Bản lĩnh doanh nghiệp, doanh nhân Việt

Theo baodautu.vn

(Tài chính) Việt Nam chưa có một thương hiệu mang tầm thế giới như Apple, Google, Samsung, Huawei, Toyota..., nhưng đang sở hữu một tài sản vô giá là một thế hệ doanh nhân hừng hực hoài bão, khát khao làm giàu cho đất nước.

Bản lĩnh doanh nghiệp, doanh nhân Việt
Dưới sự chèo lái của bà Phạm Thị Việt Nga, Dược Hậu Giang đã trở thành thương hiệu dược số một Việt Nam. Nguồn: baodautu.vn
Lớn mạnh từng ngày

Việt Nam đang vẽ tên mình trên bản đồ kinh tế thế giới với những nét bút ngày càng tự tin hơn, thông qua sự lớn mạnh từng ngày của các doanh nghiệp (DN) Việt.

Trong một sân chơi bình đẳng, những DN Việt, với khát vọng, hoài bão, tầm nhìn và chiến lược hợp lý, đang cạnh tranh sòng phẳng với các DN mạnh của thế giới.

Đã không ít lần, trong những cuộc cạnh tranh công khai trên trường quốc tế, DN Việt Nam đã là người chiến thắng.

Đó là một Viettel “mang chuông đi đánh xứ người” trong lĩnh vực viễn thông và đã trụ vững tại 7 quốc gia trên thế giới.

Tập đoàn này đang hướng đến một thị trường quy mô 1 tỷ dân và phủ sóng tới 15-20 quốc gia trên thế giới trong vài năm tới.

Đó còn là PVN đang hiện diện tại nhiều quốc gia trên thế giới và đã chi hơn 1 tỷ USD đầu tư ở nước ngoài. PVN dự kiến sẽ tiếp tục mua các tài sản dầu khí nước ngoài và kỳ vọng đến năm 2020 sẽ sản xuất được khoảng 100.000 thùng dầu mỗi ngày ở nước ngoài, tăng gấp 4 lần so với mức kỳ vọng đạt được trong năm nay.

Ngoài Viettel, PVN, những cái tên như Vinamilk, Trung Nguyên, Hoàng Anh Gia Lai… cũng được thế giới ghi nhận.

Được thế giới vinh danh

Bên cạnh các thương hiệu, Việt Nam còn xuất hiện một thế hệ doanh nhân, với khát khao làm giàu cho bản thân, làm giàu cho đất nước, đã được thế giới vinh danh.

Mới đây nhất, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, đã được Forbes ví như “Donald Trump của Việt Nam”, được Forbes xếp thứ 974 trong danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới và là người Việt Nam đầu tiên có mặt trong danh sách này.

Hai người phụ nữ Việt Nam cũng đã được Forbes tôn vinh vào danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á năm 2013. Đó là bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Vinamilk và bà Phạm Thị Việt Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Dược Hậu Giang.

Forbes đánh giá, bà Liên đã xây dựng Vinamilk không chỉ trở thành một trong những thương hiệu uy tín của Việt Nam, mà còn được kính trọng trên khắp châu Á và vị giám đốc điều hành năng động này đã biến Vinamilk trở thành một trong những DN chủ lực của nền kinh tế Việt Nam. Bà Liên đặt mục tiêu đưa Vinamilk lọt vào top 50 DN sản xuất sữa lớn nhất thế giới trong 5 năm tới, với doanh thu 3 tỷ USD.

Còn với bà Phạm Thị Việt Nga, Forbes đánh giá, kể từ khi gia nhập Công ty Dược Hậu Giang năm 1988, bà Nga đã biến một xí nghiệp bên bờ vực phá sản thành công ty dược lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Dược Hậu Giang hiện sản xuất và kinh doanh hơn 300 loại dược phẩm, trở thành thương hiệu dược số một Việt Nam và giành lại thị trường nội địa từ các hãng nước ngoài.

Trước đó, năm 2011, Wall Street Jourrnal đã bình chọn ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai là một trong những doanh nhân quyền lực nhất khu vực Đông Nam Á. Wall Street Jourrnal đánh giá Bầu Đức là “một trong những nhân vật chính của nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam”.

Theo Wall Street Jourrnal, không chỉ là người nắm giữ lượng của cải lớn trong nước, ông Đức còn tham gia đầu tư vào các lĩnh vực cao su, khai khoáng, bất động sản, thủy điện tại Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan.

Một nhân hiệu khác của Việt Nam cũng được báo chí quốc tế chăm sóc kỹ lưỡng là ông Đặng Lê Nguyên Vũ, CEO Tập đoàn Trung Nguyên, với tuyên ngôn khá nổi tiếng: “Đất nước không thể mạnh nếu thiếu những cá nhân giàu có”. Giới truyền thông thế giới thừa nhận, ông Vũ đã có “danh xưng của một ông hoàng” (Reuters), là “vua Cà phê” (Forbes).

Ngoài việc xây dựng cà phê Trung Nguyên thành thương hiệu quốc tế, ông Vũ luôn cổ động một hoài bão là góp sức mình đưa Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu, chinh phục và ảnh hưởng. Ông xác định 3 mục tiêu phải làm là: toàn cầu hóa Trung Nguyên; đóng góp vào chiến lược quốc gia cho một Việt Nam hùng mạnh; theo đuổi học thuyết cà phê trên phạm vi toàn cầu.