Bàn về văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh

Theo Hồng Hà/daibieunhandan.vn

Văn hóa doanh nghiệp (VHDN) không thể tách rời với văn hóa quản lý nhà nước, đồng thời chịu ảnh hưởng từ tổng hòa và hội tụ các nhân tố bên ngoài và bên trong doanh nghiệp.

Quang cảnh hội thảo. Nguồn: Internet
Quang cảnh hội thảo. Nguồn: Internet

Trong đó, nổi bật là các giá trị lịch sử, truyền thống dân tộc; pháp luật và đạo đức xã hội; sự phát triển và hoàn thiện của các thể chế kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp cũng như nhận thức và hành động cụ thể của chủ doanh nghiệp và cộng đồng lao động.

Thiếu nhận thức văn hóa

Tại Hội thảo “Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh” sáng 5/12,  Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho rằng, đây là cơ hội để các doanh nhân, đại diện các doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế và văn hóa gặp gỡ, thảo luận nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế xã hội, tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp, cùng với đó là tăng cường phổ biến pháp luật trong nước và pháp luật quốc tế tới từng doanh nghiệp; ngăn chặn, trừng phạt những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gian lận, làm ăn phi pháp, phi văn hóa gây tổn hại tới các doanh nghiệp.

Trên thực tế, nước ta hiện có 51 hội và tổ chức xã hội tham gia công tác bảo vệ người tiêu dùng trên cả nước. Theo Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương, mỗi năm có khoảng từ 3.000 - 4.000 vụ việc khiếu nại được các hội tư vấn, hỗ trợ.

Tuy nhiên, trên phạm vi chung, hiện vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế về cơ sở pháp lý, nhận thức, sự quan tâm và hiệu lực, hiệu quả triển khai thực tế trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đặc biệt, ở một số trường hợp, có vụ kéo dài và phức tạp, thiếu hợp tác giữa người tiêu dùng và cơ quan chức năng, bên cạnh việc xuất hiện tình trạng nhà sản xuất thiếu tôn trọng khách hàng, chối bỏ trách nhiệm.

Bảo đảm quyền lợi bằng luật pháp

Trong bối cảnh kinh tế thị trường, việc bảo đảm  quyền lợi cho người tiêu dùng, người lao động không thể trông cậy thụ động và khoán trắng cho các doanh nghiệp, mà phụ thuộc ngày càng chặt chẽ vào nhận thức đầy đủ, sâu sắc; sự hoàn thiện về mặt pháp luật và sự chung tay hành động mạnh mẽ hơn nữa từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội và chính cộng đồng người tiêu dùng.

Thực tiễn đã cho thấy, khi việc coi thường quyền lợi người tiêu dùng được mặc định và trở thành phổ biến trong xã hội chứng tỏ sự thiếu hụt và suy thoái trong giá trị xã hội nói chung và trong VHDN nói riêng. Bởi vậy, để phần nào có thể xây dựng được nền văn hóa doanh nghiệp văn minh, hiện đại và phát triển cần sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cùng ban, ngành liên quan để từng bước khắc phục.

Tìm giải pháp cho vấn đề này, Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng ban Tuyên truyền lý luận Báo Nhân dân, TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh: “Nhà nước cần tăng cường năng lực thể chế để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng từ Trung ương đến địa phương.

Qua đó, từng bước kiến tạo với vai trò là một nhà tổ chức môi trường kinh doanh để các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng và tuân thủ pháp luật. Các ban, ngành, địa phương phải được phân công và phối hợp trách nhiệm rõ ràng, cụ thể, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và cá nhân được giao”.

Các đại biểu dự hội thảo cũng cho rằng, VHDN không thể tách rời với văn hóa quản lý nhà nước; đồng thời, chịu ảnh hưởng từ tổng hòa và hội tụ các nhân tố bên ngoài và bên trong doanh nghiệp, nổi bật là các giá trị lịch sử, truyền thống dân tộc...

Theo TS. Đỗ Hữu Hải, Khoa Quản trị Kinh doanh và Du lịch, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh, bên cạnh ứng xử hợp tình hợp lý dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống của doanh nghiệp tới người lao động, thì xét về mặt xã hội, thước đo quan trọng nhất của VHDN là mức độ tuân thủ pháp luật và sự tôn trọng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, uy tín và sức hấp dẫn của doanh nghiệp với các đối tác và người tiêu dùng trên thị trường…

Với tinh thần đó, trong bối cảnh hiện nay ở nước ta, hai điểm nhấn nổi bật trong VHDN cần được nhận diện và đòi hỏi có thái độ và giải pháp xử lý thích đáng, đó là sự tôn trọng, bảo vệ quyền người tiêu dùng và tình trạng phí bôi trơn được mặc định trong hoạt động và quản lý doanh nghiệp.

“Đặc biệt, vấn đề quan trọng nhất hiện nay đó là VHDN cần phải có những đột phá mạnh mẽ về tăng cường nhận thức và chỉ đạo, điều hành hệ thống luật pháp, từ đó dần kiểm soát chặt chẽ quyền lực, đẩy lùi hiện tượng tha hóa biến chất hay tham nhũng… Đồng thời, cần chú trọng hỗ trợ và tăng cường sức ép xã hội cho xây dựng VHDN, đạo đức kinh doanh. Bên cạnh việc dần tiến tới xóa bỏ những thể chế kìm hãm doanh nghiệp và điều chỉnh những thể chế làm lệch lạc, lãng phí các nguồn lực. Có như vậy, nền VHDN mới được bảo đảm đúng, văn minh, hiện đại và phát triển”, TS. Nguyễn Minh Phong khẳng định.