Bán vé máy bay “ảo”

Theo anninhthudo.vn

(Tài chính) Nắm bắt nhu cầu đi lại của người dân bằng đường hàng không vào thời điểm cuối năm tăng mạnh, một số đối tượng đã lợi dụng bán vé “ảo” cho khách hàng khiến không ít người lâm vào cảnh trớ trêu.

 Bán vé máy bay “ảo”
Hành khách nên đến đại lý của các hãng hàng không để mua vé trực tiếp, tránh trường hợp bị mua phải vé giả. Nguồn: internet
Chiêu lừa ngoạn mục

Chị Trần Diệu Linh, ở Phú Xuyên, Hà Nội cho hay, hơn 1 tuần trước, chị nhờ con trai đặt mua vé máy bay giá rẻ tuyến Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh từ một cá nhân trên mạng và đã hoàn tất việc thanh toán. Sau đó, người bán cho biết hôm sau sẽ chuyển vé đến tận nhà cho chị.

Vài ngày sau do chưa thấy người bán chuyển vé như đã hứa, chị Linh gọi điện lại thì không thể liên lạc được. Biết mình bị lừa, chị Linh vội lên mạng tìm lại thông tin cá nhân của người tự xưng là đại lý của một hãng hàng không thì toàn bộ thông tin của người này đã biến mất. 

Nắm bắt nhu cầu đi lại của người dân nên ngay từ thời điểm này, các hãng hàng không như Vietnam Airlines (VNA), VietJetAir, Jetstar…đã mở bán vé máy bay trong dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh các hãng hàng không giá rẻ thì VNA vẫn là hãng được nhiều khách hàng lựa chọn bởi ưu điểm giá vé không quá chênh lệch nhưng hành lý ký gửi tới 20kg, bay nhiều chuyến, nhiều chặng và ít có khả năng bị lỡ chuyến bay.

Bên cạnh đó, hãng này còn cho phép các hạng vé không khuyến mãi linh hoạt thời gian hơn trong việc hoàn và huỷ vé, theo đó khách hàng có thể hoàn vé hoặc huỷ vé trước 24h bay với một khoản phí bắt buộc theo quy định của hãng. Lợi dụng kẽ hở này, một số đối tượng đã thực hiện việc rao bán vé máy bay đi lại trong dịp Tết với giá rẻ hơn bình thường. 

Anh Nguyễn Minh Hiếu - một đại lý bán vé máy bay của hãng VNA cho hay, một số đối tượng đưa ra mức giá bằng một nửa giá vé của VNA, sau đó, liên lạc với những người có nhu cầu, nếu khách hàng chấp thuận mua vé, các đối tượng này sẽ gọi điện đến hãng đặt vé đầy đủ thông tin ngày giờ chuyến bay, tên hành khách và thực hiện thanh toán bình thường.

Để tạo lòng tin, họ còn gửi thông tin về vé để khách kiểm tra. Tuy nhiên, với thông tin cá nhân mà khách hàng đã cung cấp, đối tượng lừa đảo sẽ âm thầm gửi yêu cầu tới VNA yêu cầu hoàn vé, nhận tiền bồi hoàn rồi biến mất. 

Kể lại câu chuyện của mình, chị Trần Mai Phương, ở phường Đức Giang, quận Long Biên cho hay, chị đã mua vé máy bay qua mạng tuyến Hà Nội - Đà Nẵng vào tháng 1/2014 của VNA với giá hơn 2 triệu đồng/vé từ một cá nhân trên mạng. Kiểm tra thông tin trên hệ thống tổng đài, chị Phương thấy đều chính xác nên yên tâm mình đã mua được vé rẻ.

Tuy nhiên, vì muốn xác định lại ngày, giờ bay, cách đây 1 tuần chị Phương đã gọi điện đến VNA để hỏi thì được nhân viên tổng đài cho biết vé của chị đã được hoàn trả. Lúc này, chị Phương mới biết mình bị lừa. 

Nên liên hệ trực tiếp với các hãng 

Mặc dù, các hãng hàng không giá rẻ như VietJetAir, Jetstar cũng đưa ra quy định, khách hàng không được hoàn vé, chỉ cho phép đổi tên, song, một số đối tượng đã rao bán vé với giá rẻ hơn so với giá vé của hãng. Sau khi bán vé cho khách một thời gian ngắn, họ sẽ đổi tên vé để bán cho người khác. Thậm chí, chỉ với 1 chiếc vé máy bay, đối tượng lừa đảo có thể đổi tên, rồi bán lại cho nhiều người với cùng một thủ đoạn mà chỉ mất vài trăm nghìn đồng phí đổi tên.

Theo thông tin từ hãng hàng không Vietnam Airlines, hiện nay các phản ánh, khiếu nại từ phía khách hàng về tình trạng vé giả, vé đắt hơn giá thực tế đang gia tăng, đặc biệt mức độ lừa đảo của các đại lý bán vé “rởm” ngày càng trở nên tinh vi hơn. Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các hãng hàng không.

Bà Nguyễn Cẩm Nhung - Giám đốc một đại lý bán vé máy bay của hãng VNA thừa nhận, bằng các chiêu thức như bán vé giá rẻ, vé khuyến mãi… các đại lý “ma” này đã thực hiện thủ đoạn giả mạo vé điện tử bằng cách gọi điện đến đại lý chính thức của VNA với tư cách là khách hàng, đặt chỗ nhưng không mua vé, chỉ để lấy thông tin chuyến bay và mã số đặt chỗ, sau đó sao chép mẫu vé của VNA và tự tạo ra các thông tin khác trên vé theo nguyên bản để bán cho khách hàng. 

Do vậy, bà Nhung đưa ra lời khuyên, nếu đặt vé online, khách hàng nên tự đặt vé thì mới có quyền sở hữu thực sự những chiếc vé đó. Ngoài ra, nếu muốn mua vé trực tiếp tại các hãng, khách hàng cũng có thể liên hệ các phòng vé và đại lý chính thức của các hãng hàng không này trên toàn quốc.