Bán lẻ Việt ở đâu khi sân nhà không còn là ưu thế?

Theo Nhật Linh/thoibaokinhdoanh.vn

Các doanh nghiệp (DN) bán lẻ Việt Nam đang ở đâu và làm gì trước nguy cơ sân nhà không còn là ưu thế? Có lẽ, mỗi nhà bán lẻ cần tự tìm cho mình một hướng đi an toàn, nhất là khi phần lớn các nhà bán lẻ Việt Nam chỉ đang ở quy mô trung bình và nhỏ nên việc “chọn sân để chơi” cũng là điều nên cân nhắc.

Các DN bán lẻ Việt Nam đang ở đâu và làm gì trước nguy cơ: sân nhà không còn là ưu thế. Nguồn: internet
Các DN bán lẻ Việt Nam đang ở đâu và làm gì trước nguy cơ: sân nhà không còn là ưu thế. Nguồn: internet

Chọn sân để chơi

Ông Phạm Thái Bình, Trưởng Bộ phận Bán lẻ, Savills TP. Hồ Chí Minh, đánh giá, với việc quay trở lại thứ hạng 6 trên toàn thế giới theo Chỉ số phát triển bán lẻ năm 2017 của AT Kearney, Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp bán lẻ như: niềm tin của khách hàng, sự bùng nổ của thương mại điện tử, tự do thương mại và hạ tầng cơ sở liên tục được nâng cấp và phát triển. 

Thêm vào đó, thị trường bán lẻ tại Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển bởi mật độ bán lẻ tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hiện vẫn còn khá thấp, mới chỉ khiêm tốn ở mức từ khoảng 0,26 và 0,12 m2 bán lẻ/người, thấp hơn nhiều so với các thành phố khác trong khu vực như Bangkok, Singapore và Kuala Lumpur. 

Theo ông Bình, thị trường bán lẻ Việt Nam mở cửa chính thức vào năm 2015. Tuy nhiên, trước thời điểm đó chúng ta đã có sự hiên diện của Siêu Thị Cora - tiền thân của BigC ngày nay và Siêu thi Metro nay đổi thành Mega Market. 

Cuộc chơi bán lẻ đã chính thức khởi động từ năm 2014, khi thị trường Việt Nam chào đón những thương hiệu lớn như Aeon, Central Group, Tập đoàn TCC (Thái Lan), hay Auchan. Và trong thời gian qua, chúng ta cũng đã chứng kiến nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) diễn ra trên rất nhiều lĩnh vực mà trong đó nội cộm là các thương vụ mua lại Metro, BigC, Nguyễn Kim. 

Nhiều chuyên gia đã nhận định, đây là bước đi khôn ngoan của các thương hiệu lớn. Có thể thử làm một phép tính cho một nhà bán lẻ phát triển từ số 0, họ sẽ phải mất công sức xây dựng, tìm hiểu nghiên cứu thị thiếu tiêu dùng của người Việt Nam, chưa nói đến vô vàn các thủ tục giấy tờ… Quan trọng nhất chính là thời gian để thị trường nhận diện cũng như chấp nhận thương hiệu. 

Đây cũng là bài học của rất nhiều nhà bán lẻ đi trước nên việc mua lại xem như vừa nhanh chóng, dễ dàng và an toàn. Nhanh ở đây là nhanh chiếm thị phần, dễ dàng ở việc thâm nhập vào thị trường và an toàn là nhìn ra ngay được tình hình thực tế trước khi đi đến quyết định. 

Bên cạnh những tên tuổi đã đề cập ở trên, thị trường bán lẻ Việt Nam cũng trông đợi những động thái từ các “ông lớn” như Walmart, Tesco hay Carefour. Dù đã phát triển mạnh, nhưng dường như trải nghiệm của các thương hiệu này tại thị trường Châu Á không mấy suôn sẻ, bởi đặc thù văn hóa đa dạng, cộng với tác động khủng hoảng ngay trên sân nhà, nên khả năng phải cần thêm thời gian để củng cố. 
 
Như vậy, các DN bán lẻ Việt Nam đang ở đâu và làm gì trước nguy cơ: sân nhà không còn là ưu thế? Có lẽ, mỗi nhà bán lẻ cần tự tìm cho mình một hướng đi an toàn, như việc tránh đối đầu và hướng tới các thị trường mà các đối thủ ngoại chưa có kế hoạch thâm nhập, như các tỉnh và vùng xa, để tận dụng tối đa lợi thế nắm vững văn hóa tập quán, vùng miền. Bên cạnh đó, phần lớn nhiều nhà bán lẻ Việt Nam chỉ đang ở quy mô trung bình và nhỏ nên việc “chọn sân để chơi” cũng là điều nên cân nhắc. 

Làm chủ chuyển sang làm thuê

Bên cạnh đó, ông Bình cũng đánh giá, các nhà cung cấp hay sản xuất cho thị trường bán lẻ cũng đang phải đối mặt vô vàn khó khăn, khi các DN bán lẻ ngoại luôn đi song hành cùng các nhà cung cấp ngoại với tỉ lệ 1/3, tương đương với nhà cung cấp nội cũng như các nước trong khu vực. 

"Nghe thì rất hợp lý và công bằng nhưng đằng sau đó luôn là một câu chuyện không hồi kết", ông Bình nói và ví dụ việc các siêu thị ngoại cạnh tranh nhau bằng loại hình Own brand (nhãn hàng riêng của Siêu thị) với tiêu chí rẻ, chất lượng, mẫu mã đẹp và luôn được ưu tiên điểm trưng bày tốt. Điều này vô hình dung đang tạo nên làn sóng cạnh tranh trực tiếp, phần nào ảnh hưởng đến các nhà cung cấp nội. Khi không còn đủ sức cạnh tranh, các DN nội phải chuyển thành đơn vị gia công cho chính các DN ngoại bán lẻ này. 

Trên thực tế, tình trạng “làm chủ chuyển sang làm thuê” đã không còn xa lạ và ngày một nhân lên khi các nhà sản xuất muốn tồn tại. Song song đó, để cạnh tranh trực tiếp với các nhà cung cấp ngoại, thực sự chúng ta vẫn còn nhiều việc phải bàn đến như chất lượng sản phẩm, mẫu mã, xuất xứ… 

"Lúc này, giá cả đã không còn là yếu tố quan trọng và để tồn tại, các doanh nghiệp nội sẽ không chọn cách đối đầu với các nhà cung cấp ngoại mà chọn đối thủ ngang tầm hơn, dẫn đến tình trạng “quân ta đánh quân mình” để tìm cơ hội. Và chuyện các nhà bán lẻ nội “ngồi lại bên nhau”, liên kết hợp sức lại trở nên khá thiếu thực tế, xa vời trong giai đoạn có thể gọi là sống còn này", ông Bình nhận định.