Băn khoăn trước kỳ “sát hạch”

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Theo ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch LienVietPostBank, nếu áp dụng Thông tư 02/2013/TT-NHNN (Thông tư 02) đúng hạn định sẽ rất khó khăn cho các ngân hàng, trong đó khó nhất là khoản phải trích lập dự phòng đầy đủ sẽ cao hơn, tác động lên hiệu quả hoạt động kinh doanh ngân hàng.

Băn khoăn trước kỳ “sát hạch”
Phân loại nợ theo quy định mới sẽ tác động vào lợi nhuận nhiều ngân hàng. Nguồn: internet

Thông tư 02 sẽ có hiệu lực vào ngày 1/6/2014 về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng tiệm cận chuẩn mực quốc tế. Thế nhưng một số ngân hàng trong nước đề nghị tiếp tục gia hạn, trong khi khối các ngân hàng nước ngoài lại muốn sớm thực thi các quy chuẩn mới. Áp dụng Thông tư 02 đồng nghĩa với việc hoàn thành sứ mệnh và vai trò lịch sử của quy định gia hạn nợ.

Nỗi lo còn đó

Trong một cuộc tiếp xúc với báo giới mới đây, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho biết, nếu không gia hạn và sửa đổi một số điểm trong Thông tư 02 sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng. Mục tiêu Thông tư 02, giúp ngân hàng tiếp cận được các chuẩn mực quốc tế, nhưng thời hạn áp dụng sẽ phù hợp hơn trong điều kiện kinh tế ổn định.

Thực tế, hiện nay các ngân hàng không thể thu hồi nợ cùng một lúc và theo ý chí chủ quan là thu được ngay do tính luân chuyển và sự suy giảm dòng tiền vẫn tồn tại. Theo ông Hưởng, nếu áp dụng Thông tư 02 đúng hạn định sẽ rất khó khăn cho các ngân hàng, trong đó khó nhất là khoản phải trích lập dự phòng đầy đủ sẽ cao hơn, tác động lên hiệu quả hoạt động kinh doanh ngân hàng.

Cùng quan điểm này, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Quyền Tổng giám đốc SCB cho rằng, cần thiết lùi thời gian áp dụng Thông tư 02 lại so với dự kiến tháng 6/2014. Do hiện tình hình sức khỏe từng ngân hàng, cơ quan thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước nắm rất rõ để kiểm soát nợ xấu, chứ không phải áp dụng các tiêu chuẩn mới về phân loại nợ sẽ hạn chế nợ xấu ngay.

Theo ông Văn, hơn một năm qua, để chia sẻ những khó khăn cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã có Quyết định 780/QĐ - NHNN ngày 23/4/2012 gia hạn thời gian trả nợ cho những khoản vay đến kỳ hạn trả, mới đây tiếp tục có văn bản 7558/NHNN - TD ngày 14/10/2013, thêm một bước tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp còn nợ xấu có thể vay vốn mới nếu có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả. Nhưng các ngân hàng cũng chần chừ không dám cho doanh nghiệp còn nợ xấu vay mới, do đầu ra sản phẩm hàng hóa yếu như hiện nay thì khó tìm được dự án đầu tư khả thi.

“Tự thân ngân hàng đang rất thận trọng kiểm soát chất lượng khoản vay để hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh” – ông Văn nói.

Việc các ngân hàng thận trọng với nợ xấu phát sinh không phải không có lý do. Những năm trước đây, nợ xấu xuất hiện rải rác trong doanh nghiệp do làm ăn kém hiệu quả, nhưng hiện nay sức mua chưa phục hồi hoàn toàn đã tác động rất lớn lên đời sống kinh doanh của doanh nghiệp. Một số ngân hàng lo khó có thể giải quyết dứt điểm nợ gốc chưa nói đến thu lãi đối với những khoản vay trong một sớm một chiều. Trong khi nguồn thu của hệ thống ngân hàng trong nước hiện có trên 70% tạo lập từ tín dụng, nếu nợ xấu phình ra đòi hỏi nhiều vốn hơn phải giữ lại để phòng ngừa rủi ro, lợi nhuận sẽ bị thu hẹp.

Không còn lý do trì hoãn

Thông tư 02 ban hành vào đầu năm 2013, ngay sau đó đã có sửa đổi một số điểm cho phù hợp với điều kiện thị trường và dành khoảng thời gian 15 tháng mới áp dụng. Trong thời gian này, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng Quyết định 780/QĐ - NHNN ngày 23/4/2012 để gia hạn nợ cho doanh nghiệp.

