Báo cáo kiểm toán tuân thủ đúng tinh thần “có sao nói vậy”

PV.

Hoạt động kiểm toán độc lập đã dần trở nên quen thuộc với đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam sau 27 năm hình thành và phát triển (từ năm 1991). Tuy nhiên, những băn khoăn về kiểm toán độc lập vẫn còn nhiều. Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về kiểm toán độc lập, phóng viên tapchitaichinh.vn phỏng vấn ông Ngô Đức Đoàn – Ủy viên BCH Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC.

PV: Xin ông cho biết, báo cáo kiểm toán độc lập có ý nghĩa như thế nào? Sự khác biệt giữa báo cáo kiểm toán độc lập và báo cáo tài chính (BCTC)?

Ông Ngô Đức Đoàn: Báo cáo kiểm toán độc lập không chỉ có ý nghĩa lớn đối với người quản lý cấp cao của đơn vị, mà còn rất quan trọng với các cổ đông, nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước và các cá nhân đăng hoặc sẽ cho vay vốn. Qua báo cáo kiểm toán độc lập họ sẽ đưa ra các quyết định cuối cùng. Do vậy, bất kỳ ai cần đến một tiếng nói trung thực, khách quan về BCTC mà mình đang quan tâm thì đều cần đến báo cáo kiểm toán độc lập.

Báo cáo kiểm toán nhiều khi chỉ trọn vẹn trong một trang A4 và không có số liệu nào trong đó nhưng nó cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết cho người đọc. Khi đọc báo cáo kiểm toán độc lập, người đọc sẽ biết được: phạm vi kiểm toán là đến đâu; ai là người chịu trách nhiệm lập và trình bày BCTC; trách nhiệm của kiểm toán viên độc lập của công ty kiểm toán là gì; ý kiến của kiểm toán viên của doanh nghiệp (DN) kiểm toán đối với BCTC được đính kèm là như thế nào.

Nếu một đơn vị nào đó chỉ công bố BCTC đã được kiểm toán mà không công bố các trang báo cáo kiểm toán có chữ ký, đóng dấu của kiểm toán viên và Công ty kiểm toán độc lập thì bạn nên nghĩ ngay, liệu có uẩn khúc gì không trong việc không công bố đầy đủ thông tin như vậy.

Nếu một báo cáo kiểm toán độc lập nói rằng, BCTC đính kèm không trung thực, không hợp lý hoặc kiểm toán viên không thể đưa ra ý kiến thì bạn không nên mất thời gian để đọc BCTC đính kèm đó nữa, trừ khi bạn có đủ trình độ chuyên sâu và có các dữ liệu bổ sung để tiếp tục sàng lọc các thông tin trên BCTC.

PV: Nhiều DN cho rằng, đã có kiểm toán rồi nhưng BCTC chưa được như ý, các chỉ số chưa hoàn hảo. Ông giải thích hiện tượng này thế nào?

Ông Ngô Đức Đoàn: Kiểm toán độc lập không phải là một phép màu để biến một BCTC méo mó, thua lỗ thành một BCTC đẹp long lanh với các chỉ số hoàn hảo. Thực trạng tài chính của đơn vị như thế nào sẽ được kiểm toán độc lập ghi nhận đúng như vậy. BCTC là do đơn vị lập và công bố, kiểm toán độc lập không tự sửa đổi các con số, từ ngữ trong BCTC của đơn vị.

Có thể, số liệu, thông tin trên BCTC trước và sau kiểm toán rất khác nhau. Tuy nhiên, sự khác biệt đó là do BCTC trước kiểm toán được đơn vị lập chưa phù hợp với với chính sách, chế độ tài chính kế toán hiện hành. Kiểm toán viên đã chỉ ra những sai sót đó cho đơn vị được kiểm toán và đơn vị đã chỉnh sửa lại BCTC của mình cho đúng với tình hình thực tế và chế độ tài chính, kế toán hiện hành.

PV: Vậy quyền và nghĩa vụ của kiểm toán viên của DN kiểm toán như thế nào trong trường hợp DN không đồng tình khi nhận được ý kiến của kiểm toán đánh giá rằng BCTC không trung thực, không hợp lý, thưa ông?

Ông Ngô Đức Đoàn: Báo cáo kiểm toán không phải lúc nào cũng khẳng định rằng BCTC đã được kiểm toán đính kèm là trung thực hợp lý mà báo cáo kiểm toán luôn tuân thủ đúng tinh thần “có sao nói vậy”.

Khi BCTC được lập và trình bày đúng đắn, phù hợp với chính sách, chế độ tài chính kế toán mà đơn vị đó phải tuân thủ, không còn chứa đựng các sai sót trọng yếu, kiểm toán viên DN kiểm toán sẽ công bố rằng BCTC đó là trung thực hợp lý, hay còn gọi là ý kiến chấp nhận toàn phần.

Các loại ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần cũng rất khác nhau, tùy theo từng mức độ sai sót, gian lận (nếu có) mà kiểm toán viên DN kiểm toán sẽ đưa ra ý kiến phù hợp.

Trong trường hợp kiểm toán viên DN kiểm toán không thể xác định được ảnh hưởng của các sai sót trọng yếu đến BCTC đã được kiểm toán và họ cho rằng các vấn đề này ảnh hưởng lan tỏa đến BCTC, họ sẽ phải từ chối đưa ra ý kiến.

Trường hợp kiểm toán viên xác định được rằng, BCTC đã được kiểm toán vẫn còn chứa đựng những sai sót trọng yếu ảnh hưởng lan tỏa đến BCTC, kiểm toán viên DN kiểm toán đã trao đổi, giải thích với đơn vị được kiểm toán nhưng đơn vị được kiểm toán vẫn kiên quyết không sửa đổi BCTC thì họ buộc phải đưa ra ý kiến rằng BCTC đó là không trung thực, không hợp lý, hay còn gọi là ý kiến trái ngược.

Trong mọi trường hợp, kiểm toán viên DN kiểm toán đều phải đã làm hết trách nhiệm của họ theo quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập. Dù là từ chối đưa ra ý kiến hoặc đưa ý kiến trái ngược thì cũng đều phải dựa trên kết quả công việc của họ chứ không thể không làm gì mà tùy tiện đưa ý kiến.

Mặt khác, kiểm toán viên DN kiểm toán cũng không thể có đủ quyền lực để buộc được một đơn vị cố tình công bố BCTC không trung thực, không hợp lý phải thay thế bằng một BCTC khác trung thực, hợp lý. Trong trường hợp này, quyền và nghĩa vụ của kiểm toán viên của DN kiểm toán chỉ giới hạn trong việc công bố trên báo cáo kiểm toán của họ rằng BCTC đính kèm không trung thực, không hợp lý mà thôi.

Xin cảm ơn ông!

Trong một số trường hợp, việc kiểm toán độc lập BCTC là quy định bắt buộc của cơ quan quản lý Nhà nước cũng nhằm hướng tới việc bảo vệ quyền lợi của người đọc BCTC được tiếp cận với nguồn thông tin trung thực, hợp lý nhất, độc lập với thông tin do chính đơn vị lập BCTC đó công bố.