham dự của Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevêdo, các lãnh đạo sẽ thảo luận về những đóng góp của APEC vào thành công của Hội nghị Bộ trưởng WTO, dự kiến tổ chức vào tháng 12/2017 tại Argentina. “Trong bối cảnh tình hình kinh tế có nhiều khó khăn sau việc đảm bảo hệ thống thương mại đa phương và vòng đàm phán Doha, chúng tôi hy vọng, với sự hiện diện của ngài Roberto Azevêdo sẽ đem lại một số kết quả khả quan”, bà Mai chia sẻ.

Tại MRT 23 lần này, các Bộ trưởng tiếp tục rà soát các hoạt động, các sáng kiến liên quan đến các nền kinh tế khu vực APEC như thương mại, chuỗi cung ứng, thương mại điện tử và công nghiệp hỗ trợ. Các lãnh đạo cũng sẽ thảo luận những sáng kiến, bước đi để hướng tới hoàn thành mục tiêu Bogor, đồng thời lắng nghe các kết quả của cuộc đối thoại nhiều bên về việc hướng tới tương lai, đưa ra những chỉ đạo, hoàn thiện sáng kiến để trình lên Hội nghị cấp cao thông qua.

Hội nghị các quan chức cao cấp tài chính (SFOM)

Nhân dịp này, Hội nghị các quan chức cao cấp tài chính (SFOM) sẽ được tổ chức tại Ninh Bình từ ngày 18 – 19/5, đây là hội nghị giữa kỳ các vấn đề liên quan đến tài chính tại APEC. Theo thông tin từ ông Nguyễn Đăng Khoa – Trưởng phòng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính, trong năm 2017 có 3 hội nghị liên quan đến công tác tài chính, bao gồm: Hội nghị các Thứ trưởng diễn ra vào tháng 2/2017 tại Nha Trang, Hội nghị giữa kỳ SFOM sắp tới vào tháng 5/2017 tại Ninh Bình và Hội nghị các Bộ trưởng tổ chức vào tháng 10/2017 tại Hội An.

Ông Khoa cũng đánh giá, hội nghị SFOM có ý nghĩa rất quan trọng, đánh giá tiến độ triển khai của các sáng kiến trong lĩnh vực tài chính. Dự kiến các kết quả sẽ trình lên Hội nghị Bộ trưởng vào tháng 10/2017. Tham dự Hội nghị giữa kỳ lần này, ngoài quan chức tài chính của 21 nền kinh tế, có đại diện của các tổ chức quốc tế lớn trên thế giới như World Bank, ADB, OECD và các đối tác tài chính khác.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đặc biệt muốn nhấn mạnh 4 chủ đề ưu tiên được thảo luận trong hội nghị SFOM, đó là: Đầu tư dài hạn trong cơ sở hạ tầng; Hợp tác chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS); Hợp tác về bảo hiểm rủi ro, thiên tai; Hợp tác trong lĩnh vực tài chính toàn diện.

Cùng thời gian diễn ra SFOM, Hội nghị lần thứ hai các quan chức APEC (SOM 2) sẽ chính thức khai mạc tại Hà Nội với sự chủ trì của Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao.

Đối thoại chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số

Đây là điểm nổi bật trong lịch hoạt động của APEC, bà Lê Kim Dung – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Đối thoại chính sách cao cấp về đào tạo nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số sẽ được tổ chức vào ngày 15/5. Tập trung vào 3 lĩnh vực: Tương lai việc làm và thị trường lao động trong kỷ nguyên số được đặt ra đối với nền kinh tế APEC; vấn đề đào tạo nghề trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; vấn đề về an sinh xã hội.

Từ đối thoại này, Việt Nam mong muốn đưa ra một khuôn khổ để hợp tác, thúc đẩy trong 3 lĩnh vực trên. Đây là một phiên mở giữa các nhà hoạch định chính sách với các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề nhằm gắn kết giữa đào tạo nghề và việc làm, ứng dụng được công nghệ số một cách có hiệu quả.

Theo bà Dung, dự kiến khoảng 200 đại biểu tham dự cuộc đối thoại, trong đó có các diễn giả, chuyên gia đầu ngành của ILO, World Bank và một số công ty lớn như Manpower, Citypost, Canon… Theo thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH, hiện đã có 18 trên tổng số 22 nền kinh tế đã đăng ký tham sự cuộc đối thoại này.