Báo cáo thường niên mạng lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp

Theo Tạp chí Chứng khoán số T8/2016

Các Báo cáo thường niên, báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp có chất lượng tốt, đáp ứng chuẩn mực của thông lệ khu vực và quốc tế, từng bước giúp nâng hạng thị trường theo tiêu chuẩn của MSCI. Tạp chí Chứng khoán đã có cuộc trao đổi ngắn với TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước xoay quanh chủ đề này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về chất lượng BCTN của các DNNY trong thời gian qua?

Báo cáo thường niên (BCTN) của doanh nghiệp niêm yết (DNNY) đã đáp ứng được yêu cầu tuân thủ quy định về công bố thông tin (CBTT), quản trị công ty (QTCT), phát triển bền vững (PTBV)... Bên cạnh việc CBTT liên quan đến báo cáo tài chính (BCTC) hoặc CBTT bất thường và theo yêu cầu thì hàng năm, DNNY phải xây dựng BCTN và công bố ra thị trường để cho công chúng, nhà đầu tư nắm bắt được hoạt động của doanh nghiệp.

Trong BCTN, bên cạnh việc doanh nghiệp công bố tình hình tài chính, chiến lược hoạt động… thì cũng phải đồng thời lập báo cáo PTBV và báo cáo về QTCT.

Trong những năm gần đây, BCTN của doanh nghiệp đã tuân thủ rất tốt các vấn đề pháp lý, giảm dần những nội dung không phải là trọng tâm của BCTN. Nhìn chung cả nội dung lẫn hình thức BCTN đều được cải thiện đáng kể so với trước kia, trong đó các doanh nghiệp đã nghiêm túc hơn trong việc xây dựng BCTN.

Ở đây không chỉ còn là câu chuyện doanh nghiệp xây dựng BCTN mang tính chất đối phó như trước đây, mà họ cũng đã giảm thiểu được việc BCTN mang tính chất quảng cáo hình ảnh, giới thiệu sản phẩm… nhằm đảm bảo quy định về CBTT, đồng thời từng bước hướng tới những chuẩn mực của thông lệ khu vực và quốc tế.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của PTBV và trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội để hướng đến phát triển doanh nghiệp bền vững. Điều này có nghĩa là không phải doanh nghiệp nào cũng đặt ra yêu cầu phát triển bằng mọi giá mà họ đã hướng tới bảo vệ môi trường, môi sinh, đặc biệt trước những biến đổi khí hậu hiện nay đang ngày càng trở thành vấn đề gay gắt của toàn nhân loại.

Mặc dù vậy, vẫn còn có một số doanh nghiệp chưa “quen” với cách lập BCTN theo chuẩn mực của thông lệ quốc tế mà vẫn còn nặng về quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, chủ yếu là giới thiệu những tiềm năng, những lợi thế của doanh nghiệp…

Mặt khác, một số báo cáo còn hạn chế ở nội dung phân tích rủi ro, chưa làm rõ những dự báo rủi ro để nhà đầu tư có thể nhận diện. Hy vọng trong thời gian tới, lãnh đạo của những doanh nghiệp này sẽ nhận thức được những tồn tại trên và sớm khắc phục nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của BCTN.

Qua các mùa chấm giải BCTN, tôi cũng thấy một điểm khá quan trọng nữa, đó là những doanh nghiệp có chất lượng BCTN tốt, CBTT đầy đủ, minh bạch, thể hiện sự chuyên nghiệp, sáng tạo thường là những doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả ở trên thị trường trong nhiều năm qua, được công chúng, nhà đầu tư đón nhận (đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới những doanh nghiệp này) ví dụ như VNM, BVS,DHG, FPT…

Thưa ông, Thông tư 155/2015/TT-BTC đã có hiệu lực từ ngày 01/1/2016, điều này có nghĩa các DNNY sẽ thực hiện BCTN và báo cáo PTBV theo thông tư này. Vậy, mùa BCTN năm nay có gì khác biệt so với các năm trước đây?

Theo quy định của Thông tư 155, “các công ty đại chúng phải lập BCTN theo Phụ lục số 04 ban hành kèm theo Thông tư này và công bố báo cáo này chậm nhất là 20 ngày sau ngày công bố báo cáo tài chính năm được kiểm toán nhưng không vượt quá 120 ngày, kể từ ngày kết thúc năm tài chính”, trong khi Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.

