Góp ý Dự thảo Nghị định thi hành Luật Doanh nghiệp:

Băn khoăn việc doanh nghiệp nên hay không nên có con dấu

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Taichinh) - Từ ngày 1/7/2015, Luật DN sửa đổi sẽ có hiệu lực, do đó Ban soạn thảo đang gấp rút xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật. Tuy nhiên, tại cuộc hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định tổ chức sáng 13/5, DN và các chuyên gia vẫn băn khoăn về những vấn đề liên quan đến con dấu.

các chuyên gia vẫn băn khoăn về những vấn đề liên quan đến con dấu. Nguồn: internet
các chuyên gia vẫn băn khoăn về những vấn đề liên quan đến con dấu. Nguồn: internet

DN nên có hay không nên có con dấu?

Phát biểu tại Hội thảo, Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng Luật sư NH Quang và cộng sự (Hà Nội)chia sẻ, hiện nay dư luận đang băn khoăn không biết sắp tới DN có buộc phải có con dấu hay không?

Theo ông Lập, nếu DN không có con dấu sẽ dẫn đến nhiều hậu quả rườm rà khác như phải công chứng chữ ký và khi đi giao dịch DN buộc phải mang theo giấy đăng kí kinh doanh. Về vấn đề này, trong Luật DN sửa đổi chưa quy định rõ nên đề nghị phải có quy định rõ ràng, cụ thể về việc DN có con dấu hay không có, và nếu có thì có một hay nhiều con dấu.

Không đồng tình với ý kiến của Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Luật sư Trần Vũ Hải, Văn phòng Luật sư Trần Vũ Hải (Hà Nội)cho rằng, xã hội đang ngày càng phát triển hiện đại và linh hoạt hơn. Đồng nghĩa với điều đó là việc chấp nhận DN không cần thiết phải có con dấu khi giao dịch. Ví dụ như các giao dịch bán hàng trên mạng internet hiện nay đang không cần đến con dấu.

“DN có thể cần hoặc không cần con dấu. Tôi cho rằng, đến lúc chúng ta nên bỏ con dấu của DN, đồng thời thay đổi các quy định tại các luật khác về việc DN phải có con dấu”, Luật sư Hải nói.

Trả lời các thắc mắc, kiến nghị tại Hội thảo, ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: "Quy định đã thống nhất là DN vẫn có con dấu, còn trong từng trường hợp cụ thể DN có quyền quyết định sử dụng hay không".

Con dấu nào có giá trị pháp lý?

Trong phần trình bày góp ý tại Hội thảo, đại diện Công ty Luật Allens bà Nguyễn Bích Ngọc cho biết, tại Điều 34 có quy định trước khi sử dụng con dấu, DN phải thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, trong trường hợp thay đổi mẫu dấu DN lại không cần thông báo thay đổi trước khi sử dụng con dấu mới. Việc thông báo này được thực hiện trong vòng 10 ngày sau khi có con dấu.

“Như vậy thì trong khoảng thời gian 10 ngày này, trong các hoạt động giao dịch làm ăn của DNcon dấu mới hay con dấu cũ sẽ có giá trị pháp lý. Quy định này rõ ràng là chưa cụ thể. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị DN cần thực hiện nghĩa vụ thông báo trước khi thay đổi mẫu dấu và sử dụng con dấu mới để phù hợp với cách tiếp cận khi thông báo sử dụng con dấu lần đầu tiên. Nếu trong 10 ngày DN có con dấu mới mà chưa thực hiện thông báo thì bên thứ ba không thể xác định được việc DN đã có con dấu mới và liệu con dấu cũ khi đó còn giá trị pháp lý hay không. Điều này sẽ dẫn đến nhiều phức tạp và hệ lụy về sau”, bà Ngọc nói.

Ngoài ra, theo Luật sư Trần Đăng, Trưởng phòng Thủ tục pháp lý, Tập đoàn Vingroup, tại Điều 21 khoản 1 quy định Chủ DN tư nhân, chủ sở hữu, hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông quyết định số lượng, nội dung, hình thức con dấu, hủy hoặc thay đổi mẫu dấu; quyết định việc quản lý, sử dụng con dấu. Song, tại điều 135 Luật Doanh nghiệp 2014 lại quy định, Đại hội đồng cổ đông không có thẩm quyền về việc quyết định con dấu.

Trong trường hợp này, theo ông Đăng nên thay cụm từ “Đại hội đồng cổ đông” bằng “Hội đồng quản trị” quyết định về con dấu thì sẽ hợp lý hơn.

Ông Đăng phân tích thêm: Sửa đổi Luật DN nhằm mục đích chính là tạo thuận lợi hơn nữa về thủ tục hành chính và gỡ vướng cho DN hoạt động tốt hơn, thông thoáng hơn. Trên thực tế, việc thay đổi con dấu đối với mỗi DN chỉ là công việc mang tính sự vụ.

"Do vậy, để Hội đồng quản trị quyết định về con dấu mới tạo được sự chủ động linh hoạt, nhất là các công ty cổ phần niêm yết đại chúng quy mô lớn, với hàng chục nghìn cổ đông như vậy mà mỗi lần làm con dấu, thay đổi con dấu phải họp Đại hội đồng cổ đông thì sẽ rất phiền hà, tốn kém cho DN", ông Đăng nêu ý kiến.