Bài học quý về phòng vệ sau vụ kiện kính nổi - dầu thực vật

Công ty Posco VST và Inox Hòa Bình là những doanh nghiệp ngành thép đầu tiên kiện chống bán phá giá. Tuy nhiên, trước đó, trong các biện pháp phòng vệ thương mại, đã xuất hiện hai vụ việc kiện tự vệ liên quan đến kính nổi và dầu thực vật. Dù kết quả khác nhau, nhưng đây chắc chắn cũng là bài học không nhỏ cho những doanh nghiệp đi sau…

Bài học quý về phòng vệ sau vụ kiện kính nổi - dầu thực vật
Dầu thực vật tinh luyện nhập khẩu vào Việt Nam bị áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời dưới dạng thuế nhập khẩu với mức 5%. Nguồn: Internet

Doanh nghiệp kính nổi: thiệt hại do... giá dầu F.O

Dựa trên những căn cứ cho rằng có sự gia tăng đột biến về nhập khẩu đối với mặt hàng kính nổi, dẫn đến sụt giảm về sản lượng, công suất, thị phận, lợi nhuận và nguy cơ cắt giảm lao động trong khu vực ngành sản xuất trong nước, ngày 5/5/2009 Công ty kính nổi Viglacera (VIFG) và Công ty Kính nổi Việt Nam (VFG) là 2 doanh nghiệp đại diện cho hơn 90% tổng sản lượng nội địa của loại mặt hàng này đã nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng kính nổi nhập khẩu vào Việt Nam.

Sau 7 tháng tiến hành điều tra, ngày 8/02/2010, Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương đã công bố báo cáo cuối cùng về kết quả điều tra. Trong báo cáo điều tra cuối cùng, cơ quan điều tra kết luận, tuy có sự gia tăng nhập khẩu và thiệt hại đối với sản xuất trong nước, song từ quí II/2009, thị phần của các nhà sản xuất trong nước đã có dấu hiệu phục hồi, cụ thể lượng bán hàng nội địa tăng lên, cùng với chiều hướng bắt đầu suy giảm của lượng hàng hóa nội địa tồn kho.

Trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu giai đoạn 2008-2009 cùng với những biến động trái chiều của giá dầu F.O tại thị trường Việt Nam so với thị trường thế giới, sự gia tăng nhập khẩu không phải là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước.

Từ những kết quả điều tra cơ bản trên, cùng với thực tế là thị phần của hàng nội địa đối với hàng hóa thuộc nhóm đối tượng bị điều tra, cho dù có suy giảm vẫn ở mức khá cao, hơn 80% tổng thị phần tiêu thụ nội địa, cơ quan điều tra đi đến kết luận cuối cùng là việc áp dụng các biện pháp tự vệ đối với sản phẩm kính nổi nhập khẩu là không còn phù hợp.

Như vậy, vụ điều tra áp dụng các biện pháp tự vệ đầu tiên của Việt Nam theo qui định của pháp luật WTO đã chấm dứt với kết quả không áp dụng các biện pháp tự vệ. Song đối với hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam, đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng bởi lần đầu tiên doanh nghiệp trong nước đã chủ động yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi của mình theo qui định của pháp luật WTO.

Biện pháp tự vệ tạm thời cho dầu thực vật: 5% thuế nhập khẩu

Cuối năm 2012,  Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) đã gửi đơn đến Bộ Công Thương yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng dầu đậu nành và dầu cọ nhập khẩu vào Việt Nam, giai đoạn điều tra là từ ngày 1/1 đến ngày 31/12/2012.

Vocarimex chiếm 28,27% tổng sản lượng được sản xuất trong nước, nên đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ đại diện để khởi kiện (25%), cùng với một số công ty khác ủng hộ đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ của Vocarimex, gồm Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An, Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân, Công ty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè. Bốn công ty gồm Vocarimex, Tường An, Cái Lân, Nhà Bè hiện chiếm 97,81% tổng sản lượng sản xuất hàng hoá tương tự với dầu thực vật nhập khẩu.

Mới đây, cuối tháng 4/2013, Bộ Công Thương đã quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời bằng cách áp dụng mức thuế nhập khẩu 5% đối với một số mã dầu thực vật tinh luyện nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam. Theo Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2009-2012, lượng hàng hóa thuộc đối tượng điều tra nêu trên có sự gia tăng cả về tương đối và tuyệt đối. Sự gia tăng này đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất trong nước.

Điều này thể hiện qua sự sụt giảm thị phần, doanh thu, lợi nhuận, công suất, nhân công và gia tăng hàng tồn kho. Đặc biệt, sự sụt giảm này được thể hiện rõ rệt trong năm 2012 và có xu hướng tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Nếu tình hình này tiếp diễn, sản xuất trong nước sẽ không tránh khỏi việc tiếp tục bị mất thị phần doanh thu, lợi nhuận giảm và sản xuất bị đình đốn.

Trước tình hình trên, ngành sản xuất trong nước có nguy cơ phải ngừng sản xuất nếu biện pháp tự vệ tạm thời không được áp dụng nhanh chóng.

Biện pháp tự vệ tạm thời dưới dạng thuế nhập khẩu với mức 5% đối với mặt hàng dầu thực vật tinh luyện nêu trên nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam được áp dụng từ ngày 7/5/2013 (trừ những nước được liệt kê trong danh mục loại trừ), trong khoảng thời gian không vượt quá 200 ngày.

Theo các chuyên gia thương mại, các doanh nghiệp tại nhiều nước trong khu vực, kể cả doanh nghiệp Việt Nam, ngày càng nhận thấy kiện chống bán phá giá và tự vệ là công cụ có thể bảo hộ nền sản xuất trong nước, và các doanh nghiệp bắt đầu biết cách sử dụng công cụ này, đặc biệt trong thời kỳ kinh tế suy thoái.