Vì vậy, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có thêm thời gian nắm bắt và làm quen với các quy định mới tại thông tư này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thống nhất cho phép các doanh nghiệp vẫn áp dụng các quy định tại Thông tư 52/2012/TT-BTC khi lập BCTN năm 2016.

Tuy nhiên, số lượng các DNNY thực hiện theo mẫu BCTN tại Thông tư 155 cũng như thể hiện nội dung về PTBV vẫn tăng mạnh so với năm 2015 cho dù bị áp lực về thời gian.

Mặt khác, Thông tư 155 chỉ yêu cầu doanh nghiệp tích hợp báo cáo PTBV trong BCTN nhưng một số DNNY có uy tín trên Vụ Phát triển Thị trường Chứng khoán (TTCK) đã thực hiện xây dựng một BCTN riêng và báo cáo PTBV riêng theo đúng chuẩn mực quốc tế.

Một điểm đáng lưu ý nữa, đó là Việt Nam chưa có quy định bắt buộc doanh nghiệp phải CBTT bằng tiếng Anh đối với BCTN (chỉ khuyến khích), nhưng hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đã chủ động xây dựng BCTN bằng tiếng Anh song song với bản tiếng Việt.

Bên cạnh việc công bố BCTN bằng bản cứng, họ còn có cả bản mềm để giúp cổ đông và nhà đầu tư thuận tiện trong việc tiếp cận thông tin.

Ngoài ra, mùa trao giải BCTN năm nay cũng đã ghi nhận những BCTN của các DNNY có sự tiến bộ vượt trội, ví dụ như BCTN của Tập đoàn TNG của Thái Nguyên, đây là doanh nghiệp lần đầu tiên tham gia giải BCTN nhưng được xếp vào nhóm BCTN nhận được giải thưởng và BCTN có sự tiến bộ vượt trội.

Theo tôi đây là điều đáng ghi nhận vì TTCK Việt Nam đang trong giai đoạn thực hiện nâng hạng thị trường theo chuẩn mực mà MSCI yêu cầu. Nếu càng có nhiều doanh nghiệp tăng được tính minh bạch, phổ quát và xây dựng các báo cáo bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh thì có thể góp phần nâng hạng TTCK Việt Nam, từ đó giúp thu hút thêm ngày càng nhiều nhà đầu tư quốc tế.

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế, điều này đặt ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp ngày càng phải chuẩn hóa CBTT. Vậy, ông có những khuyến nghị gì đối với các DNNY?

Cơ quan quản lý thị trường không đưa ra bất cứ yêu cầu nào đối với các doanh nghiệp khi xây dựng BCTN và báo cáo PTBV mà chỉ truyền đi thông điệp là các doanh nghiệp cần tuân thủ Thông tư 155 và để cho nhà đầu tư tự đánh giá về tính công khai, minh bạch của doanh nghiệp qua các báo cáo.

Bởi lẽ, thông thường những doanh nghiệp hoạt động bài bản, họ thể hiện BCTN rất rõ ràng, minh bạch. Điều này giúp nhà đầu tư, các đối tác tiếp cận thông tin của doanh nghiệp một cách thuận lợi hơn cũng như có sự “thân thiện” hơn với doanh nghiệp.

Còn đối với những doanh nghiệp xây dựng BCTN chỉ mang tính chất đối phó hoặc thiên về quảng cáo, giới thiệu sản phẩm… thì chắc chắn sẽ không thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư, đối tác hoặc cộng đồng doanh nghiệp.

Mặt khác, trong năm 2016 có nhiều thay đổi căn bản về khung pháp lý, thể chế đối với hoạt động của doanh nghiệp như Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014 đã có hiệu lực, những quy định mới liên quan đến CBTT trên TTCK, một số quy định về chứng khoán và TTCK liên quan đến sở hữu nước ngoài, QTCT… có sự điều chỉnh so với các quy định trước kia, đòi hỏi doanh nghiệp phải có những thay đổi cho phù hợp để hướng tới chuẩn mực mới theo quy định pháp luật.

Mặt khác, yêu cầu của hội nhập khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương cũng đòi hỏi các doanh nghiệp phải từng bước chuẩn hóa trong việc lập BCTN theo hướng công khai minh bạch, trình bày, thể hiện BCTN một cách khoa học, hướng tới nhu cầu cung cấp thông tin đầy đủ, đa chiều từ phía nhà đầu tư và các đối tác muốn tiếp cận doanh nghiệp.

Xin trân trọng cảm ơn ông!