Bán lẻ âm thầm vào cuộc đua

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Bất chấp những đánh giá tụt hạng về tính hấp dẫn được đưa ra trước đó, đã có thêm nhiều tên tuổi mới nhảy vào thị trường bán lẻ Việt Nam.

 Bán lẻ âm thầm vào cuộc đua
Cuộc đua trên thị trường bán lẻ đang diễn ra ngày càng khốc liệt hơn. Nguồn: internet
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp (DN), bên cạnh cuộc đua mở rộng điểm bán diễn ra rầm rộ của nhiều hãng, thực chất ngành bán lẻ đang có những bước chuyển động khá âm thầm của các DN nhằm chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh sẽ chính thức diễn ra vào năm 2015, khi thị trường mở cửa hoàn toàn.

Những cái tên vốn đình đám trong lĩnh vực bất động sản, công nghiệp… đã bất ngờ mở ra hàng loạt siêu thị, trung tâm mua sắm không còn là điều xa lạ với thị trường bán lẻ trong thời gian gần đây. Bởi cuộc đua trên thị trường không chỉ là những "người cũ" vốn đã quen tên, mà còn có thêm nhiều "tay chơi mới" góp mặt, như: Sơn Hà với chuỗi siêu thị Hiway, Đại Dương với OceanMart, hay Vingroup với VinKC…

Bức tranh sôi động

Dù là "lính mới", nhưng sự xuất hiện đình đám của các hãng bán lẻ trên cũng làm cho không ít đại gia đã thành danh trên thị trường bán lẻ Việt Nam phải dè chừng. Cũng bởi, điểm chung mạnh nhất của những nhà bán lẻ này là có tiềm lực rất mạnh về bất động sản, tài chính, sở hữu không ít vị trí đắc địa tại những trung tâm kinh tế lớn, như: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đây là "quân bài" mà không ít đại gia lớn trong ngành bán lẻ vốn đã nổi tiếng trên thị trường, như: SaigonCo.op, Big C, Fivimart… cũng không có được.

Một số chuyên gia trong ngành nhận định trong bối cảnh thị trường bán lẻ Việt Nam đang có những bước chuyển mạnh mẽ khi các DN đầu tư, mở rộng quy mô, thì chiến lược gia tăng điểm bán, chuỗi siêu thị là một trong những cách thức giúp DN gia tăng sức mạnh trên thị trường. Do đó, với những nhà bán lẻ đi sau, dù chưa có nhiều kinh nghiệm thị trường, nhưng với những "quân bài" về vị trí, điểm bán, sẽ giúp "lính mới" thâm nhập thị trường.

Mặc dù đã lỡ hẹn mở điểm bán thứ hai, song Hiway vẫn đang tích cực chuẩn bị cho kế hoạch này; trong khi đó, OceanMart cũng liên tiếp cho khai trương 3 điểm bán tại Hà Nội và chuẩn bị mở thêm 1 điểm bán vào tháng 11 tới. VinKC lại ghi dấu ấn với thương hiệu bán lẻ chuyên biệt cho khách hàng là trẻ em…

Trong năm 2013, mặc dù cuộc đua mở chuỗi của thị trường bán lẻ không sôi động như năm 2012, nhưng theo nhiều DN, đây lại thời điểm mà các nhà bán lẻ có sự đầu tư mạnh mẽ nhất để tập trung mọi nguồn lực tài chính, hệ thống điểm, quản trị và gia tăng chất lượng dịch vụ. Có nhiều DN rời khỏi thị trường, tái cấu trúc lại, nhưng cũng có không ít liên doanh, liên kết mới giữa hãng nội với các nhà bán lẻ nước ngoài đã được thành lập, mở ra những quy mô và tiềm năng lớn trong phát triển.

Đơn cử như "ông lớn" chiếm thị phần nhất nhì tại thị trường là SaigonCo.op đã liên doanh với tập đoàn hàng đầu Singapore là NTUC FairPrice để mở đại siêu thị Co.opXtraplus; Trần Anh hợp tác hãng điện máy NojimaCorp của Nhật Bản để tiến quân vào miền Nam; hoặc có những thông tin "lính mới" Hiway cũng bán cổ phần cho hãng ngoại là một nhà bán lẻ Nhật để gia tăng nguồn lực. Trong khi đó, dù chuỗi cửa hàng tiện lợi cùng liên doanh với FamilyMart của Nhật Bản kết thúc, nhưng hãng nội Phú Thái đã tự xây dựng lại thương hiệu bán lẻ mới với cái tên BsMart.

Âm thầm xây dựng nguồn lực

Cùng với đó, hàng loạt tên tuổi ngoại cũng có kế hoạch thâm nhập mạnh vào thị trường, như: Lotte của Hàn Quốc, Aeon của Nhật Bản, hay Berli Jucket của Thái Lan…

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc hình thành các liên doanh, liên kết là một hướng đi phù hợp của các DN nội trước sức ép cạnh tranh và cuộc đổ bộ ngày càng mạnh của các hãng ngoại vào thị trường bán lẻ Việt Nam.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng thị trường đang có những bước chuyển khá mạnh mẽ, khi các nhà bán lẻ đưa ra những chiến lược kinh doanh có tính dài hơi hơn để gia tăng sức mạnh cạnh tranh. Thêm vào đó, việc các nhà bán lẻ ngoại nhảy vào cũng là chất xúc tác giúp thị trường thêm sôi động và là động lực để các nhà bán lẻ nội đưa ra những chiến lược kinh doanh phù hợp với yêu cầu thị trường, đặc biệt trong gia tăng nguồn lực hệ thống, tài chính và kinh nghiệm. Do vậy, cuộc đua trên thị trường bán lẻ đang diễn ra ngày càng khốc liệt hơn, và bán lẻ nội đã có những bước đi khôn ngoan, thận trọng hơn.

Có không ít ý kiến cho rằng hãng ngoại đang thống lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam. Song với sự vươn lên của không ít nhà bán lẻ có tên tuổi trong nước, cùng sự tham gia của nhiều "lính mới" có tiềm lực khá mạnh, các DN cho rằng thị trường bán lẻ Việt Nam hiện đang ở thế cân bằng, mà những cơ hội và thuận lợi đang nghiêng về hãng nội.

Do đó, trước khi thị trường chính thức mở cửa vào năm 2015, khi các nhà bán lẻ ngoại được "thoải mái" gia nhập thị trường, thì những kế hoạch nâng cao nguồn lực, sức cạnh tranh đang được các DN nội âm thầm thực hiện để sẵn sàng "đối đầu".