Bí mật sở hữu dần sáng tỏ

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Trong 9 ngân hàng yếu kém cần tái cơ cấu, có 4 ngân hàng tại TP. Hồ Chí Minh. Đến nay hai nhóm ngân hàng đã chuyển biến sau hai năm cơ cấu cổ đông và tự củng cố.

Bí mật sở hữu dần sáng tỏ
Quá trình tái cơ cấu cũng làm minh bạch hơn thông tin về các NHTM cổ phần. Nguồn: internet
Tái cơ cấu từ sở hữu cổ phần

Vào đầu năm 2012, ba ngân hàng đầu tiên (ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) Sài Gòn, NHTMCP Đệ Nhất, NHTMCP Việt Nam Tín Nghĩa) tự nguyện hợp nhất sáp nhập thành NHTMCP Sài Gòn (SCB) thuận lợi vì chung một chủ đầu tư. Thế nhưng hầu hết các khoản nợ của nhóm ngân hàngnày đều nằm ở những dự án dang dở, thậm chí đang thi công đến giai đoạn cuối thì thị trường bất động sản đóng băng và sản xuất kinh doanh đình trệ.

Nếu trước đây cơ cấu cổ đông của những ngân hàng này chủ yếu là các cổ đông trong nước, sau hợp nhất SCB hiện nay đã có sự tham gia của cổ đông nước ngoài. Phương án cơ cấu lại trong năm 2013 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt, hoạt động của SCB đến nay đã dần ổn định, thanh khoản đảm bảo, khoản tiền tái cấp vốn khoảng 19.200 tỷ đồng từ NHNN, đến nay, đã trả nợ xong.

Điểm nổi bật của quá trình hợp nhất nhóm ngân hàng này là có sự thay đổi về “chất” trong cơ cấu vốn và nhân sự bộ máy điều hành, thể hiện bằng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đã lên đến 15% vốn điều lệ của SCB và gần đây ngân hàng này đã có nhân sự là người nước ngoài tham gia vào nắm giữ vị trí phó chủ tịch Hội đồng quản trị. Sự nhạy cảm của nhà đầu tư đối với SCB nằm ở một loạt các chỉ số an toàn, quản trị, quản lý rủi ro… trong quá trình củng cố thời gian qua đã được giải tỏa và họ quyết định bỏ vốn đầu tư.

Hiện SCB đang xây dựng kế hoạch hoạt động kinh doanh để cụ thể hóa phương án tái cơ cấu giai đoạn 2013-2014 trình Thống đốc NHNN phê duyệt. Trong đó, đáng chú ý có những yếu tố cơ bản được xây dựng vững chắc như tạo nguồn thu và cải thiện hiệu quả hoạt động.

Trước đó, con số tỷ lệ người hoặc đối tượng sở hữu cổ phần của nhiều ngân hàng là một “bí mật”. Nhưng trong quá trình cơ cấu hơn một năm qua, tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhóm cổ đông lớn đã giảm xuống.

Chẳng hạn Navibank trước đây một cổ đông lớn được cho có nắm giữ một tỷ lệ cổ phần chi phối ngân hàng này, trong quá trình tái cơ cấu, cơ quan quản lý đã xác minh nhóm cổ đông lớn chỉ nắm một tỷ lệ không cao như các thông tin trước đó. Hiện tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhóm cổ đông lớn và những người liên quan của ngân hàng này đã giảm xuống còn 15,81% vốn điều lệ và sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới theo đúng quy định pháp luật.

Từ việc hạ tỷ lệ cổ phần ở mức theo luật định, sau quá trình chuyển nhượng, khoản tài chính thu về đã tạo ra nguồn lực rất đáng kể cho các ngân hàng tái cơ cấu dùng vào việc đầu tư để nâng cao năng lực tài chính cho NH. Hiện nay Navibank đang trình NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh hồ sơ bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc.

Tự tìm kiếm hợp nhất

Từ việc tái cơ cấu của hai nhóm ngân hàng trên, thời gian qua, đã có những ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tuy hoạt động vẫn ổn định và có thực lực tài chính, nhưng đã chủ động tự tìm kiếm đối tác để hợp nhất sáp nhập, nhằm tạo ra một định chế tài chính lớn mạnh hơn.

Ví dụ, HDBank đã đàm phán và gần như hoàn tất sáp nhập với DaiA Bank, đồng thời HDBank mới đây đã mua lại Công ty tài chính Việt Société Générale (SGVF) một nhà đầu tư 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam để sở hữu hơn 700 điểm bán lẻ của SGVF được đánh giá là một chiến lược khôn ngoan trong phát triển thương hiệu. Các chuyên gia đánh giá việc sở hữu một mạng lưới đến 700 điểm sẽ là cơ hội cho HDBank quảng bá thương hiệu ngân hàng và nhãn hiệu VietJet Air trên toàn quốc trong chiến lược kinh doanh.

Điều quan tâm của giới đầu tư nước ngoài hiện nay là mức độ cho phép mở thêm “room” trong mua bán sở hữu cổ phần trong các ngân hàng từ phía các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam. Theo quy định tại Luật Các TCTD năm 2010, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong một ngân hàng không quá 30% vốn điều lệ, trong đó nhà đầu tư nước ngoài chiến lược sở hữu tối đa 20%. Đến nay, tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài chiến lược sở hữu hết “room 20%” có ngân hàng Phương Nam và ngân hàng An Bình.

Theo một chuyên gia tài chính, trong khi chờ có quy định pháp luật nới “room” cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ thêm tỷ lệ cổ phần cao hơn 30%, trước mắt, có thể các nhà đầu tư nước ngoài sẽ “đi đường vòng” bằng cách mua lại hoặc đứng đại diện cho nhiều cổ đông nhỏ lẻ. Khi có luật mới, sẽ hợp thức hóa từ nhóm cổ đông nhỏ lẻ trong nước thành cổ đông nước ngoài, thậm chí với tỷ lệ có thể vượt quá 30%.

Tuy nhiên vị chuyên gia này nhận định: có thể, các cơ quan quản lý sẽ quy định rõ tỷ lệ sở hữu phần vượt mức mà văn bản pháp quy cho phép, từ 31% đến 49% chẳng hạn, nhà đầu tư nước ngoài sẽ không được quyền biểu quyết tại Hội đồng quản trị và giới hạn một số quyền khác.

Dẫu sao, các nhà đầu tư nước ngoài và các đối tác đang sở hữu vận hành khối các NHTMCP vẫn hy vọng một quyết định cởi mở hơn từ phía cơ quan quản lý Nhà nước để có thêm nguồn lực tái cơ cấu, đồng thời mang lại kỳ vọng lớn hơn cho các nhà đầu tư.