Sau hơn một năm tạm hoãn thời gian trả nợ, đến nay có những doanh nghiệp đã được gia hạn 2-3 lần. Nhiều doanh nghiệp cho biết, không thể tiêu thụ được hàng hóa nên chưa thu hồi được vốn để trả nợ, nhưng cũng phải tìm mọi phương án để có tiền trả nợ, không thể chờ ngân hàng gia hạn mãi được. Bên cạnh đó, sự chặt chẽ trong phân loại nợ, trích lập dự phòng và quy định trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 02 được giới phân tích ví von như chiếc gương phản chiếu “soi” sức khỏe từng ngân hàng.

Vì thế, để có thời gian chuẩn bị cho kỳ sát hạch, Ngân hàng Nhà nước đã lùi thời hạn áp dụng Thông tư 02 đến giữa năm 2014 với kỳ vọng kinh tế phục hồi và cũng để cho các ngân hàng sắp xếp lại hoạt động tín dụng của mình.

Hầu hết các ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam không bị vướng vào sự “dích dắc” trong quan hệ tín dụng, nên gần như không vướng vào các quy định trong Thông tư 02. Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đánh giá, các quy định của Thông tư 02 đã tiếp cận được chuẩn mực quốc tế nên khi áp dụng sẽ hạn chế được rủi ro cho hoạt động cho vay. Việc áp dụng Thông tư 02 vào thị trường nhằm đưa hoạt động ngân hàng an toàn hơn, nhất là trong bối cảnh hiện nợ xấu rất phức tạp.

Ông Tay Hang Chong, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Mê Kông (MDB) phân tích: sau hơn một năm gia hạn áp dụng Thông tư 02, các ngân hàng đã có thể chuẩn bị kỹ lưỡng để quản lý tốt kết quả kinh doanh theo chuẩn mực mới.

Ông Chong tin tưởng rằng, bằng việc dọn dẹp nợ xấu thông qua công cụ Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), các ngân hàng đã chủ động bán khoảng 30.000-35.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC trong năm 2013. Chưa kể theo số liệu do VAMC công bố, đến cuối năm 2013 có hơn 20 tổ chức tín dụng gửi hồ sơ đề nghị chào bán nợ xấu cho công ty này với tổng giá trị trên 40.000 tỷ đồng thì không cần thiết phải hoãn thêm thời gian thực hiện Thông tư 02.

Theo ông Chong, ngay từ lúc này, các ngân hàng đã có những chuẩn bị căn bản, nhất là trong việc xử lý nợ xấu để khi Thông tư 02 chính thức có hiệu lực sẽ giảm bớt nhiều khó khăn. Không chỉ những khoản vay thông thường, mà nợ xấu có thể có ngay trong những khoản đầu tư trái phiếu và ủy thác đầu tư mà các ngân hàng loại ra khỏi danh mục đáng ra phải tính vào trong thống kê tăng trưởng cho vay.

Một chuyên gia nước ngoài nhận định, nếu các cách xử lý nợ xấu thông qua VAMC có hiệu quả thì việc áp dụng Thông tư 02 vào giữa năm sau hoàn toàn phù hợp. Khi đó, nợ xấu đã có VAMC trợ thủ cho các tổ chức tín dụng xử lý và VAMC cũng chính là cánh cửa bọc lót cuối cùng cho các ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu để tiến thêm một bước gần hơn với các chuẩn mực quốc tế.

Sự sốt sắng của ngân hàng ngoại trong việc thực thi Thông tư 02 còn có nguyên nhân họ không bị lệ thuộc vào cho vay, thế mạnh nguồn thu của khối ngoại vẫn là dịch vụ.

Theo nhận định của TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, với tình hình năm nay, khi sức mua của thị trường và hàng tồn kho còn là rào cản trong quá trình phát triển tín dụng thì các ngân hàng cũng khó có thể kỳ vọng được lợi nhuận cao. Điều quan trọng hơn vẫn là kiểm soát được rủi ro nợ xấu và chất lượng các khoản vay. Vì thế, việc đưa vào áp dụng các chuẩn mực mới theo tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động cho vay là cần thiết để hạn chế nợ xấu. Còn với mục tiêu tăng trưởng tín dụng không nhất thiết phải đạt được bằng mọi giá, nếu ồ ạt đẩy vốn ra thị trường mà không kiểm soát được rủi ro, hậu quả sẽ khó lường.