Bảo hộ nhãn hiệu: Lơ là... là thua thiệt!

Theo Thời báo Kinh doanh

Khi hàng hóa của các nước thuộc Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được mở cửa, nếu không có phương án thích hợp trong việc bảo hộ nhãn hiệu, các doanh nghiệp (DN) Việt sẽ rất dễ rơi vào cảnh bị thua thiệt ngay trên chính sân nhà. Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng” là điều đáng cảnh báo để các DN Việt chú ý đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại các nước ASEAN trong lúc này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo số liệu thống kê mới nhất, trong quý I/2016, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam – ASEAN đã đạt 9,74 tỷ USD, tăng gấp 10 lần so với năm 2002.

Nhìn từ số kim ngạch này, ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Tp.HCM, cho rằng cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam trong khu vực ASEAN đã chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, các DN Việt cần sớm nắm bắt các quy định về đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu trong khu vực ASEAN, tránh rơi vào cảnh bị thua thiệt trên sân nhà.

Tránh “mất bò mới lo làm chuồng”

Ông Nguyễn Minh Đức lưu ý rằng bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa là bảo vệ tài sản trí tuệ vô giá của chính DN, nhất là khi Việt Nam là thành viên WTO và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA).

Do đó, trong tương lai, các DN Việt Nam sẽ gặp rất nhiều trường hợp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và cạnh tranh không lành mạnh, không chỉ trong nước mà cả trên thế giới. Vì vậy, các tổ chức, cá nhân cần chủ động đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với các tài sản trí tuệ một cách nhanh chóng.

Vấn đề này cũng được ông Vương Đức Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) nhấn mạnh tại hội thảo “Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại các nước ASEAN trong quá trình hội nhập AEC” diễn ra ở Tp.HCM ngày 13/7.

Theo ông Vương Đức Tuấn, do thiếu bảo hộ về nhãn hiệu, đã có nhiều DN Việt vướng vào tình trạng bị chiếm đoạt nhãn hiệu hoặc đối mặt tình trạng làm giả, làm nhái nhãn hiệu. Ở một số thị trường trong khu vực, nhiều DN Việt đã phải tốn kém nhiều tiền bạc để đòi lại quyền sở hữu nhãn hiệu của mình.

Chính vì vậy, ông Tuấn nhấn mạnh việc bảo hộ nhãn hiệu cho các DN Việt Nam đang là vấn đề cực kỳ quan trọng, nhất là trong bối cảnh hội nhập Cộng đồng AEC. Hiện nay, chúng ta không chỉ đối mặt với hàng Thái Lan mà ngay như hàng hoá của Indonesia, Malaysia, Lào, Campuchia cũng đang thâm nhập thị trường Việt.

Trong khi đó, siêu thị ở Việt Nam đưa hàng của các nước này vào tiêu thụ nhưng lại có vấn đề về sở hữu nhãn hiệu, nhất là tình trạng các hàng hóa này được cố tình thay đổi tên và mẫu mã cho phù hợp với thị trường Việt Nam.

Theo ông Trần Giang Khuê (Cục Sở hữu trí tuệ), Việt Nam đang trong quá trình hội nhập nhưng nếu các DN trong nước không chủ động đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, đáng lẽ phải làm tốt hơn thì chúng ta lại không làm, dễ dẫn đến tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”. Do đó, các DN cần nhanh chóng tìm hiểu quy định pháp luật tại các nước trong khu vực để bảo hộ nhãn hiệu.

Cần hiểu luật từng nước ASEAN

Trên thực tế, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế được cho là vẫn còn gặp nhiều khó khăn do DN thiếu thông tin hướng dẫn về pháp luật của nước sở tại cũng như không nắm được các nghĩa vụ trách nhiệm của chủ sở hữu sau khi được cấp nên dễ dẫn đến việc mất quyền.

Theo phản ánh của nhiều DN, thời gian để được công nhận bảo hộ nhãn hiệu khoảng một năm hiện nay là quá dài. Đối với việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trong nước, cần rà soát, đơn giản hóa giấy tờ, rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ; công khai minh bạch thông tin trên internet.

Các DN cũng kiến nghị các cơ quan chức năng và Bộ KH&CN đẩy mạnh việc hỗ trợ thông tin về sở hữu trí tuệ cho DN và cần hướng dẫn cụ thể quy trình đăng ký bảo hộ ở các nước khác nhau.

Giới chuyên gia cho rằng khi đăng ký nhãn hiệu tại ASEAN, các DN Việt cần lưu ý nguyên tắc về lãnh thổ (xác lập quyền tại những lãnh thổ có nhu cầu độc quyền) và nguyên tắc nộp đơn đầu tiên.

Theo luật sư Nguyễn Nhật Thuỳ Vân (Văn phòng luật sư A Hoà), khi muốn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trong khu vực, các DN nên hiểu rõ những quy định chung theo luật pháp từng nước ASEAN.

Nói như bà Nguyễn Thị Hoài Thanh, chuyên viên Cục Sở hữu trí tuệ, các DN Việt nên nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trong khu vực ASEAN càng sớm càng tốt. Đồng thời, các DN nên sớm xác lập quyền tại những quốc gia mà DN muốn đưa sản phẩm, dịch vụ vào thị trường của nước đó. Nhưng trước tiên, DN cần phải tra cứu trước khi nộp đơn.

Trước hết, các DN cần nắm rõ các dấu hiệu để có thể được bảo hộ nhãn hiệu. Cụ thể là dấu hiệu nhìn thấy được, có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của DN. Dấu hiệu có khả năng phân biệt, thương hiệu, tiêu đề, nhãn, vé, tên, chữ ký, chữ, chữ viết, chữ số, hoặc kết hợp các yếu tố đó, đều có thể được đăng ký như là một nhãn hiệu.

Các DN cũng cần để ý đến các dấu hiệu thường bị từ chối cấp đăng ký. Đơn cử như dấu hiệu có khả năng gây nhầm lẫn hoặc lừa dối công chúng về bản chất, chất lượng, đặc tính hoặc nguồn gốc địa lý của hàng hoá hoặc dịch vụ hoặc các nhãn hiệu trùng, tương tự gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu nổi tiếng…